Quảng Nam có “chợ bồng heo”

ORIG TEAM

Chợ heo Bà Rén nằm trên đường tránh quốc lộ 1A, đoạn qua xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, chỉ bán duy nhất một mặt hàng là heo giống. Và có lẽ chỉ ở chợ này mới có nghề “bồng heo”.

Quảng Nam có 'chợ bồng heo' - Ảnh 1.

Một góc chợ heo Bà Rén.

Chợ heo Bà Rén ra đời từ những năm 1970, khuôn viên rộng vài ngàn mét vuông, ở giữa là ngôi nhà chừng 500 m2 bày bán heo giống. Đây là chợ heo giống lớn nhất miền Trung. Bà Rén còn lừng danh khắp xứ Quảng với cách mua bán độc đáo là bồng (bế) heo trao đổi cho nhau.

5 giờ sáng 27/10, chợ heo Bà Rén tấp nập người mua, kẻ bán các nơi đổ về, ai cũng khệ nệ với những lồng heo con. Tiếng heo kêu éc éc, tiếng người nói cười và các hoạt động mua bán tạo nên bầu không khí nhộn nhịp, sôi động.

Chợ nằm sát đường nên chúng tôi chỉ dừng xe đã thấy hình ảnh các chú heo với nhiều màu đen, trắng, nâu từ 1 đến 3 tháng tuổi nằm trong rọ. Người ta mang đến đây đủ loại, từ heo thuần chủng cho đến heo Thái Lan, Nhật Bản. Cảnh mua bán chỉ diễn ra chỉ vài giờ. Người mua hoặc là lái heo, hoặc người chăn nuôi. Sau khi mua bán, thương lái chở heo giống về các huyện lân cận trong tỉnh hoặc qua Quảng Ngãi, Đà Nẵng… phân phối cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Quảng Nam có 'chợ bồng heo' - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên.

Một số người bán heo ở chợ cho biết “nguồn hàng” được các hộ chuyên nuôi heo giống ở các huyện trong tỉnh Quảng Nam như Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn… chuyển đến. Người bán, người mua trao đổi giá cả rất nhanh gọn. Có người mua chỉ ước tính trọng lượng con heo mà ra giá, người chưa thạo hay kỹ tính hơn thì cân lên rồi mới tính tiền. Có người mua sỉ vài chục con một lúc, cũng có người chỉ mua một hai con đem về nuôi.

Từ mờ sáng, bà Lưu Thị Ngân, ở xã Quế Xuân 1 đã đi xe máy tới chợ heo Bà Rén. Đầu đội nón, đeo găng tay, bà bắt đầu công việc quen thuộc mà bà đã làm hơn 20 qua. Việc của một người bồng heo như bà Ngân đơn giản là bồng heo con từ lồng của người bán chuyển qua lồng của người mua.

“Trước đây thì đông nhưng hiện tại cả chợ chỉ có 5 người như tôi làm nghề bồng heo. Tôi bồng heo bỏ vào lồng cho họ thì lấy với giá 1.000 đồng/con. Trung bình một buổi tôi kiếm được 100.000 đồng”, bà Ngân nói. Ngoài bà Ngân, 4 người bồng heo còn lại cũng là phụ nữ.

Đang trò chuyện với chúng tôi, chợt bà Ngân nghe ai đó gọi thế là bà chạy tới gỡ dây lồng, thò tay bắt gọn một chú heo, ôm chặt vào người và bồng sang thả vào lồng của người mua. Chỉ vài phút, một đàn heo 10 con, mỗi con nặng từ 3 đến 5kg đã được bà Ngân chuyển sang lồng khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên ở xã Quế Xuân 1 cũng làm nghề bồng heo. Bà nói công việc không chỉ là bồng heo chuyển lồng mà trong quá trình mua bán, người mua chưa chọn được con giống thì những người như bà còn phải bồng heo lên cao để người mua quan sát, kiểm tra. Khi bên mua và bên bán thống nhất về con giống và giá cả tính theo kg, bà Liên sẽ bồng con heo đứng lên một cái cân bàn. Người mua và người bán nhẩm tính, trừ cân nặng của bà Liên sẽ ra trọng lượng con heo.

“Nghề bồng heo vất vả, lại thêm mùi hôi từ phân heo nên nhiều người không muốn làm nghề này nữa. Thế nhưng những ai có hoàn cảnh khó khăn mà lớn tuổi không thể xin vào các xí nghiệp, công ty làm công nhân, thì cùng chị em tôi gắn bó lâu dài với nghề bồng heo. Với lại làm riết rồi cũng quen”, bà Liên cười.

Cũng theo bà Liên, thu nhập từ chợ heo chỉ giúp thêm thắt trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình và cũng là nghề phụ. Buối sáng bà bồng heo, buổi chiều đi bán rau ở chợ.

Ở chợ heo, nhiều người truyền tai nhau những câu hát vui vui: “Ai về Bà Rén ghé chợ heo/ Vui tai, bắt mắt chuyện tầm phèo/Heo kêu, người nói bao nhiêu chuyện/ Chưa trưa buổi chợ đã lèo nhèo”.

Ông Nguyễn Nghi, Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết: Chợ heo Bà Rén đã được xây dựng rất lâu nên có thời gian xuống cấp. Năm 2021, chính quyền địa phương đã cho tu sửa.

“Hiện nay trung bình mỗi ngày có gần 100 hộ kinh doanh, mua bán gần 500 con heo các loại. Chợ mua bán từ 5h sáng, đến hơn 8h là xong”, ông Nghi nói.

Nguồn: Afamily

Total
0
Shares
Related Posts