Nhóm TTS Ban IV cho biết, trong thời gian từ tháng 7-10/2023, nhóm gồm các sinh viên đại học thực tập tại Ban IV đã có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG) và tìm hiểu về nỗ lực triển khai, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. “Chúng em nhận thấy ưu tiên và sự quan tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang dành cho quá trình này. Với sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ có nhiều bước tiến quan trọng. Đặc biệt, nhiều dịch vụ công đã được đưa lên môi trường điện tử để đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC)”, nhóm TTS cho hay.

Sinh viên hiến kế phát huy nguồn lực trẻ đóng góp phát triển dịch vụ công trực tuyến
Sinh viên đề xuất sáng kiến phát huy nguồn lực trẻ đóng góp phát triển dịch vụ công trực tuyến

Tuy nhiên, các TTS cũng chia sẻ trong quá trình trải nghiệm trực tiếp một số dịch vụ công trực tuyến, cụ thể là trực tiếp thực hiện một số TTHC trên Cổng DVCQG và các cổng dịch vụ công của bộ, ngành như: Đăng ký/đăng nhập Cổng DVCQG; Xin cấp/đổi Hộ chiếu; Mua bảo hiểm y tế; Đổi Giấy phép lái xe…, nhóm nhận thấy nhiều chỉ tiêu thực hiện so với yêu cầu của Chính phủ còn thấp; một số dịch vụ công trực tuyến còn chưa được tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, nên chất lượng thực hiện chưa cao.

“Với mong muốn đóng góp những nỗ lực dù nhỏ bé cho tiến trình hết sức quan trọng này của quốc gia, nhằm bày tỏ sự ủng hộ của lớp trẻ đối với mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình cải cách TTHC nói chung, cải thiện quá trình cung cấp các dịch vụ công trực tuyến nói riêng, nhóm TTS đã chủ động nghiên cứu sâu hơn các kinh nghiệm quốc tế về tối ưu nguồn lực trẻ đã qua đào tạo và có mức độ sẵn sàng công nghệ cao tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử (như Ân Độ, Úc, New Zealand…), và mạnh dạn xây dựng một số sáng kiến, ý tưởng để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ”, nhóm TTS đặt vấn đề trong báo cáo gửi Thủ tướng.

Cụ thể, theo nhóm TTS, Báo cáo sáng kiến gửi tới Thủ tướng Chính phủ gồm 3 hạng mục nội dung đề xuất: (i) Tăng cường tỷ lệ công dân trẻ tham gia sử dụng Cổng DVCQG; (ii) Phát huy sáng kiến kỹ thuật từ nguồn nhân lực khoa học – công nghệ trẻ cho tiến trình Chính phủ điện tử và (iii) Nâng cao trách nhiệm của công dân trẻ đối với những mối quan tâm chung của đất nước. Đối tượng được đề cập xuyên suốt các nội dung sáng kiến tập trung vào lực lượng thanh thiếu niên Việt Nam, trong bối cảnh chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai mạnh mẽ.

Triển khai “Tuần lễ mở với Dịch vụ công trực tuyến quốc gia”

Nhóm TTS cho biết, hạng mục đầu tiên được đề xuất với mục tiêu gia tăng mức độ nhận diện của Cổng DVCQG với đối tượng trẻ thông qua việc tích hợp các yêu cầu Đăng ký/đăng nhập, các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG với một số hoạt động, nhu cầu trực tuyến của Học sinh – Sinh viên.

Sinh viên hiến kế phát huy nguồn lực trẻ đóng góp phát triển dịch vụ công trực tuyến
Báo cáo sáng kiến của nhóm sinh viên – thực tập sinh tại Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ

Theo kiến nghị của nhóm TTS, hạng mục này có thể triển khai thông qua việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, hoặc Trung ương Đoàn và các Đoàn trường đại học phát động các Tuần lễ mở dành cho từng đối tượng, như:

E-Services Openweek cho đối tượng học sinh cấp trung học phổ thông để đăng ký nguyện vọng thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng trực tuyến trên Cổng DVCQG (hiện tại thủ tục này đang được triển khai đăng ký trên Cổng dịch vụ công của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng của các trường); E-Services Openweek cho đối tượng sinh viên tham gia Tuần sinh hoạt công dân năm thứ nhất đại học, hay phục vụ mục đích đóng học phí trong các năm học, xin cấp các chứng chỉ phục vụ tốt nghiệp đại học.

Một số nội dung truyền thông quan trọng về lợi ích thực tiễn của Cổng DVCQG với học sinh, sinh viên xuyên suốt các năm học và giai đoạn sau đó có thể được triển khai đồng thời trong các Tuần lễ mở này, để giúp tăng cường nhận thức về vai trò, tính minh bạch và cấp thiết của Cổng DVCQG; đồng thời giúp công dân trẻ dễ dàng hơn trong quá trình tiếp cận và hoàn thiện các TTHC cần thiết.

Thanh niên thi đua cải cách dịch vụ công, phát triển giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử (Hack4Gov)

Hạng mục thứ hai do nhóm TTS đề xuất có trọng tâm là tìm kiếm các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công nghệ cho Cổng DVCQG và các cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương liên quan, tương tự như các cuộc thi Hackathon đã được một số địa phương, bộ, ngành phát động, triển khai ở các lĩnh vực khác nhau.

Thông qua cuộc thi, các thí sinh sẽ tranh tài để đưa ra các sản phẩm với mục tiêu hoàn thiện và nâng cấp Cổng DVCQG, cũng như cổng dịch vụ công của các bộ, ban, ngành, địa phương có đăng kí trong chương trình. Nhóm đối tượng được khuyến khích tham gia là nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn về Công nghệ – Thông tin tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trên cả nước.

Các giải pháp thí sinh đưa ra được kỳ vọng góp phần cải thiện trải nghiệm người dùng, tăng khả năng đáp ứng linh hoạt nhu cầu của công dân trên các hệ thống cổng, đồng thời tối ưu hóa các tính năng và giao diện của Cổng DVCQG trong tương lai. Trong trường hợp được sự cho phép, cuộc thi này có thể áp dụng để thu thập các giải pháp liên quan tới bảo mật nhằm gia tăng tính bảo mật cho các hệ thống Chính phủ điện tử.

Tổ chức Hội nghị Công dân trẻ với Chính phủ điện tử

Hạng mục sáng kiến cuối cùng được nhóm TTS đề xuất xây dựng nhằm mang tiếng nói cũng như tâm tư, nguyện vọng và năng lực của công dân trẻ vào việc định hướng phát triển Chính phủ điện tử và các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Theo đề xuất của nhóm TTS, Hội nghị có thể tiến hành thường niên, bao gồm các phiên trao đổi theo chủ đề liên quan công nghệ, kỹ thuật, giao diện, trải nghiệm người dùng, bảo mật… từ quan điểm, góc nhìn của các công dân trẻ.

Hội nghị cũng là nơi để đại diện công dân trẻ đưa ra các đề xuất với Chính phủ/cơ quan thẩm quyền các giải pháp, sáng kiến nhằm hoàn thiện, phát triển các hạng mục Chính phủ điện tử hoặc Cổng DVCQG hoặc đóng góp, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong công cuộc số hóa dịch vụ công – bài toán mang tính quốc gia – thông qua trải nghiệm đã có trước đó từ các Tuần lễ mở và/hoặc các cuộc thi Hack4Gov.

Khẳng định mong muốn được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận tâm huyết và nhìn nhận lớp trẻ cũng là một lực lượng quan trọng trong nỗ lực phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, nhóm TTS mạnh dạn đề xuất giao Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng hoặc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng có những chương trình đối thoại, thảo luận với các công dân trẻ, nhằm hoàn thiện hơn nữa và tìm cơ hội hiện thực hóa các sáng kiến. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất là thu hút hiệu quả lớp trẻ Việt Nam tham gia vào tìm lời giải cho các bài toán quốc gia./.