Theo bài viết trên báo The Straits Times, châu Á là nơi có một số nền kinh tế tăng trưởng cao, bao gồm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Còn gọi là bốn “con hổ kinh tế”, những nền kinh tế này dường như sẵn sàng “nhảy vọt” trong năm mới. Tuy nhiên, trước hết, các nền kinh tế này phải vượt qua tình trạng bất trắc do những biến thể của virus SARS-Cov-2 mang lại và áp lực lạm phát.

Singapore

Biến thể Omicron đã phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Điều này cũng đặt nền kinh tế thế giới vào tình thế đầy rủi ro.
Sự lây lan của biến thể Omicron vẫn chưa đạt đỉnh ở Singapore, và một số chuyên gia dự đoán rằng số ca mắc mới COVID-19 tại nước này có thể lên tới 15.000 ca một ngày trong một đến hai tháng tới.
Lo ngại loại biến thể mới này sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế của Singapore không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể, Singapore ít có khả năng đi chệch hướng sự tăng trưởng hiện nay chừng nào nước này không phải đối mặt với khủng hoảng về lao động hay những gián đoạn kinh doanh quy mô lớn.
Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, với việc nhiều nhà tuyển dụng thực hiện xét nghiệm thường xuyên cho nhân viên để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nơi làm việc. Tiêm phòng và các quy định nghiêm ngặt tại nơi làm việc sẽ giúp ngăn chặn những gián đoạn kinh doanh tiềm tàng. Vì vậy xác suất ngừng làm việc ở nước này được coi là rất nhỏ.
Tuy nhiên, Singapore vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trên con đường mở cửa trở lại của mình. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) nước này, nền kinh tế Singapore sẽ tiếp tục phục hồi, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của “đảo quốc sư tử” dự kiến đạt 3-5% trong năm 2022, giảm so với 7,2% của năm 2021.
Hầu hết các lĩnh vực dự kiến sẽ phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng của năm 2022. Đặc biệt, xây dựng được coi là một trong những động lực thúc đẩy chính của nền kinh tế trong năm nay. Sản xuất cũng sẽ khiến 2022 trở thành một năm thịnh vượng. Lĩnh vực này đã hoạt động tốt trong năm 2021 và nó có thể tiếp tục nâng đỡ nền kinh tế Singapore, mặc dù có thể với tỷ lệ thấp hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Maybank, một số động lực thúc đẩy tăng trưởng như điện tử và cơ khí chính xác cũng đã và đang hoạt động gần hết công suất. Điều này có thể làm chậm tăng trưởng trong lĩnh vực này trong năm 2022.
Nhìn chung, Singapore sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, thương mại bán lẻ, dịch vụ ăn uống và các ngành khác liên quan đến du lịch vẫn còn dư địa đáng kể để bắt kịp trong năm 2022.

Hong Kong (Trung Quốc)

Triển vọng kinh tế Hong Kong năm 2022 tương đối khó dự đoán hơn so với của Singapore vì vùng lãnh thổ này đang phải đối mặt với nhiều tình trạng bất trắc hơn, như chính sách của Trung Quốc đối với biến thể Omicron, áp lực lạm phát, sự tắc nghẽn về chuỗi cung ứng cũng như những nhân tố địa chính trị.

Người đi đường đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại quận Wan Chai, Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Một số nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Hong Kong khi xét đến tác động của số ca mắc COVID-19 mới đối với chính sách kiểm soát biên giới của thành phố này. Ví dụ, các ca nhiễm mới gần đây ở Thâm Quyến đã thổi bay hy vọng của Hong Kong mở cửa trở lại với Trung Quốc Đại lục, gây cản trở cho kế hoạch của họ. Việc thắt chặt những hạn chế đi lại có thể cản trở các chuỗi cung ứng quốc tế, gia tăng chi phí và làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát.
Báo cáo quý III/2021 của Hong Kong cho biết, năm 2021 là năm “phục hồi” đối với Hong Kong nhờ sự khôi phục hơn nữa hoạt động kinh tế toàn cầu và tình hình dịch bệnh địa phương ổn định. Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2022. Đây sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Tuy nhiên, biến thể Omicron rất có thể gây rủi ro cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu này. Loại biến thể mới khó kiểm soát này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cản trở những kỳ vọng về một sự phục hồi kinh tế nhanh trong năm 2022.
Hong Kong có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sự gián đoạn hoạt động kinh doanh hơn. Điều này có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, tác động của những căng thẳng địa chính trị đối với nền kinh tế Hong Kong không nên bị bỏ qua. Những căng thẳng này gây thêm nhiều bất trắc cho tiến trình phục hồi kinh tế trong năm nay.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế của Hong Kong sẽ dựa nhiều hơn vào nhu cầu xuất khẩu toàn cầu và các chính sách kiểm soát COVID-19 của Bắc Kinh.

Hàn Quốc

Theo Reuters, Hàn Quốc kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục phục hồi, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu xuất khẩu, nhu cầu trong nước cũng như kích thích tài chính.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Xuất khẩu tháng 11/2021 của Hàn Quốc đạt mức cao nhất theo tháng, tăng 32,1% so với năm 2020. Điều này chủ yếu là do sự phục hồi kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với chip và hóa dầu. Nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ sẽ tiếp tục khi các đối tác thương mại của nước này dần trở lại hoạt động sản xuất bình thường. Bộ Tài chính Hàn Quốc dự báo tăng trưởng GDP của nước này ở mức 3,1% trong năm 2022.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực. Một mặt, mối đe dọa Omicron làm gia tăng sự bất trắc của tăng trưởng kinh tế nước này. Mặt khác, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với những vấn đề về chuỗi cung ứng. Những vấn đề này có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất, gây nguy hiểm cho các nhà sản xuất của Hàn Quốc.
Khủng hoảng về nguồn cung đẩy giá thành sản phẩm tăng, kéo theo lạm phát do chi phí tăng kéo dài và làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm của nước này. Ví dụ, theo Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc, Hyundai Motor, một trong những nhà sản xuất ô tô bị tác động nặng nề nhất, không thể dự đoán được họ có thể đảm bảo được bao nhiêu bộ phận then chốt, trong đó có thiết bị bán dẫn, do tình trạng thiếu chip ô tô.
Việc giải quyết vấn đề về chuỗi cung ứng là điều thiết yếu để thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế của Hàn Quốc. Nói chung, nước này sẽ có kết quả hoạt động tốt hơn mong đợi nếu họ có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng và kích thích hơn nữa tiêu dùng trong nước.

Đài Loan (Trung Quốc)

Theo Academia Sinica, viện nghiên cứu hàng đầu của Đài Loan, tăng trưởng kinh tế của hòn đảo này dự kiến đạt 3,85% trong năm 2022. Một trong những đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng của Đài Loan là ngành bán dẫn do nhu cầu toàn cầu đối với chip tăng mạnh. Theo một báo cáo của Trung tâm chiến lược quốc tế về công nghiệp, khoa học và công nghệ, sản lượng năm 2022 dự kiến đạt 219 tỷ SGD (163 USD).

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Để khắc phục những hạn chế về năng lực sản xuất, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) – nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới – đang đầu tư một nhà máy mới. Do mở rộng sản xuất và nhu cầu cao, lĩnh vực sản xuất thiết bị bán dẫn tiên tiến sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy chính của tăng trưởng kinh tế ở hòn đảo này trong năm nay.
Tuy nhiên, Đài Loan vẫn cần phải giải quyết một số vấn đề tương tự như các nền kinh tế “con hổ” khác phải đối mặt trong năm 2022, chẳng hạn như những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng và những rủi ro lạm phát cao. Ngoài ra, cả quan hệ Mỹ-Trung và chính sách Đài Loan của Bắc Kinh có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thành tích hoạt động của nền kinh tế này.
Để có được sự tăng trưởng kinh tế lành mạnh và mạnh mẽ, Đài Loan phải thúc đẩy chi tiêu. Chính quyền địa phương đã cung cấp các phiếu mua hàng miễn phí cho người dân để kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, đây không phải là một biện pháp bền vững và tác động sẽ là hạn chế.
Việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, mở cửa trở lại biên giới và khôi phục ngành du lịch sẽ có hiệu quả hơn giúp nền kinh tế Đài Loan quay trở lại phát triển thịnh vượng. Kinh tế Đài Loan sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, nhưng hòn đảo này cần có những “bước đi” khéo léo trong bối cảnh chưa xuất hiện nhiều rủi ro.
Nhìn chung, bốn “con hổ” châu Á có triển vọng kinh tế tích cực trong năm 2022. Nhưng đồng thời mỗi nền kinh tế cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức sắp tới. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dự kiến sẽ chậm lại còn 4,1% vào năm 2022. Điều này có thể có ảnh hưởng đến nhu cầu xuất nhập khẩu của nền kinh tế này, cũng như hiệu quả của chuỗi cung ứng.
Những “con hổ” này vẫn sẽ nhảy vọt, nhưng sẽ có nhiều rào cản kinh tế hơn ở phía trước./.