Có 2 kiểu người khi đi làm mà bất cứ ai cũng sẽ đều nhận thấy rõ. Một là, im lặng làm việc chăm chỉ rồi bỗng đến một ngày nói: “Tạm biệt mọi người, hôm nay là ngày cuối cùng mình làm tại công ty” khiến ai cũng ngỡ ngàng, thảng thốt.
Còn kiểu số hai, thường gặp hơn đấy chính là những người luôn miệng nhắc đến hai chữ “nghỉ việc” nhưng rồi năm 1, năm 2 đến năm 3, năm 4 vẫn thấy họ gắn bó với công ty. Không những vậy, những người từng nói: “Cố làm nốt nhận thưởng Tết rồi ra Tết nghỉ” thì đến hiện tại, họ lại thêm một mùa Tết nữa, vẫn ở công ty cũ, vẫn đợi thưởng và vẫn nói những lời y hệt.
Lý do để hội đi làm tặc lưỡi “đành” cố thêm năm nữa
Bảo Ngọc (SN 2000, quê quán Phú Thọ) hiện đang làm việc tại một công ty về truyền thông sự kiện ở Hà Nội cho biết đồng nghiệp cũng đã quá “ngán ngẩm” và không còn quan tâm mỗi khi cô đề cập đến 2 chữ “nghỉ việc”. Theo đó, Bảo Ngọc chia sẻ, công việc của cô gần như sẽ bận quanh năm và càng về thời điểm cuối năm, số lượng task cần giải quyết càng nhiều. Do đó, thời điểm này sẽ khiến Bảo Ngọc cảm thấy chán nản và mất năng lượng nhiều nhất khi làm việc.
“Vì tính chất công việc bận rộn, nhiều deadline phải giải quyết đến nỗi có những hôm về nhà đã 9h tối, mệt nhoài. Mình nhìn bạn bè đi làm giờ hành chính, thảnh thơi đi dạo phố, uống cafe thấy mà ghen tị. Nên những lúc như vậy, suy nghĩ duy nhất hiện lên trong đầu của mình là nghỉ việc. Cảm giác như đã quá mệt mỏi để có thể làm tiếp công việc này hay cũng không muốn cuộc sống của mình cứ mãi bận rộn như vậy”, Bảo Ngọc bày tỏ.
Tuy nhiên, Bảo Ngọc cho hay tâm trạng khá “thất thường” nên mỗi khi giải quyết xong một task nào đó, cô lại cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ trở lại. Hơn nữa, cuốn vào guồng quay cũng khiến Bảo Ngọc quên đi ý định muốn nghỉ việc.
Cô gái Gen Z chia sẻ: “Năm ngoái, mình đã dự định sẽ làm hết năm, nhận thưởng Tết rồi xin nghỉ. Nhưng điều mình không ngờ tới chính là lương và thưởng cuối năm ngoái của bản thân lại cao vượt mong đợi. Mình được tăng 10% lương, chưa kể sếp cũng đề xuất thưởng thêm khá hậu hĩnh nên khiến mình chần chừ và từ bỏ ý định xin nghỉ việc”.
Cũng có chung nỗi niềm, Mạnh Đức (SN 2000, Hà Nội) cho hay bất cứ ai đi làm hẳn đều một vài lần có ý định nhẫn nhịn làm nốt để nhận tháng lương 13 sau đó nghỉ việc. Mạnh Đức cho rằng đó là điều khá bình thường, tâm lý chung và dễ hiểu. Bởi trong rất nhiều lý do để nghỉ việc, thì mấu chốt lớn nhất vẫn luôn xoay quanh thu nhập. Mạnh Đức cho biết anh thường cân nhắc chuyển việc khác vì mong muốn có thu nhập, chế độ đãi ngộ tốt hơn.
“Mình cũng nhiều lần tự nhủ nhẫn nhịn làm nốt đến cuối năm, nhận lương thưởng rồi sẽ nghỉ việc. Nhưng giờ mình cũng đã ở công ty hiện tại 4 năm rồi… Bởi hễ cứ muốn nghỉ việc, sếp lại có động thái thêm lương, thêm thưởng nên mình lại tặc lưỡi, thôi thì cố thêm năm nữa. Vì suy cho cùng, mọi người đi làm cũng là vì thu nhập, kinh tế. Nếu công ty đã đáp ứng được như cầu đó thì cứ làm tiếp thôi. Dù đương nhiên không tránh khỏi việc chán nản, mệt mỏi trong năm và muốn nghỉ việc. Nhưng từ suy nghĩ đến hành động thực tế thì còn rất nhiều khâu nữa, cân đo đong đếm nên thôi cứ ở yên là tốt nhất”, Mạnh Đức bày tỏ.
Tiếc đồng nghiệp, sợ thất nghiệp cũng là điều khiến Gen Z “bám trụ” tại công ty
Ngoài câu chuyện thu nhập, cũng có rất nhiều nguyên nhân khác khiến phần đông nhân sự dù đã từng nói sẽ nghỉ việc vào cuối năm nào đó nhưng lại vẫn tiếp tục làm việc thêm nhiều năm.
Với Linh Chi (SN 1999) điều khiến cô quyết định “bám trụ” ở công ty là vì nỗi sợ thất nghiệp. Linh Chi cho rằng, rất khó để kiếm được một công việc phù hợp về mọi mặt. Nên khi đã tìm được một nơi như vậy, dù có lúc chỉ muốn nộp đơn cho sếp, chào tạm biệt đồng nghiệp nhưng rồi Linh Chi vẫn lựa chọn nhẫn nhịn ở lại.
“Nỗi sợ lớn nhất của mình khi xin nghỉ việc đấy là không tìm được công việc khác ngay sau đó, Mình đã từng rơi vào trường hợp không xin được việc sau Tết, nên đó vẫn là nỗi ám ảnh với mình”, Linh Chi nói.
Theo Linh Chi, dù rõ ràng sau Tết, thị trường tuyển dụng rất nhộn nhịp nhưng vẫn rất khó để kiếm một nơi “nương thân” phù hợp, đúng ý. “Mình thường đặt ra nhiều tiêu chí khi tìm việc. Từ vị trí công việc đến môi trường, sếp và đồng nghiệp, chế độ đãi ngộ,… hay đến cả việc công ty ở xa hay gần mình đều muốn đạt được khoảng 80 – 90% kỳ vọng . Nên rồi mình lại thấy, bản thân đang có công việc phù hợp nên thà cố gắng ở lại làm tiếp còn hơn đẩy mình vào trường hợp thất nghiệp”, Linh Chi chia sẻ.
Còn đối với Ngân Hà (SN 1998), thứ khiến cô chần chừ, cứ định nghỉ việc rồi lại thôi chính là mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp. Ngân Hà bày tỏ: “Tháng 11 năm ngoái, mình đã nộp đơn xin nghỉ việc cho cuối năm sau khi nhận thưởng tháng 13. Thế nhưng, sếp thay vì ký roẹt quyết định, lại trực tiếp nhắn tin hỏi xem mình gặp vấn đề gì để có hướng giải quyết. Không những thế, mối quan hệ đồng nghiệp của mình tại công ty cũng rất tốt đẹp. Vì vậy mà mình cảm thấy khá tiếc nếu như không làm việc ở đây nữa. Do đó, mình xin ở lại làm tiếp, giờ cũng chuẩn bị mùa nhận thưởng cuối năm lần 3 rồi”.
Nhìn chung, mỗi người đều có một lý do để hợp thức hóa quyết định trụ lại công ty. Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, điều này không có gì đáng “xấu hổ” bởi ai đi làm cũng sẽ trải qua những giai đoạn như vậy. Ngoài ra, phần lớn các công ty cũng đều mong muốn, ưu tiên giữ chân nhân sự cũ thay vì tuyển người mới toanh nếu không phải yếu tố bắt buộc.