Ngày 22/2/2022, Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 1623/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về việc trả lời “Kiến nghị sớm triển khai thi công Dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh đưa vào sử dụng” của của cử tri tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tháng 2, trình Thủ tướng phê duyệt Báo cáo tiền khả thi dự án đường Cao Lãnh - An Hữu
ao tốc Cao Lãnh – An Hữu (đường chấm đỏ) nối tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Ảnh: Ban quản lý dự án 7

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các cơ quan liên quan sớm hoàn tất thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao Lãnh – An Hữu đầu tư theo hình thức đầu tư công trong tháng 2/2022 và dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 với chiều dài khoảng 26km, quy mô 4 làn xe hạn chế (Bnền = 17m), tổng mức đầu tư khoảng 4.771 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hà Quốc (EDCF).

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sớm hoàn tất thủ tục liên quan và hồ sơ để trình Bộ GTVT phê duyệt trong Quý III/2022 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Cao tốc An Hữu – Cao Lãnh có 26 cầu, hướng tuyến đi song song với quốc lộ 30 và đi qua hai địa bàn của tỉnh Tiền Giang (đoạn qua Tiền Giang dài 8 km) và Đồng Tháp (đoạn qua Đồng Tháp dài hơn 20 km), điểm đầu đặt tại cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, điểm cuối tại cao tốc Cao Lãnh – Vàm Cống.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, dự án xây dựng đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh là dự án nhóm A, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng.

Theo quy hoạch, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu là một phân đoạn dài khoảng 30km, quy mô 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030 thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) – Trà Vinh dài 188km (đoạn cửa khẩu Dinh Bà – Cao Lãnh 68km và đoạn An Hữu (Tiền Giang) – Trà Vinh dài 90km đầu tư sau năm 2030).

Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có chiều dài khoảng 27,43km (qua tỉnh Đồng Tháp 18,2km, qua tỉnh Tiền Giang 9,23km). Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh – An Hữu theo quy mô này là khoảng 6.029 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo chủ trương phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án tại nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải dự kiến chia dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thành 2 dự án thành phần để thuận lợi trong thực hiện:

Dự án thành phần 1: dài 18,2km từ xã An Bình, huyện Cao Lãnh, đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.307 tỉ đồng.

Dự án thành phần 2: dài khoảng 9,23km từ xã Tân Hưng, huyện Cái Bè đến xã An Thái Trung, huyện Cái Bè trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.722 tỉ đồng.

Bộ dự kiến chuẩn bị dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu trong năm 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2022 – 2023; thi công xây dựng năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào sử dụng năm 2026.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo các mốc trên, Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề xuất Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc thù tại nghị quyết số 43 của Quốc hội cho phép áp dụng chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu của dự án; quyết định việc phân cấp cho UBND các tỉnh có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án./.