“Đĩa bay” của “thánh chế” miền Tây lên báo Anh, được coi là một điều đáng kinh ngạc
Sáng chế của một người Việt được tờ Daily Mail của Anh ca ngợi là một sản phẩm mang tính tương lai, dù được làm từ một số vật liệu rất cơ bản.
Cụ thể, tác giả William Hunter viết: Dù có tin vào UFO hay không thì cũng không thể phủ nhận rằng vật thể đáng kinh ngạc này thực sự rất giống UFO. Mặc dù không thể bay vút lên không trung nhưng “đĩa bay” đã đạt được tốc độ ấn tượng 50km/h khi lướt trên mặt nước, báo Phụ nữ thuật lại nội dung bài viết.
Chiếc “đĩa bay” được nhắc đến trên báo nước ngoài thuộc sở hữu của anh Trần Long Hồ, 37 tuổi, quê Kiên Giang. Anh Long Hồ được biết đến là một Youtuber nổi tiếng với hơn 1,1 triệu người theo dõi.
Mới đây, anh Hồ đã cho ra mắt động cơ hình dạng “đĩa bay” (UFO) tự chế trong 4 tháng với kinh phí khoảng 60 triệu đồng, nặng 300kg.
Chiếc “đĩa bay” có đường kính 4m, có thể chứa 2 người và chạy trên mặt nước với tốc độ 50km/h, sử dụng động cơ mô tô nước Yamaha 1.200.
Mô hình nhìn rất sống động, cửa sổ có nhiều họa tiết, được gắn đèn nhiều màu và đặc biệt cửa được đóng mở tự động như trong phim khoa học viễn tưởng.
Video chạy thử nghiệm động cơ hình dạng giống đĩa bay của anh Hồ trên sông đến nay đã thu hút gần 20 triệu lượt xem, gần 18 nghìn bình luận. Đặc biệt, sản phẩm nhận được “mưa” lời khen từ nhiều người xem trên thế giới.
Một bình luận viết: Video dài hơn 1 tiếng nhưng giống như bao người khác, tôi đã xem không bỏ sót 1 giây nào vì quá ấn tượng…
Một độc giả nước ngoài đánh giá: Sự khéo léo và độ chính xác cần có để làm ra sản phẩm này thực sự làm tôi sửng sốt. Tôi dành rất nhiều sự tôn trọng cho bạn. Tôi không tìm được từ nào đủ để mô tả sự ấn tượng với chiếc “đĩa bay” này.
Bên cạnh đó, tài khoản careylogan7639 bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm ơn các sáng chế của anh Hồ vì đã truyền cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều người trên thế giới.
Thức đến 2-3h sáng để nghiên cứu, tìm tòi
Anh Long Hồ vốn là nhân viên bảo trì khách sạn. Năm 2020, vì chưa có điều kiện mua thuyền để đi lại trên sông, anh có ý định phục hồi, sửa chữa thuyền, vỏ lãi… hỏng.
Anh xin, mua lại những thiết bị này về vệ sinh rồi tự mày mò phục hồi, sửa chữa. Trong lúc phục hồi, độ chế các thiết bị, anh quay phim, đăng tải lên mạng xã hội.
Rất bất ngờ là các clip này được đông đảo người xem đón nhận. Từ đó, anh quyết định dừng công việc bảo trì khách sạn, trở thành nhà sáng tạo nội dung. Anh liên tục độ chế các loại phương tiện di chuyển trên sông, đất liền để phục vụ khán giả.
Trong đó, các video tự chế du thuyền, khôi phục “thần kỳ” lại cỗ máy nằm dưới biển nhiều năm hay chiếc thuyền chạy trên cạn, con nhện phi trên mặt nước… của anh Hồ thu hút từ vài triệu đến hàng chục triệu lượt xem. Song sản phẩm được chú ý nhất là chiếc “đĩa bay”.
Chia sẻ về ý tưởng làm “đĩa bay” trên tờ Công Thương, anh Trần Long Hồ cho biết: “Mình cũng hay xem các video thiên văn học, đĩa bay bên nước ngoài đăng trên mạng nên lâu nay mình vẫn đam mê nghiên cứu. Ý tưởng này ấp ủ cũng lâu rồi nên mình quyết định chế mẫu này để trải nghiệm thử”.
Anh Hồ cũng khẳng định “chỉ làm một lần để trải nghiệm chơi thôi, đăng lên cho khán giả trên kênh Youtube của mình thưởng thức chứ không có ý định sản xuất thêm mô hình kiểu này. Bởi vì mỗi lần làm đĩa bay khá cực và khó”.
Kể chi tiết hơn về sản phẩm của mình trên tờ Tiền phong, anh Hồ cho biết, “đĩa bay” tự chế của anh có thể đóng mở cửa bằng điều khiển từ xa, trang trí bắt mắt, có đèn màu lung linh vào ban đêm, và có trang bị cả tấm pin mặt trời để tạo nguồn điện.
Để tự chế được đĩa bay, anh đã mày mò nhiều tháng, đắp cát nhằm tạo khuôn và tự đổ vỏ “đĩa bay” bằng composite… Sau đó, anh gia cố bằng cách uốn các thanh sắt sườn, hàn sắt vào bên trong, gắn nhiều bảng công tắc màu có đèn.
Anh đã nhiều lần kiểm tra qua độ an toàn của “đĩa bay”, và nhờ chế theo hình đĩa nên sản phẩm này rất khó bị lật, chìm. Bên trong, anh thiết kế thêm điều hòa, hút gió vào nên người ngồi không bị nóng.
Chia sẻ về đam mê của con trai với báo VnExpress, mẹ anh Long Hồ cho biết, anh thường thức đến 2-3h sáng để nghiên cứu, chế tạo sản phẩm. Bà cũng nhiều lần “hú hồn hú vía” vì anh đầu tư nhiều công sức và tiền của tích góp để làm và chưa biết có thành công hay không. Song điều đặc biệt ở anh là không bao giờ bỏ cuộc.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: “Việc người đàn ông thiết kế, chế tạo thành công mô hình có hình dạng giống đĩa bay, di chuyển được trên mặt nước thể hiện sức sáng tạo, độ khéo tay của người lao động.
Tuy nhiên, người thực hiện cần liên hệ với chính quyền, Sở Giao thông vận tải tại địa phương để có hướng dẫn cụ thể cho việc nghiên cứu, sáng tạo của mình.
Theo luật, sáng chế mô hình là các phương tiện đường thủy chạy trong luồng rạch, kênh, sông… cần phải đăng ký.
Hơn nữa việc sáng chế phương tiện đường thủy chạy trên 30 km/h là chạy tốc độ cao thì người điều khiển cần có đầy đủ bằng cấp liên quan hoặc đăng ký, đăng kiểm mới đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Xã hội ủng hộ tinh thần sáng tạo, sáng chế của mọi người. Tuy nhiên, trong trường hợp nói trên, người sáng tạo nên tìm hiểu, liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Sở Giao thông tỉnh… hoặc các đơn vị liên quan tại địa phương để được hướng dẫn các thủ tục đăng ký…”.
Khẳng định điều này, báo Giao thông dẫn thôn tin từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, các phương tiện đường thủy có tốc độ trên 30km/giờ cần được đăng ký, đăng kiểm theo quy định và người điều khiển phải có bằng cấp liên quan.