Với gần 100k lượt thích từ vỏn vẹn 11 video, kênh TikTok @khakhongrac đang có được lượng người theo dõi nhất định nhờ những thông tin mang tính thời sự. Đặc biệt hơn, trong thời thế hệ sống xanh (Gen G) chủ yếu là những bạn trẻ Gen Z, thì một chàng trai 8x theo đuổi và lan toả về lối sống này là một câu chuyện hiếm hoi.
Cùng trò chuyện với chủ nhân của kênh, Hoàng Kha, để nghe kể về hành trình theo đuổi sống xanh của nhà sáng tạo nội dung này.
Kha Không Rác
Tên thật là Nguyễn Quốc Hoàng Kha,
Sinh năm 1987, hiện đang làm việc và sinh sống tại Tây Ninh.
Công tác trong lĩnh vực truyền thông và kinh doanh một shop buôn bán các sản phẩm gia dụng thân thiện với môi trường, như cốc tre khắc chữ, ống hút tre, bộ dụng cụ uống trà bằng tre…
“Kha không rác” nghĩa là gì?
Chỉ vừa thành lập kênh “Kha Không Rác” hồi tháng 7/2024 nhưng Kha vẫn cảm thấy tự tin rằng kênh mình vẫn mang đến những điểm mới thú vị cho những người muốn tìm hiểu về sống xanh, trong giai đoạn nội dung xanh đang bùng nổ, dường như người người nhà nhà đều đã có những hiểu biết nhất định về lối sống này.
Kha nhận thấy những người tuyên truyền chủ yếu về sống xanh trên mạng xã hội hiện tại là các bạn trẻ Gen Z: “Gen Z tiếp cận nhiều với các nền tảng trực tuyến, nên có độ phủ cao hơn. Còn ở thế hệ 8x như tôi, và cả những thế hệ trước đây nữa, đều có sự quan tâm đến môi trường, chỉ là chúng tôi không nhắc đến nhiều, mà thực hiện một cách cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày khi chăm sóc cho bản thân và gia đình: Sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường để bảo vệ sức khỏe, sống tiết kiệm… Những cách làm đó rất thiết thực.”
Tuy nhiên, Kha cho rằng nội dung sống xanh tràn lan trên mạng, song chất lượng thì không mấy đảm bảo, hoặc là thường chỉ loanh quanh đến việc thực hành sống xanh mà không khai thác được những thông tin hấp dẫn người xem.
Chàng trai 8x mở kênh TikTok năm 37 tuổi để lan tỏa về những mẹo sống xanh hay ho
Thế là “Kha Không Rác” ra đời, với những nội dung được đầu tư chi tiết về kiến thức, hình ảnh nhằm giải thích cặn kẽ những điểm hay ho của các vật dụng giúp sống xanh, gợi sự hứng thú và khiến những người theo dõi có góc nhìn đầy đủ hơn khi lựa chọn các sản phẩm trong đời sống thường ngày. Anh đồng thời muốn sử dụng kênh để nêu bật lên những chủ đề sự kiện trong lĩnh vực môi trường – một ngách nội dung ít người hướng tới.
“Tôi nghĩ lợi thế của mình là có những trải nghiệm của thế hệ 8x, vì vậy, chiều sâu trong những câu chuyện, vấn đề mình đặt ra có sức nặng, sẽ chạm được đến với số đông, nhất là đối tượng giới văn phòng, những người đã lập gia đình, điều mà có thể các bạn trẻ, các bạn Gen Z vẫn chưa làm được.” – Anh nói về những điểm đặc biệt trong nội dung của mình.
Những video dù trên kênh “Kha Không Rác” thường có thời lượng khoảng một phút, nhưng truyền tải đầy đủ về những ưu – nhược của nhiều sản phẩm sống xanh mới lạ trên thị trường: Đồ may mặc làm từ da xương rồng, dùng chai nhựa làm bóng đèn và chổi quét nhà… Các sản phẩm quen thuộc như cốc tre, ống hút tre thì được giải thích cặn kẽ về quy trình kèm các đặc điểm kỹ thuật để những người quan tâm hiểu cặn kẽ, thay vì là tuyến nội dung trải nghiệm thông thường.
Kha ghi lại hình ảnh không gian sống xanh được anh chăm sóc bằng nước vo gạo, và những trải nghiệm xanh mà anh quan sát được trong những chuyến đi du lịch.
Đối với Kha, những nội dung của anh là nội dung “Không rác” – Không gây hiểu lầm, điều hướng hay mang đến những thông tin sai lệch, kém chất lượng hay hời hợt:
“Tôi đặt tên kênh Tiktok là: Kha Không Rác, với thông điệp muốn gửi gắm về việc bản thân ủng hộ lối sống hạn chế rác thải một cách tối thiểu, đồng thời “không rác” kể cả đối với các nội dung chia sẻ trên mạng xã hội. Trong năm nay, tôi sẽ tập trung nguồn lực xây dựng kênh theo hướng chia sẻ thông tin, năm tiếp theo sẽ có hoạt động cộng đồng vì môi trường một cách thực tế hơn.”
Vượt qua khủng hoảng tuổi 30 sau lần leo núi và nhìn thấy một hình ảnh
Kênh “Kha Không Rác” là cách mà Hoàng Kha lan tỏa tiếng nói có sức nặng về môi trường – điều mà anh đã luôn yêu và quan tâm từ những ngày bé, cũng như thứ đã thúc đẩy mục đích sống của Hoàng Kha vào những năm mất lý tưởng.
Chuyện cảm thấy mình nhỏ bé, vô định là nỗi niềm chung của rất nhiều người trong độ tuổi của Hoàng Kha. Hoàng Kha từng hoang mang vì không biết rõ lý tưởng sống của mình là gì. Anh bộc bạch:
“Tôi nghĩ rằng, trong đời ai cũng sẽ có giai đoạn tự hỏi bản thân về giá trị của chính mình, mình đã làm được cho cuộc sống này? Bản thân tôi cũng thế.
Sau một khoảng thời gian dài mất định hướng và vô cùng hoang mang khi nhìn thấy xung quanh, bạn bè đều đã ổn định với cuộc sống theo kiểu dành trọn sức lực gia đình, chăm chút cho tổ ấm, còn mình thì vẫn không biết điều gì là lý tưởng sống, tôi bắt đầu dành thời gian nhiều hơn khám phá mong muốn của chính mình, kể cả thế mạnh và những điều tốt nhất mình có thể làm.”
Song, mục đích sống đến với anh theo cách không ngờ tới:
“Trong những chuyến leo núi Bà Đen, tôi bắt gặp hình ảnh các anh chị, các bạn trẻ vừa leo núi, vừa nhặt rác, một hành động rất đẹp, rất thường xuyên nhưng mọi người lại ít chia sẻ nó lên mạng xã hội. Và ở ngoài cuộc sống cũng vậy, tôi biết có nhiều người sống xanh nhưng họ không thích “show off” những điều đó. Riêng tôi, thì tôi không ngại và tôi thấy mình có khả năng lan toả những việc tốt đẹp vì thiên nhiên, vì môi trường lên TikTok hay Facebook để nhiều người có thể học làm theo. Kể từ đó, tôi chọn cuộc sống độc thân và mục tiêu phải mang đến giá trị cho cộng đồng”.
Không mong đạt được những khát cầu vật chất trong cuộc sống như công việc, lương thưởng. Động lực của Hoàng Kha đến từ những việc nhỏ nhặt mà có lẽ là những thứ những người bạn đồng trang lứa không bao giờ để tâm: Giữ vỏ kẹo trong balo cho đến khi tìm được thùng rác thay vì vứt bừa bãi, ở khách sạn nhưng không “thả ga” xài điện, nước như suy nghĩ của nhiều người.
“Tôi tự hào về ý thức của chính mình đối với môi trường và lấy đó làm mục tiêu hướng tới. Một lối sống xanh, tích cực với môi trường, nó cứ thôi thúc tôi phải làm điều gì đó.” – Hoàng Kha khẳng định: Sống xanh vì môi trường, và cũng là vì chính mình, nếu mình cảm nhận được những năng lượng tốt đẹp, cảm thấy bản thân đang cống hiến chứ không phải là một sự tồn tại nhỏ bé, vô nghĩa.
Những điều mà Hoàng Kha làm, xét trong một khoảnh khắc nào đó, là những điều lặt vặt mà với nhiều người là chẳng đáng để tâm. Tuy nhiên, anh nhìn thấy những hành động nhỏ đó về lâu về dài mang sức phá hoại khủng khiếp: Tùy tiện vứt rác chính là thứ khiến những bãi biển ngập đầy rác thải, lãng phí tài nguyên chính là thứ khiến cánh rừng bị tàn phá, động vật tuyệt diệt.
“Gần 2 năm nay, tôi bắt đầu chia sẻ lối sống tích cực với môi trường trên mạng xã hội cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân hướng đến một người hoạt động vì môi trường. Tôi hy vọng có thể lan toả lối sống này đến với nhiều người hơn nữa, với mong muốn có thể góp một phần sức lực cho môi trường, để giảm thiểu những vấn đề khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt.” – Không chỉ chọn hi sinh sự tiện lợi của bản thân để đổi lấy một nơi sinh sống bền vững hơn, Hoàng Kha mong sẽ thúc đẩy được nhiều người hơn, cùng tham gia với mình và tìm thấy mục đích trong nhiều điều nhỏ bé.
Bị mỉa mai là rỗi hơi vì đi đâu cũng cầm cốc riêng, mang rác bỏ đúng chỗ
Sinh sống ở vùng quê, Hoàng Kha nhận thấy sự tiện lợi khi so sánh với người dân thành thị: “Những người thành thị thường sinh sống ở chung cư hay nhà ở nhưng không có nhiều diện tích làm sân vườn như những người sống ở quê, nên họ cũng khó thực hành một số cách sống xanh như xử lý rác hữu cơ để ủ làm phân bón, xử lý rác bếp bằng trùn quế, trồng cây…”
Song, như thế không có nghĩa là theo đuổi sống xanh ở thành thị rất khó. Xét trên phương diện truyền thông, ở những thành phố lớn, lối sống xanh đang lan toả rất mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Nhiều sự kiện hưởng ứng sống xanh, những chiến dịch, hoạt động cộng đồng được duy trì tổ chức thường xuyên: từ đổi pin cũ lấy cây xanh, đổi các vỏ chai sản phẩm, phát túi vải miễn phí… nhất là những nhãn hàng cũng bắt đầu chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm gắn với thân thiện môi trường nên áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi kích thích người tiêu dùng sống xanh.
Thực hành sống xanh bắt nguồn từ những điều vô cùng nhỏ nhặt như không bao giờ xả rác bừa bãi, tiết kiệm điện nước, tái sử dụng đồ sinh hoạt, chọn lọc sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên… Những hành động này, đối với không ít người, được xem là quá “xét nét”, “chi li”. Đặc biệt là với một người đàn ông, khi quan tâm đến vấn đề mua sắm đồ gia dụng trong nhà ra sao, xử lý rác thải như thế nào sẽ có không ít định kiến cho rằng, đây là những chuyện “nội trợ” không đáng để nam giới chú ý.
Câu chuyện của anh Hoàng Kha cũng tương tự.
“Một trong những định kiến mà tôi nghĩ người sống xanh hay gặp phải đó thái độ thiếu thiện ý của nhiều người và bị nhận xét “rỗi hơi”. Người ta không thấy được giá trị của những việc nhỏ nhỏ hằng ngày, như hạn chế một cái bịch nilong, một cái ly nhựa…
Ở quê tôi, mấy quán ăn hay bố trí thùng nước đá và có sẵn ly nhựa dùng một lần. Tôi hay mang theo một chiếc cốc riêng của mình, để không phải dùng tới ly nhựa, vài người họ thấy cũng nói “kỹ tính vậy”, kiểu mình lại là nam giới nữa nên với họ những việc như vậy là không phù hợp”.
Anh kể thêm, định kiến cũng đến từ không gian mạng xã hội:” Tôi còn nhận về không ít bình luận tiêu cực trên mạng, khi viết bài bày tỏ bức xúc, góc nhìn cá nhân với những hành động không tốt cho môi trường, thiên nhiên. Tôi còn nhớ có một cái bình luận, bạn kia gọi tôi là “Karen” (biệt danh mỉa mai những người phụ nữ trung niên khó tính, bảo thủ), những lời như vậy đôi lúc cũng làm mình buồn chứ, mặc dù biết điều bản thân làm là đúng đắn”.
Dẫu vậy, Hoàng Kha không bao giờ để định kiến giới khiến mình có ý nghĩ không muốn sống xanh. Và có định kiến, thì cũng có những người cởi mở ủng hộ. Hoàng Kha lấy đó làm điều hạnh phúc và động lực.
“Bản thân tôi không thấy ngại khi làm một điều gì đó đúng đắn. Như đợt rồi, ở quê tôi có hoạt động gom thác thải pin để đổi cây xanh, quà tặng. Tôi rất hào hứng đăng tải, chia sẻ về việc tham gia hoạt động và được rất nhiều bạn bè ủng hộ, mang pin đến cho. Tôi nghĩ rằng, ngày nay mọi người đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến lối sống thân thiện môi trường, những cái nhỏ nhỏ, vụn vặt nhưng có ích thì bất kỳ ai cũng sẵn sàng làm, bất kể giới tính, tuổi tác và định kiến. Làm sao có thể đưa ra một định kiến với những điều đúng đắn được.”
Cứ như thế, Hoàng Kha đã sống xanh trong từng những công việc nhỏ nhất, những điều được xem là chỉ dành cho vai trò nội trợ trong nhà: “Vo gạo xong là tôi tận dụng nước để làm nhiều việc khác, vỏ cam cũng được tôi giữ lại để xông phòng. Nước máy lạnh dùng vào mùa khô thì để tưới cây. Làm những việc đó tôi thấy rất thích thú.”
Anh nói thêm, mình tự tin và vững lòng rèn luyện lối sống xanh là nhờ sự ủng hộ từ mẹ, và cũng được rèn luyện quan tâm đến các công việc bếp núc, chăm sóc nếp sinh hoạt nhiều hơn vì: “Nhà tôi thì chỉ có 2 mẹ con, mẹ tôi là một nhà giáo về hưu, những kiến thức, lối sống xanh tôi được ảnh hưởng nhiều từ mẹ.”
Hai mẹ con Hoàng Kha chủ động thực hiện phân loại rác dù khu vực sinh sống của họ không bắt buộc. Song, Hoàng Kha cho biết anh rất kỳ vọng trong tương lai, có các chính sách để thúc đẩy nhiều người dân theo đuổi sống xanh hơn:
“Giống ở địa phương tôi, thì ở nhiều nơi khác, sống xanh vẫn là một sự lựa chọn. Tuy nhiên, chính sách của nhà nước có nhiều thứ dần hướng chúng ta đến việc sống xanh một cách có ý thức, có trách nhiệm như sắp tới sẽ là việc bắt buộc phân loại rác thải trong gia đình sẽ triển khai trong năm 2025 hay kiểm định khí thải xe máy.
Đó sẽ là những cái dần đưa chúng ta vào lối sống xanh một cách có trình tự, để hướng đến một xã hội phát triển bền vững.”