Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Tetsu Funayama, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cùng chủ trì phiên họp.

Thảo luận 11 nhóm vấn đề chuẩn bị cho Diễn đàn VBF 2022

Tại phiên họp kỹ thuật, 11 nhóm vấn đề được trình bày bởi 11 nhóm công tác đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bao quát các vấn đề trong hàng loạt lĩnh vực gồm: nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, điện và năng lượng, khoáng sản, kinh tế số, đầu tư thương mai, thuế và hải quan, du lịch, môi trường, giáo dục đào tạo và nhân lực. Trong đó, có 3 vấn đề nổi bật được các nhóm công tác khái quát, đó là vẫn còn một số vướng mắc trong thực thi pháp luật, các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách và kiến nghị hoàn thiện, đồng thời các nhóm công tác đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất thêm một số giải pháp khắc phục các hệ lụy do đại dịch Covid-19 gây ra.

Cùng với các báo cáo từ các nhóm công tác, đại diện các Bộ ngành hữu quan đã có những phản hồi trực tiếp trước các vấn đề được nêu ra tại phiên kỹ thuật, chuẩn bị cho việc thảo luận tại kỳ họp chính thức Diễn đàn VBF.

Thảo luận 11 nhóm vấn đề chuẩn bị cho Diễn đàn VBF 2022
Toàn cảnh phiên họp kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên

Phát biểu kết luận phiên họp kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận các vấn đề được các nhóm công tác nêu lên và đánh giá cao các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các nhóm công tác cũng như của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ Việt Nam. Thứ trưởng khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng, hoạch định các chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, ghi nhận các vấn đề góp ý và các kiến nghị của các nhóm công tác cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và sẽ tổng hợp gửi Thủ tướng Chính phủ sau phiên họp, từ đó kiến nghị có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết cùng với phiên họp kỹ thuật, còn có nhiều kênh thông tin và đối thoại trực tiếp giữa đại diện các bộ ngành với doanh nghiệp để trực tiếp trả lời, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Sau phiên kỹ thuật, các bộ ngành sẽ gửi văn bản trả lời cụ thể và có các cuộc họp kỹ thuật tiếp theo để cùng tiếp tục giải quyết các vấn đề đã được các nhóm công tác nêu lên.

Liên quan đến 3 nhóm vấn đề khái quát được các nhóm công tác đề cập, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết sau khi tổng hợp các vấn đề cụ thể sẽ được thảo luận tại phiên chính thức Diễn đàn vào đầu tuần tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có tổng hợp kiến nghị chính thức Thủ tướng tiếp tục giao địa phương tăng cường cơ chế đối thoại theo chủ đề, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các vấn đề thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. “Tinh thần cái gì đã có thông lệ tốt trong thực thi giai đoạn vừa qua thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao các bộ ngành thể thể chế hóa thành các chính sách dài hạn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đối với các kiến nghị giải pháp để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 được các nhóm công tác đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất, Thứ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch, trên cơ sở các đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục có kiến nghị để lồng ghép giải quyết các vấn đề giải cũng như có các giải pháp nhằm khắc phục các hậu quả của đại dich, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi sau đại dịch./.