HDI không chỉ có ý nghĩa lớn trong phân tích, mà còn dùng để so sánh quốc tế

Thấy gì từ chỉ số Phát triển con người của Việt Nam?
Năm 2020, thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt 8.132 USD

Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, năm 2016, thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP) đạt 6.211,1 USD, năm 2017 đạt 6.634 USD, năm 2018 đạt 7.279,2 USD và năm 2019 đạt 7.842 USD. Năm 2020, mặc dù tốc độ kinh tế tăng trưởng thấp do bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng GNI bình quân đầu người vẫn đạt 8.132 USD.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, TCTK cho biết, thu nhập bình quân đầu người chỉ là một trong 3 chỉ số trong tính toán HDI trong Báo cáo phát triển con người hằng năm của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), hai thành phần còn lại là Chỉ số sức khỏe và Chỉ số giáo dục.

“HDI là chỉ tiêu kinh tế – xã hội tổng hợp khá toàn diện, không thuần túy dựa vào khía cạnh kinh tế như chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) nên có khả năng phản ánh đầy đủ hơn động thái và thực trạng kinh tế – xã hội theo không gian và thời gian quan sát. Do vậy, chỉ tiêu này thường được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tính toán, công bố và sử dụng”, ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng nhận rõ con người không chỉ là nguồn lực, mà hơn thế còn là mục tiêu của sự phát triển. Với ý nghĩa quan trọng đó, trong hoạch định cũng như đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước, HDI được xác định là một trong những chỉ tiêu chủ yếu.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng TCTK khẳng định, nguồn thông tin đầu vào hiện có của TCTK hoàn toàn đáp ứng yêu cầu tính Chỉ số sức khỏe, Chỉ số giáo dục và Chỉ số thu nhập cấu thành HDI của cả nước giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở thông tin thu thập từ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2016, 2017, 2018, 2020, cùng các nguồn thông tin thống kê khác, hằng năm, TCTK đã tính và công bố chỉ tiêu tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh, số năm đi học bình quân, số năm đi học kỳ vọng. Chỉ tiêu GNI bình quân đầu người tính bằng USD theo PPP cũng đã được biên soạn và công bố hằng năm. Vì vậy, việc tính toán các chỉ số thành phần, theo đó là HDI của cả nước hoàn toàn khả thi.

Theo Kết quả thu thập các chỉ tiêu đầu vào HDI giai đoạn 2016-2020 được TCTK công bố thì tuổi thọ trung bình (Chỉ số sức khỏe) của người Việt Nam chỉ tăng nhẹ từ 73,4 năm vào năm 2016 lên 73,7 năm vào năm 2020; số năm đi học bình quân (Chỉ số giáo dục) tăng từ 8,5 năm lên 9,1 năm và GNI bình quân (Chỉ số thu nhập) tăng mạnh nhất, từ 6.634 USD/người năm 2016 lên 8.132 USD/người vào năm 2020.

Trong giai đoạn năm 2016 – 2020, kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và sự phát triển con người nói riêng đạt được những thành tựu quan trọng. Chỉ số tổng hợp HDI đã tăng từ 0,682 điểm năm 2016 lên 0,687 điểm năm 2017; 0,693 điểm năm 2018; 0,703 điểm năm 2019 và 0,706 điểm năm 2020. Giai đoạn 2016-2020, HDI tăng 0,024 điểm, tăng 3,52%.

“HDI không chỉ có ý nghĩa lớn trong phân tích, đánh giá động thái và thực trạng tình hình kinh tế – xã hội theo thời gian, mà còn được sử dụng phổ biến trong so sánh theo không gian, bao gồm so sánh quốc tế và so sánh giữa các vùng, miền, địa phương của một quốc gia, vùng lãnh thổ”, ông Tiến cho biết.

Thứ hạng HDI của Việt Nam không thay đổi so với thế giới và ASEAN

Theo quy định của UNDP, HDI được chia làm 4 nhóm. Trong đó, Nhóm 1 là nhóm đạt rất cao với HDI ≥ 0,800; Nhóm 2 đạt cao với 0,700 ≤ HDI

“Mặc dù có sự gia tăng, nhưng HDI của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung của khu vực ASEAN. Trong những năm 2016 – 2019, HDI của Việt Nam chưa có sự cải thiện thứ hạng trong khu vực, luôn ở vị trí 7/11 ở khu vực ASEAN (xếp sau Singapore, Bruney, Thái Lan, Philippines và Indonesia). Còn trên thế giới, thứ hạng HDI của Việt Nam hầu như không thay đổi, thường đứng ở vị trí 117-119 trong tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được UNDP xếp hạng”, ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, mặc dù trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng GNI bình quân đầu người năm 2017 mới bằng 30% mức bình quân chung của khu vực ASEAN; năm 2018 bằng 33,3%; 2019 bằng khoảng 35%.

Trong những năm 2016 – 2020, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Đông Timor và Campuchia (kém cả Lào). GNI bình quân đầu người theo PPP hiện tại Singapore gấp 11,2 lần Việt Nam; Bruney gấp 8,2 lần; Malaysia gấp 3 lần; Thái Lan gấp 2,3 lần; Indonesia 1,5 lần; còn Philippines đạt 9.778 USD, gấp 1,2 lần Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do vậy, HDI phải là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương. “Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù lạm phát được kiềm chế nhưng luôn tiềm ẩn tăng cao khi xảy ra yếu tố bất thường cả trong và ngoài nước, vì vậy, cần có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ nhằm nâng cao sức mua trong giao dịch và so sánh quốc tế, đồng thời nâng cao thu nhập thực tế của dân cư”, ông Tiến nhấn mạnh.

Để cải thiện thứ hạng HDI trong Báo cáo của UNDP, đòi hỏi có một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt. Bên cạnh các giải pháp phát huy các kết quả đạt được và kinh nghiệm tích lũy được trong những năm 2016 – 2020, trong những năm tới cần tập trung hơn nữa vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhằm từng bước khắc phục những mặt còn hạn chế./.