Đứng vị trí thứ 2 là Quảng Ninh với tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt 10,28%. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước, nhưng GRDP của Hà Nội chỉ tăng 2,92%, xếp vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đà Nẵng duy trì tăng trưởng dương, nhưng với mức tăng nhẹ 0,18%. Tăng trưởng GRDP của Cần Thơ giảm 2,79% và Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,78%, thấp nhất cả nước.

Hình: Tốc độ tăng GDP và GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021

Thứ bậc tăng trưởng GRDP năm 2021 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng của Hải Phòng có dẫn đầu cả nước

GRDP của Hải Phòng đạt 12,38% trong năm 2021 dẫn đầu cả nước mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn. Thành phố Hải Phòng đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ số kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021.

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng (GRDP) ước tăng 12,38%, đứng đầu cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421 tỷ đồng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Mặc dù dẫn đầu cả nước với tốc độ tăng GRDP, nhưng kinh tế thành phố Hải Phòng cũng chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu đều thấp hơn kế hoạch đề ra. Trong mức tăng trưởng 12,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,49%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 19,04%, đóng góp 9,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,13%, đóng góp 1,96 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,21%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, là động lực tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng với mức tăng 22,46%, đóng góp 9,35 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Các ngành chủ lực như: sản xuất thiết bị tự động, sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất xe máy điện, sản xuất ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng duy trì mức tăng cao trong năm 2021.

GRDP của Hà Nội chỉ tăng 2,92%, xếp vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố

Cụ thể, GRDP của Hà Nội năm 2021 ước tính tăng 2,92% so với năm 2020, thấp hơn mức tăng trưởng 4,18% của năm 2020. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 3,85%, đóng góp 0,87 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn Thành phố. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn mặc dù sản xuất cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là các ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện nhập khẩu.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,07 điểm %. Khu vực dịch vụ tăng 2,71%, đóng góp 1,72 điểm phần trăm, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây do các ngành, lĩnh vực, như: Du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, vui chơi, giải trí…. chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính tăng 2,19%, đóng góp 0,25 điểm % mức tăng chung.

Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vùng

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng năm 2021 ước tính tăng 0,18% so với năm 2020, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2021 ước đạt hơn 105.050 tỷ đồng, mở rộng gần 1.826 tỷ đồng so với năm 2020 (chưa loại trừ yếu tố giá).

Với tốc độ tăng 0,18% năm 2021, Đà Nẵng là một trong số 54 địa phương trên cả nước có mức tăng trưởng dương. Xét trong 5 tỉnh thành phố thuộc kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế tăng 4,36%; Quảng Nam tăng 5,04%; Quảng Ngãi tăng 6,05% và Bình Định tăng 4,11%), Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vùng.

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quý III/2021, khi dịch bùng phát mạnh tại địa phương. T

Trong mức tăng 0,18% của toàn nền kinh tế thành phố Đà Nẵng, ngành dịch vụ – thương mại là ngành kinh tế duy nhất đạt tăng trưởng dương với mức tăng 1,24% so với năm 2020. Do chiếm tỷ lệ lớn trong GRDP (chiếm tới 67,02%) với quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 70.407 tỷ đồng, là khu vực duy nhất có 15 mức tăng trưởng dương, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, đồng thời bù đắp sự sụt giảm nghiêm trọng của hai khu vực kinh tế còn lại.

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế gồm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,38% và ngành công nghiệp – xây dựng giảm 2,13%.

Ngoài ra, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2021 ước giảm 2,13% so với năm 2020. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp giảm 1,70%; lĩnh vực xây dựng giảm 3,14% so với năm 2020.

Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố chịu tác động lớn của đợt bùng phát dịch trở lại từ đầu tháng 5/2021 vì không đáp ứng đủ số lượng lao động để vận hành. Ngành xây dựng có giá trị tăng thêm giảm, nguyên nhân một phần do giá vật liệu xây dựng tăng cao, khả năng tài chính của các chủ đầu tư không đảm bảo nên nhiều công trình bị chậm tiến độ.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đạt 20.070 tỷ đồng, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đạt 26.844 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tình trạng bội chi ngân sách xảy ra, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 31.639 tỷ đồng, giảm 8,72% so với năm 2020. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 9.944 tỷ đồng, tăng 11,04%, chiếm 31,4% tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn, tập trung chủ yếu là vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (6.966 tỷ đồng, tăng 21,0%); vốn thực hiện khu vực ngoài Nhà nước chiểm tỷ trọng lớn với 52,7% trong tổng nguồn vốn thực hiện trong năm 2021, ước đạt 16.668 tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm 2020.

Đối với dự án vốn FDI, mặc dù thu hút các dự án mới, vốn tăng thêm chỉ đạt 191,42 triệu USD, giảm 10,6% so với năm 2020. Tốc độ giải ngân vốn dự án FDI (vốn thực hiện) đã giảm sâu ở mức 31,1% và chỉ chiếm 15,9% trong tổng nguồn vốn thực hiện trong năm.

Năm 2021 còn chứng kiến những điều đáng buồn khi thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 690 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 2.711 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động (tăng 32% so với năm 2020).

Tăng trưởng GRDP năm 2021 của Cần Thơ giảm 2,79%

Dịch COVID -19 bùng phát lần thứ tư diễn ra từ tháng 7/2021 ảnh hưởng rất nặng nề đến mọi mặt đời sống của người dân thành phố Cần Thơ. Đại dịch gây thiệt hại nặng nề trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Cần Thơ năm 2021 giảm 2,79%.

Đây cũng là mức giảm sâu nhất so với các năm trong giai đoạn từ 2017-2021, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP, bị tác động nặng nề nhất đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng chung của thành phố.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng đã giảm 10,7% so với năm 2020. Mức giảm này đã làm giảm 3,31 điểm phần trăm GRDP của thành phố.

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu bị giảm sút, thị trường trong nước bị thu hẹp do lượng cầu yếu, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm năng lực sản xuất, hoạt động xây dựng cả khu vực công và tư đều bị ngưng trệ.

Đối với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,16% so với năm 2020 do tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên nguồn thu các loại thuế như: thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế doanh thu khoán, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nội địa, thuế xuất nhập khẩu giảm. Tỷ lệ này đã kéo giảm 0,01% GRDP của thành phố trong năm 2021.

Mặc dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID -19, nhưng ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ lại có mức tăng trưởng dương, dù mức tăng không cao. Đây là những điểm sáng trong nền kinh tế thành phố trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

Cụ thể, mức tăng ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2021 là 1,12% so với cùng kỳ đã đóng góp 0,13% điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Mức tăng ở khu vực dịch vụ là 0,79%, đóng góp 0,4% điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của thành phố.

Cơ cấu kinh tế năm 2021 của thành phố Cần Thơ như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,2%; khu vực dịch vụ chiếm 52,45%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,55%.

TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước

Kinh tế – xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 suy giảm nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước với mức giảm 6,78% so với năm trước. Đây là điều chưa từng xảy ra trong 35 năm qua tại địa phương này.

Suy giảm mạnh nhất tại TP. Hồ Chí Minh là vào quý III/2021, với mức giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ (chiếm 64,3% GRDP của thành phố), giảm 5,5% so với năm trước, làm giảm 3,41 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế Thành phố; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, làm giảm 3,24 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 13,68%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm; thuế sản phẩm giảm 0,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm.

Từ đầu năm, cả hệ thống chính trị và người dân đã dành quyết tâm cao và kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 5,99%. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4, Thành phố có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng làm hoạt động kinh tế gián đoạn, các hoạt động tăng trưởng bị kéo lùi nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề sức khỏe, sinh kế, tăng trưởng kinh tế quý III giảm mạnh.

Quý IV, Thành phố dần mở cửa nền kinh tế; tuy nhiên, Thành phố vẫn đang chịu áp lực nguy cơ cao dịch bùng phát trở lại. Tăng trưởng kinh tế quý IV chưa lấy lại đà phục hồi, một số hoạt động cần được cân nhắc cho hoạt động trở lại.

Điểm sáng là tổng thu ngân sách Nhà nước năm nay ước thực hiện hơn 383.000 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ. Giải đáp thắc mắc của nhiều người về vấn đề GRDP của địa bàn giảm, nhưng thu ngân sách vượt kế hoạch, đại diện Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh phân tích, thu ngân sách bao gồm nhiều nguồn, tuy nhiên, chỉ một vài phần nhất định được tính vào tổng sản phẩm địa bàn. Cụ thể, những phần thu ngân sách được tính vào GRDP là thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt…

“Tổng thu ngân sách năm 2021 của TPHCM cao bởi năm 2021, địa bàn có nguồn thu lớn từ nhà đất, chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, chỉ có thuế thu nhập cá nhân và thuế tiêu thụ đặc biệt được tính vào một phần cấu thành GRDP chứ không tính toàn bộ”, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh giải thích./.