Thu hẹp khu vực phi chính thức trong kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam

KINH TẾ TƯ NHÂN ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCH.

Theo hệ thống thống kê hiện nay, tổng sản phẩm trong nước bao gồm: kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tập thể, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm và phần còn lại là được tính vào khu vực kinh tế tư nhân.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân và tốc độ tăng trưởng GDP

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021), Economica (2020)

Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, cơ bản đạt được mục tiêu về tốc độ tăng trưởng như Nghị quyết số 10-NQ/TW đề ra. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân là 7.49% và 9.32% vào năm 2018 và 2019 so với tốc độ tăng trưởng GDP lần lượt là 7,08%, và 7.02% vào 2 năm này. Tuy nhiên trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng sản lượng của kinh tế tư nhân đã chậm lại và thấp hơn so với GDP cùng thời kỳ. Cũng trong thời gian đó, nếu so sánh với khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước của kinh tế tư nhân cơ bản luôn đạt mức cao hơn.

Vào năm 2020, kinh tế tư nhân trong nước đã tạo ra 2.46 triệu tỷ đồng trong tổng sản phẩm trong nước là 6.29 triệu tỷ đồng (theo giá hiện hành). Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 39.9% so với mức đóng góp là 27.3% của kinh tế nhà nước và 20.1% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế với mức đóng góp GDP cao hơn so với các khu vực khác (Bảng).

Bảng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tạo ra bởi kinh tế tư nhân

Đơn vị: Tỷ đồng

2015

2017

2018

2019

2020

GDP của cả nước

4,192,862

5,005,975

5,542,332

6,037,348

6,293,145

GDP tạo ra bởi kinh tế tư nhân, trong đó:

1,644,239

1,901,688

2,124,740

2,357,309

2,466,208

Khu vực doanh nghiệp đăng ký

330,590

432,491

504,352

584,085

607,013

Khu vực kinh tế cá thể

1,313,649

1,469,197

1,620,388

1,773,224

1,859,195

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)

Về góc độ tạo việc làm, tính đến năm 2020, kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 46.57 triệu việc làm, chiếm 85% tổng lực lượng lao động trên 15 tuổi của cả nước. Kinh tế tư tư nhân đóng vai trò chủ lực về phương diện tạo ra việc làm.

Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức

Kinh tế tư nhân trong nước được cấu thành bởi 2 nhóm chủ thể quan trọng, đó là: (i) các doanh nghiệp được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp; và (ii) kinh tế cá thể với các tác nhân chính là các hộ kinh doanh cá thể, hộ kinh tế nông nghiệp, các cá nhân sản xuất kinh doanh, lao động tự làm, lao động tự do. Nói cách khác, khu vực kinh tế tư nhân hiện bao gồm 2 khu vực nhỏ, gồm: kinh tế tư nhân chính thức (các doanh nghiệp đăng ký chính thức) và khu vực phi chính thức (hộ kinh doanh cá thể và các thực thể kinh tế cá thể khác).

Đến cuối năm 2021, đối với khu vực doanh nghiệp, có khoảng 810,000 doanh nghiệp đăng ký và đang hoạt động. Đối với kinh tế cá thể, có khoảng 5.2 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện đang hoạt động bên cạnh hàng triệu hộ nông nghiệp, trang trại, hàng triệu người lao động tự làm, tự sản xuất kinh doanh. Điều đáng chú ý là các đóng góp quan trọng trên của kinh tế tư nhân lại chủ yếu được thực hiện bởi các thực thể kinh tế tư nhân chưa được đăng ký chính thức, đó là khu vực kinh tế cá thể. Nói cách khác, những đóng góp lớn nhất về tổng sản phẩm trong nước của khu vực kinh tế tư nhân là đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức.

Nếu xét về mức đóng góp trong tổng GDP, trong năm 2020, trong tỷ lệ đóng góp của kinh tế tư nhân cho GDP là 39.19%. Trong số này, các doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức chỉ đóng góp 9.65% song khu vực kinh tế cá thể lại đóng góp cao hơn rất nhiều ở mức 29.54%. Trong hơn 5 năm vừa qua, mức đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức trong cho GDP có cải thiện và mức đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, khu vực được coi là khu vực không chính thức và không được đăng ký, có giảm xuống. Tuy nhiên, vào năm 2020, mức đóng góp của khu vực kinh tế cá thể vào GDP vẫn gấp gần 3 lần so với toàn bộ các doanh nghiệp được đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp.

Bảng 2: Tỷ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm trong nước (GDP) bởi kinh tế tư nhân (%)

2015

2017

2018

2019

2020

Đóng góp của kinh tế tư nhân, trong đó:

39.21

37.98

38.34

39.05

39.19

Khu vực doanh nghiệp đăng ký

7.88

8.64

9.1

9.68

9.65

Khu vực kinh tế cá thể

31.33

29.34

29.24

29.37

29.54

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)

Số liệu thống kê cho thấy, nếu tính riêng trong tổng sản phẩm trong nước của khu vực kinh tế tư nhân vào khoảng 1.64 triệu tỷ đồng vào năm 2015, kinh tế tư nhân không chính thức đóng góp tới 79.9%. Tỷ lệ này giảm xuống 75.4% vào năm 2020, nhưng điều này cũng đồng nghĩa rằng, khu vực tư nhân chính thức chỉ đóng góp 24.6% trong tổng số 2.46 triệu tỷ sản phẩm trong nước tạo ra bởi khu vực kinh tế tư nhân vào năm này (Hình 2).

Hình 2: Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước của khu vực kinh tế tư nhân có đăng ký và không đăng ký

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021), Economica Vietnam (2022)

Hình 3: Việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân năm 2020

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021), Economica Vietnam (2022)

Về góc độ lao động, trong tổng số 46.57 triệu việc làm do khu vực kinh tế tư nhân tạo ra, có tới 37.5 triệu việc làm không nằm trong khu vực kinh tế tư nhân được đăng ký chính thức (Hình 3). Nói cách khác, có tới 80.5% việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân là các việc làm được tạo ra bởi các thực thể chưa đăng ký, hay phi chính thức của khu vực kinh tế tư nhân. Tính phi chính thức của các thực thể tư nhân kéo theo một kết quả không mong muốn khác là tỷ lệ việc làm không chính thức cao, ảnh hưởng về chất lượng việc làm, khả năng tiếp cận an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các dịch vụ cơ bản của người lao động[1].

Tính không chính thức cao này cũng ảnh hưởng tới năng suất chung của khu vực kinh tế tư nhân và khả năng nâng cao hiệu quả nhằm đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế. Từ góc độ việc làm và an sinh xã hội, tính không chính thức cao của kinh tế tư nhân cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ việc làm không chính thức tại Việt Nam lên tới 70% trong tổng lực lượng lao động trên 15 tuổi. Tính không chính thức gây khó khăn cho nhiều người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các hình thức an sinh xã hội khác.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO TÍNH CHÍNH THỨC CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN

Khó có thể có một khu vực kinh tế tư nhân có năng lực cạnh tranh cao với khả năng đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế, nếu như phần lớn sản phẩm trong nước và việc làm của kinh tế tư nhân được tạo ra bởi khu vực tư nhân chưa được đăng ký, hay thuộc khu vực không chính thức. Như vậy, nâng cao tính chính thức của khu vực kinh tế tư nhân, nên được coi là một trong những ưu tiên quan trọng trong các chương trình hành động nhằm phát triển kinh tế tư nhân hiện nay.

Để nâng cao tính chính thức của khu vực kinh tế tư nhân, ngoài các biện pháp khuyến khích khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, cần có các biện pháp khuyến khích các thực thể trong khu vực kinh tế cá thể chuyển sang khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức. Hai đối tượng có tiềm năng nhất trong khu vực kinh tế cá thể có thể chuyển đổi và dịch chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân chính thức là các hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân kinh doanh.

Khuyến khích hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh đăng ký theo Luật Doanh nghiệp là một biện pháp quan trọng nhất và có tác động trực tiếp tới việc nâng cao tính chính thức của khu vực kinh tế tư nhân. Biện pháp này mang lại nhiều lợi ích đồng thời, đó là nâng cao tính chính thức của khu vực kinh tế tư nhân và giải quyết được nhiều hạn chế xuất phát từ vấn đề này như đề cập ở trên. Nó còn đóng góp trực tiếp cho mục tiêu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, như Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra.

Thu hẹp khu vực phi chính thức trong kinh tế tư nhân
Khó có thể có một khu vực kinh tế tư nhân có năng lực cạnh tranh cao với khả năng đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế, nếu như phần lớn sản phẩm trong nước và việc làm của kinh tế tư nhân được tạo ra bởi khu vực tư nhân chưa được đăng ký, hay thuộc khu vực không chính thức. Như vậy, nâng cao tính chính thức của khu vực kinh tế tư nhân, nên được coi là một trong những ưu tiên quan trọng trong các chương trình hành động nhằm phát triển kinh tế tư nhân hiện nay.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này nhất quyết không phải bằng các biện pháp, như: quy định hộ kinh doanh cá thể là một loại hình doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp, hay bắt buộc các hộ kinh doanh cá thể hay cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp bằng các biện pháp hành chính (ngoại trừ đối với các hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn). Các biện pháp phù hợp nhất là thực hiện các cải cách trong Luật Doanh nghiệp, các luật và văn bản quy định pháp luật về thuế, bảo hiểm xã hội, điều kiện kinh doanh để hình thành một khung khổ pháp lý thuận tiện, chi phí tuân thủ hợp lý với các hộ kinh doanh và các cá nhân kinh doanh vốn có bản chất là các doanh nghiệp một chủ. Cần xây dựng một khung khổ pháp lý riêng cho các doanh nghiệp một chủ, cá nhân kinh doanh, không bắt buộc các đối tượng này phải mặc chung một chiếc áo về quy định giống hệt như các công ty cổ phần, công ty TNHH có nhiều thành viên, đặc biệt là các quy định về đăng ký kinh doanh, quản trị công ty, thuế, bảo hiểm xã hội, chế độ kế toán, báo cáo tài chính. Cần tách bạch các quy định áp dụng với cá nhân kinh doanh và loại hình doanh nghiệp một chủ trong Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp:

Thứ nhất, cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với hình thức cá nhân kinh doanh và tạo nền tảng cho các cải cách về quy định pháp luật trong chính Luật Doanh nghiệp, các luật về thuế, giao dịch hợp đồng, lao động, bảo hiểm xã hội, sở hữu trí tuệ, tài chính, ngân hàng… nhằm tách bạch các quy định áp dụng đối với các nhân kinh doanh, doanh nghiệp một chủ với các hình thức khác là thể nhân kinh doanh. Bước đầu tiên quan trọng là thay đổi thuật ngữ “doanh nghiệp tư nhân” thành “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ” nhằm phản ánh đúng hơn bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp này và cũng để loại hình này dễ hiểu hơn với quảng đại người dân kinh doanh.

Thứ hai, tách bạch các quy định, quy trình về đăng ký kinh doanh, quản trị, yêu cầu về chế độ kế toán, báo cáo áp dụng với loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể (doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp hiện nay) thành các quy định riêng, phù hợp với loại hình doanh nghiệp một chủ, cá nhân kinh doanh thay vì quy định chung cùng với loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên. Việc tách bạch này sẽ được thực hiện xuyên suốt trong Luật Doanh nghiệp, qua đó các “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ” sẽ có quy trình đăng ký kinh doanh, yêu cầu về hồ sơ đăng ký kinh doanh, áp dụng các chế độ về kế toán, báo cáo tài chính theo các nguyên tắc đơn giản, chi phí thấp và các quy định pháp luật khác, phù hợp với bản chất của doanh nghiệp một chủ (thay vì họ phải tuân thủ toàn bộ các quy định giống như các công ty khác như hiện nay). Điều này giúp giảm bớt chi phí tuân thủ các quy định pháp luật của các các “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ” xuống gần mức như của các hộ kinh doanh cá thể hiện nay.

Thứ ba, quy định rõ là các “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ” (sau khi đổi tên theo quy định mới) sẽ được đăng ký ở cấp quận, huyện (thay vì tại phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh, thành phố như hiện nay), cùng cấp với nơi hộ kinh doanh cá thể hiện đang đăng ký kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân quyền về chức năng nhiệm vụ cũng như hệ thống quản lý kinh doanh trực tuyến xuống hơn 710 quận, huyện trên toàn quốc để thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ”, giảm chi phí đi lại, chi phí đăng ký kinh doanh khi người dân, hộ kinh doanh đăng ký theo hình thức doanh nghiệp này.

Thứ tư, các quy định về quản lý thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, tài chính, ngân hàng, tín dụng, giao kết hợp đồng, điều kiện kinh doanh, sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác cũng sẽ được sửa đổi để theo một cách tiếp cận chung, rõ ràng, mạch lạc và phù hợp với thông lệ quốc tế đối với loại hình cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể. Các quy định về nghĩa vụ thuế, mức đóng góp về bảo hiểm xã hội cũng được sửa đổi đối với loại hình doanh nghiệp một chủ/ doanh nghiệp cá thể cho phù hợp với bản chất cá nhân kinh doanh. Các quy định như vậy sẽ khiến hình thức doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể có tính hấp dẫn hơn đối với người khởi sự doanh nghiệp, đối với hộ kinh doanh khi quyết định lựa chọn đăng ký theo Luật Doanh nghiệp thay vì hình thức hộ kinh doanh hay giữ như hình thức hộ đăng ký kinh doanh như hiện tại.

Những biện pháp này sẽ góp phần nâng cao tính chính thức của kinh tế tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Song song cùng các biện pháp các, các giải pháp này sẽ đóng góp trực tiếp cho mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2030 khoảng 60%-65% như Nghị quyết số 10-NQ/TW đã đề ra./.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Duy Bình (2018), Kinh tế Tư nhân Việt Nam: Năng suất và Thịnh vượng, ADB, Hà Nội.

2. CIEM và ADB (2017),“Chính thức hóa” hộ Kinh doanh ở Việt Nam.

3. Economica Vietnam (2013), Khu vực hộ kinh doanh phi nông nghiệp ở Việt Nam.

4. Jean-Pierre Cling, Mireille Razafindrakoto và Francois Roubaud (2010), Kinh tế không chính thức ở Việt Nam, ILO, Hà Nội

5. Taussig, Markus và Phạm Thị Thu Hằng (2004), “Tính chính thức của doanh nghiệp và vai trò của Chính phủ và địa phương, ADB, Tài liệu thảo luận số 2, tháng 11/2004.

6. Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám Thống kê 2020, Nxb Thống kê


[1] Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động phi chính thức là các hình thức lao động mà không mang lại cho người lao động các biện pháp bảo vệ về phương diện pháp lý và xã hội cần thiết trong việc làm của họ, do vậy khiến họ dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế.

TS. Lê Duy Bình

Economica Vietnam

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01+02, tháng 01/2023)