Từ khóa: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, TP. Hải Phòng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Summary

As a city with a strategic geographical location, a trade gateway and a major seaport in the Northern region, Hai Phong is implementing a strategy to attract green FDI towards achieving the City’s sustainable development goals. The article summarizes the City’s green FDI attraction strategy, pointing out some shortcomings and limitations, thereby proposing solutions to promote green FDI attraction to achieve the sustainable development goal of the City.

Keywords: foreign direct investment, Hai Phong city, environmental protection, sustainable development

GIỚI THIỆU

Sau hơn 35 năm Đổi mới và thực hiện chính sách mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, có nhiều thay đổi vượt bậc trong phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh những thành tựu trong thu hút vốn FDI, hoạt động này cũng đã và đang có những tác động tiêu cực đến môi trường, đến phát triển bền vững của Việt Nam. Hiện nay, chất lượng vốn FDI thu hút vào các tỉnh/thành còn thấp, nhiều dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn đang tồn tại, cản trở cho việc hướng đến phát triển một nền kinh tế xanh của Việt Nam. Chính vì vậy, việc thực hiện chiến lược thu hút FDI xanh ở Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố.

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC THU HÚT FDI XANH Ở TP. HẢI PHÒNG

Thứ nhất, xây dựng các mục tiêu, chiến lược thu hút FDI xanh

Là một trong những thành phố lớn của cả nước, Hải Phòng luôn được Đảng, Nhà nước xác định là cực tăng trưởng tam giác kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Chính vì vậy, để tận dụng lợi thế của mình cũng như tiếp tục đà phát triển hơn nữa trong tương lai, Thành phố đã xây dựng các định hướng, kế hoạch nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2014 (theo Quyết định số 1463/QĐ-UBND, ngày 03/7/2014 ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020).

Để thực hiện được các kế hoạch về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Hải Phòng cũng xác định hoạt động thu hút FDI có vai trò đóng góp quan trọng. Chiến lược thu hút FDI của TP. Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 đưa ra các định hướng thu hút FDI theo hướng tăng trưởng xanh như đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao. Thành phố cũng đã chỉ rõ thu hút FDI theo định hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, tập trung thu hút những nhà đầu tư lớn, có sử dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường; thu hút FDI có định hướng và có chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia. Các định hướng này cũng được chỉ rõ trong Chương trình hành động của UBND Thành phố về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (UBND TP. Hải Phòng, 2020). Thành phố kiên quyết không thu hút đầu tư, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên.

Nhờ xây dựng các mục tiêu, thực hiện chiến lược thu hút đầu tư một cách chọn lọc, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, Hải Phòng đã đón nhiều dự án FDI có quy mô lớn, đóng góp tỷ trọng cao cho tổng nguồn vốn đầu tư của Thành phố (Bảng).

Bảng: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và vốn FDI vào TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022

Năm

Tổng vốn đầu tư thực hiện

(tỷ đồng)

Tổng vốn đầu tư FDI

(tỷ đồng)

Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư (%)

2018

109.501,5

29.786,4

27,2

2019

152.056,4

40.339,9

26,53

2020

171.708,7

48.565,9

28,28

2021

173.217,5

50.395,9

29,1

2022

180.621,7

60.164,4

33,31

Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng

Thứ hai, ban hành và thực hiện các chính sách thu hút FDI xanh

Trong bối cảnh mới hiện nay, theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, Hải Phòng cũng đã chủ trương ban hành, thực hiện các chính sách mới để chủ động thu hút FDI có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu phát triển kinh tế của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, nổi bật là các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các dự án đầu tư thứ cấp trong các KCN, khu kinh tế có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khuyến khích các nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường. Đặc biệt là việc hình thành các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng (R&D) tại Hải Phòng để Thành phố có cơ hội phát triển thêm về mặt công nghệ và khẳng định vị thế trên lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ cao trong khu vực.

Một số chính sách mà Thành phố đã thực hiện như:

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo

Quyết định số 1745/QĐ-UBND, ngày 23/8/2016 về việc ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP. Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: “Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng trên địa bàn thành phố”. Thành phố cũng đã ban hành cơ chế, chính sách tài chính nhằm hỗ trợ các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, như các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế. Bên cạnh đó, các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Các nghiên cứu liên quan đến phát triển và sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo trong lĩnh vực phát triển khoa học – công nghệ và phát triển công nghiệp công nghệ cao cũng được hưởng các ưu đãi về kinh phí để hỗ trợ nghiên cứu.

Hải Phòng là một trong 5 địa phương của cả nước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thí điểm để triển khai Dự án Khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu với 2 KCN lớn được áp dụng là DEEP C và Nam Cầu Kiền. Trong đó, Tổ hợp KCN DEEP C là mô hình kết hợp KCN chất lượng cao với hạ tầng cảng nội khu và các tiện ích xanh, bền vững do nhà đầu tư của Vương Quốc Bỉ phát triển và vận hành. Hiện KCN này đã thu hút 18 doanh nghiệp tham gia và gần 150 dự án trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác nhau. Cùng với đó, hệ thống năng lượng tái tạo cũng dần được hoàn thiện. Ngoài điện gió và điện mặt trời, Deep C còn có kế hoạch sử dụng điện rác, biến rác thành năng lượng và sử dụng điện bằng khí tự nhiên. Bên cạnh đó, DEEP C từng bước thực hiện các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và áp dụng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cho chiến lược phát triển bền vững của Thành phố.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường

Kế hoạch số 133/KH-UBND, ngày 3/6/2021 của UBND Thành phố về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố, đã nêu danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi của Thành phố bao gồm: Dự án đầu tư ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; Doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường; Hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh. Để chọn lọc các dự án đầu tư một cách kỹ lưỡng, hiệu quả, tránh các dự án có nguy cơ gây hại đến môi trường, sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 1338/QĐ-UBND, ngày 10/5/2022 về việc ban hành danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có thể kể đến một số dự án, lĩnh vực không được khuyến khích đầu tư, như: sản xuất gang thép, luyện kim; khai thác, chế biến, làm giàu khoáng sản; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất xi măng; sản xuất bao bì nhựa, túi nilon khó phân hủy; sản xuất bột giấy, giấy; dự án nhiệt điện than, lọc hóa dầu…

Ngoài ra, để thu hút FDI xanh, lãnh đạo Thành phố còn áp dụng các chính sách khác liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, xúc tiến đầu tư… Mỗi chính sách được ban hành và thực hiện hiệu quả đều sẽ giúp Hải Phòng mở ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn với những dự án chất lượng.

Nhờ thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ cho phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo và hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, Thành phố đã thu hút được ngày càng nhiều các dự án chất lượng, dự án sử dụng năng lượng tái tạo được đầu tư vào thành phố, như: dự án Đầu tư về năng lượng tái tạo trong KCN Nam Đình Vũ của Tập đoàn Shire Oak International (Vương Quốc Anh). Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã đề xuất với Hải Phòng triển khai các dự án đầu tư xanh, như: dự án điện khí LNG tích hợp của Tập đoàn ExxonMobil (Hoa Kỳ), dự kiến xây dựng nhà máy tại xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng với công suất 4.500 MW; dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hải Phòng của Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) với tổng mức đầu tư lên tới 11,9-13,6 tỷ USD, công suất của nhà máy dự kiến đạt 3.900 MW và hàng năm sẽ sản xuất ra khoảng 13,7 tỷ kWh.

Thứ ba, tạo lập môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xanh vào Thành phố

Để cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai Nghị quyết số 131/NQ-CP, ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Hải Phòng đã thực hiện một số hoạt động như áp dụng chuyển đổi số ở tất cả các ngành, các lĩnh vực để đảm bảo mọi quy trình được công khai, minh bạch. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND, ngày 27/5/2022 về việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn trong cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố. Doanh nghiệp sẽ giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, giảm các chi phí không chính thức.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư mới, Thành phố đã cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng. Các công trình hạ tầng giao thông mới, quan trọng đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, như: cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ kết nối KCN VSIP, đảo Vũ Yên, hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng… Bên cạnh đó, các KCN của Thành phố đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư.

Thứ tư, thực hiện các hoạt động xúc tiến thu hút FDI xanh

Thời gian qua, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Hải Phòng đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. UBND Thành phố và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thông tin với các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp từ các quốc gia. Trong đó, có thể kể đến các tổ chức và doanh nghiệp lớn như: Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội Doanh nghiệp điện, điện tử Đài Loan (Trung Quốc) – TEEMA, Câu lạc bộ Doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn LG (Hàn Quốc)… tập trung rất nhiều nhà sản xuất công nghệ cao. Đặc biệt thời gian gần đây, Hải Phòng còn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong các khu năng lượng công nghiệp qua các hội thảo gặp gỡ các nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn Shire Oak International của Vương quốc Anh, Tập đoàn Orsted của Đan Mạch. Các chương trình xúc tiến đầu tư được thực hiện đều bài bản, tạo cơ hội hữu ích để cung cấp thông tin tới các nhà đầu tư và kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp của Thành phố. Qua đó, hình ảnh TP. Hải Phòng phát triển, hiếu khách, an toàn cùng môi trường đầu tư tiềm năng với nhiều ưu đãi đã được lan tỏa tới hàng trăm doanh nghiệp toàn cầu.

Công tác xúc tiến đầu tư còn được chú trọng thông qua việc cập nhật và công khai hóa các thông tin kinh tế – xã hội của Thành phố, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp… trên Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hải Phòng còn đổi mới cách tiếp cận nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua việc chủ động tiếp thị, xúc tiến đầu tư. Thay vì đợi các nhà đầu tư đến với Hải Phòng, địa phương đã chủ động đến tận nơi, giới thiệu, tiếp thị về những lợi thế đặc biệt nhất của mình để thu hút nhà đầu tư. Hải Phòng đã thực hiện chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Seoul (Hàn Quốc), tổ chức thành công các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn LG. Những chương trình làm việc về môi trường đầu tư của Thành phố còn được tổ chức tại TP. Đài Bắc, tạo ra cơ hội kết nối và trao đổi thông tin, giải đáp nhiều vấn đề quan tâm cho hơn 250 doanh nghiệp tại đây. Việc chủ động xúc tiến đầu tư, tiếp thị thương mại của thành phố mang lại nhiều kết quả khả quan, với nhiều thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ được ký kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Hiện nay, Hải Phòng chưa có chiến lược riêng biệt, cụ thể, rõ ràng cho thu hút FDI xanh hướng đến phát triển bền vững mà mới chỉ có chiến lược thu hút FDI, trong đó nêu ra định hướng về việc thu hút đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững và tập trung chọn lọc thu hút vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng.

Các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của Thành phố còn chưa thống nhất, chưa đảm bảo hiệu quả. Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được quy định rải rác trong các luật, các văn bản dưới luật, các thông tư, các quy định khác nhau gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý đầu tư cũng như cho nhà đầu tư trong việc nhận biết và tiếp cận ưu đãi đầu tư. Có những loại ưu đãi đầu tư được sử dụng nhằm đạt được đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau và đôi khi còn xung đột lẫn nhau.

Trong những năm qua, Thành phố đã tích cực cải thiện hệ thống thủ tục hành chính, tuy nhiên vẫn còn rườm rà phức tạp ở một vài thủ tục liên quan đến thẩm định cấp giấy phép đầu tư. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng các KCN còn nhiều khó khăn, việc chậm tiến độ đã trở nên phổ biến, làm mất cơ hội tiếp nhận các dự án FDI có tiềm năng.

Công tác xúc tiến đầu tư của Thành phố đã có nhiều nỗ lực thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực, nhưng có thể thấy các dự án FDI xanh còn hạn chế, chưa có tính lan tỏa. Thành phố vẫn chưa thu hút được nhiều dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất chế tạo có công nghệ tiên tiến, giảm phát thải khí hay các lĩnh vực liên quan đến xử lý chất thải. Hầu hết các dự án hiện nay ở Hải Phòng đều thuộc về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Nhằm đẩy mạnh thu hút FDI xanh hướng đến phát triển bền vững tại Hải Phòng, theo tác giả, cần thực hiện một số vấn đề sau:

Một là, Hải Phòng cần có chiến lược cụ thể ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Thành phố cần nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư và luôn đảm bảo nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá, không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Thành phố cũng cần xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường.

Hai là, Thành phố cũng cần hoàn thiện các chính sách thu hút FDI xanh hướng tới các lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo, các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Rà soát, sửa đổi pháp luật chính sách về đăng ký chuyển giao công nghệ, nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.

Ba là, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Hải Phòng, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính. Các thông tin về đầu tư cần được công khai, minh bạch trên website của cơ quan xúc tiến đầu tư, công khai quy trình xử lý hồ sơ, quy trình đăng ký, thẩm định cấp giấy phép đầu tư qua mạng điện tử.

Bốn là, chính quyền thành phố cần có sự đánh giá công bằng, khách quan về tác động tới môi trường sau dự án của các doanh nghiệp đầu tư để đảm bảo không gây thiệt hại môi trường cho thành phố trong và sau quá trình tiếp nhận đầu tư./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2018-2022), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội TP. Hải Phòng năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.

2. UBND TP. Hải Phòng (2014), Quyết định số 1463/QĐ-UBND, ngày 03/7/2014 ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

3. UBND TP. Hải Phòng (2020), Quyết định 3055/QĐ-UBND, ngày 02/10/2020 ban hành Chương trình hành động của UBND Thành phố về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Hoàng Triều Hoa

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)