Khu vực châu Á với các nền kinh tế phát triển nhanh và năng động đang ngày càng trở thành địa điểm diễn ra các hoạt động trọng tài quốc tế. Các trung tâm trọng tài tại châu Á đang ngày càng phát triển, để thích nghi với sự phát triển và thâm nhập của các tiến bộ công nghệ cũng như xu hướng chuyển đổi số, tạo ra các xu hướng, đồng thời là áp lực để dịch vụ trọng tài cần nhanh chóng, tối giản, đem lại các trải nghiệm tốt hơn cho người dùng và đảm bảo cạnh tranh trong thị trường trọng tài.

Trọng tài quốc tế và thị trường trọng tài tại Việt Nam nói chung, được đánh giá đang phát triển sôi động với nhiều triển vọng ở một nền kinh tế mở như Việt Nam với sự gia tăng của hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh xuyên biên giới và nhu cầu của doanh nghiệp về các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, đáng tin cậy cho các hoạt động này. Thị trường trọng tài tại Việt Nam kể từ khi có Luật Trọng tài thương mại 2010 đến nay đã có hơn 10 năm hình thành và phát triển tương đối nhanh. Trong bối cảnh hướng tới chuẩn bị sửa đổi Luật Trọng tài thương mại 2010, rất nhiều kỳ vọng về những sửa đổi hoàn thiện Luật sẽ có tác động thúc đẩy mạnh mẽ cho thị trường. Các nhân tố trên thị trường cũng cần chuẩn bị mọi hành trang để sẵn sàng cho những đột phá trong trọng tài tại Việt Nam.

Thúc đẩy bước đột phá trong hoạt động trọng tài quốc tế tại Việt Nam
Hội thảo “Sẵn sàng cho những đột phá trong trọng tài quốc tế tại Việt Nam”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, trong giao thương và đầu tư xuyên biên giới, có tới hơn 90% doanh nghiệp lựa chọn sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án (ADRs) chứ không đưa tranh chấp phát sinh ra các tòa án quốc gia. Nhận định này dựa trên kết quả khảo sát được thực hiện liên tục trong nhiều năm và bởi Trường luật Queen Mary, Đại học London, Anh Quốc; gần đây nhất trong báo cáo năm 2021, kết quả khảo sát vẫn khẳng định xu hướng sử dụng ADRs thay cho phương thức tòa án hầu như không thay đổi kể cả sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Lộc, hiện nay, phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chính là sự lựa chọn đầu tiên, là con đường hòa bình trong hoạt động đầu tư, thương mại trong nước. Kết quả khảo sát của câu lạc bộ học viện luật tại Singapore công bố cho thấy, 95% các tranh chấp xuyên biên giới được xử lý bởi trọng tài. Tại Việt Nam, Báo cáo Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI năm 2017 chỉ ra rằng, hơn 92% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam không ưu tiên đưa các tranh chấp thương mại của họ ra tòa án để giải quyết. Các con số trên cho thấy, trọng tài là sự ưu tiên lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tại nước ta, con số ấy bị đảo ngược, phần lớn vẫn là tòa án.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đánh giá về chỉ số chất lượng giải quyết tranh chấp, chỉ số thực thi hợp đồng của Việt Nam được đánh giá rất cao. Trong 5 năm qua, chỉ số tranh chấp ngoài tòa án luôn có chỉ số cao, trong tương quan thang điểm 10 thì Việt Nam được đánh giá 7-8 điểm trong xếp hạng toàn cầu. Chỉ số ADR của Việt Nam đóng góp 1/3 số điểm mà Việt Nam đạt, đang được WB đánh giá cao nhất trong chỉ số về chỉ tiêu chất lượng tố tụng tại Việt Nam. Trọng tài nói riêng và ADR nói chung đang nắm vai trò quan trọng.

Đáng chú ý, ông Lộc cho biết, các cải cách của Chính phủ đã có kết quả rất tích cực. “Từ nhiều góc độ, chúng ta thấy có sự chuyển dịch qua số vụ tranh chấp ở Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi xử lý trên 300 vụ, trong đó 60% liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới. Chúng ta được các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài hợp tác là cơ quan giải quyết tranh chấp. Các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn nói chung và trọng tài nói riêng đang là xu thế của thế giới. Tiềm năng của ADR đang rất lớn. Tình trạng quá tải tại tòa án, thời gian chậm cũng được xếp hạng thấp trong toàn cầu. Việc giảm tải hệ thống tòa án là hướng đi, cũng như là mục tiêu cho các trung tâm trọng tài và hòa giải”, ông Lộc chia sẻ.

Chủ tịch VIAC cũng chỉ rõ về chủ trương của Đảng và Nhà nước có khuyến khích sử dụng trọng tài phù hợp với tập quán thương mại quốc tế, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 tính đến nay đã hơn một thập kỷ. Không thể phủ nhận những thành tựu rõ ràng của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 như: đã tiếp thu được những nguyên tắc cốt lõi nhất, những thực tiễn phổ biến nhất về trọng tài quốc tế ở thời điểm ban hành. Luật này cũng được đánh giá là tiếp cận phù hợp với mức độ phát triển của thị trường bấy giờ.

“Chúng ta là nền kinh tế có độ mở, chỉ đứng sau Singapore, hướng đi trong tương lai rất quan trọng. Những vận động này đặt ra nhu cầu về khuôn khổ pháp lý cần được sửa đổi sao cho tương đồng với các quy chuẩn quốc tế về trọng tài để Việt Nam hướng tới trở thành một trong những địa điểm trọng tài được lựa chọn cho các tranh chấp trong khu vực. Tôi tin tưởng rằng, Hội Luật gia Việt Nam – đơn vị đang được giao chủ trì xây dựng hồ sơ đề xuất Dự thảo Luật Trọng tài thương mại sửa đổi đã có những quan sát và tổng hợp toàn diện về những nhu cầu này; đặc biệt là nhu cầu tiến gần tới các quy chuẩn của Luật Mẫu UNCITRAL về Trọng tài quốc tế. Chúng tôi mong trong thời gian tới, với sự hợp tác của Chính phủ, các tổ chức về trọng tài sẽ đưa ra kiến nghị để phát triển và hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại…”, Chủ tịch VIAC nhấn mạnh.

Thúc đẩy bước đột phá trong hoạt động trọng tài quốc tế tại Việt Nam
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông cùng khẳng định, VIAC luôn tự đặt cho mình nhiệm vụ cần tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế cho phương thức trọng tài tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu lớn là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

Chủ tịch VIAC cũng bày tỏ mong muốn: “Các tổ chức trọng tài, tổ chức luật sư tổ chức tuần lễ trọng tài tuần này, chúng ta có cơ hội nhìn về bức tranh, kiến nghị, cam kết trong những năm tới. Hướng tới sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 theo hướng bổ sung các quy định phù hợp có tham khảo luật mẫu, đưa ra kiến nghị cụ thể để phát triển thẩm phán trong giám sát tư pháp của mình. VIAC cũng mong muốn tất cả cùng nhìn lại toàn cảnh bức tranh chung về nền tài phán trọng tài của Việt Nam, thúc đẩy những thay đổi tích cực ở tất cả các yếu tố: Luật trọng tài sửa đổi bảo vệ được những điểm tốt của luật năm 2010; bổ sung các quy định còn thiếu dựa trên tham khảo Luật Mẫu 2010; dành nhiều quan tâm hơn khi thực hiện chức năng quản lý và thúc đẩy thị trường trọng tài; hệ thống tòa án, các thẩm phán ủng hộ các thủ tục trọng tài, các phán quyết trọng tài khi thực hiện thẩm quyền giám sát tư pháp của mình. Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục quan điểm tiếp cận không phân biệt phán quyết trọng tài hay bản án của tòa án và hỗ trợ nhiều hơn các hoạt động trọng tài. Tất cả các yếu tố này cùng tạo nên một hệ sinh thái cho trọng tài thương mại thực sự phát triển, để trọng tài thương mại giúp chia sẻ gánh nặng với hệ thống tòa án, giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho trọng tài quốc tế”.

Tại phiên tọa đàm, đại diện đến từ các tổ chức trọng tài, hòa giải khu vực đã cùng chia sẻ về thực tiễn giải quyết tranh chấp tại các quốc gia và nhận định về bối cảnh thị trường trọng tài trong khu vực hiện tại. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận và chia sẻ về 12 năm thực thi Luật Trọng tài thương mại và những thành tựu mà văn bản này đã đạt được. Theo các diễn gỉả, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có thể coi là nền tảng cho sự phát triển thị trường trọng tài tại Việt Nam, giúp phương thức trọng tài được triển khai tương đối thuận lợi so với giai đoạn trước luật.

Theo đó, các nguyên tắc của trọng tài quốc tế được tiếp thu trong trong Luật Trọng tài thương mại cho phép thủ tục trọng tài tại các tổ chức trọng tài trong nước dần tiệm cận tương đồng với thủ tục trọng tài quốc tế. Các quy định về thủ tục trọng tài tại thời điểm hiện tại có thể chưa hoàn thiện toàn bộ so với Luật Mẫu của UNCITRAL, song nhìn chung đã cho phép các tổ chức trọng tài đề cao tính linh hoạt trong quyết định tổ chức thủ tục trọng tài của mình, phục vụ nhu cầu giải quyết tranh chấp đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam qua từng giai đoạn phát triển. Cùng với đó, vai trò giám sát và hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài được khẳng định, thiết lập các nguyên tắc lớn trong mối quan hệ tương hỗ giữa trọng tài và tòa án.

“Chúng ta đang ở thời điểm của rất nhiều biến động trong mọi mặt đời sống kinh tế xã hội toàn cầu. Những biến động này cùng các vấn đề nội tại đang đặt ra rất nhiều áp lực đối với thị trường trọng tài Việt Nam. Chúng ta đã và đang trải qua những sự kiện chưa từng có tiền lệ và khó có thể ngờ tới. Tuy vậy, với những thành tựu và kết quả đã được, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những bước tiến đầy triển vọng trong 10 năm tới”, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch ADR Chambers Vietnam LLC chia sẻ./.