Bồi đắp niềm tin để kiến tạo chuyển đổi xanh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, Thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững (PTBV) cho biết, mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và tiến đến phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 là vấn đề sát sườn với tất cả quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Net Zero 2050 không hề là một mục tiêu đặt ra cho có, mà ngược lại rất cấp bách và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để có thể hiện thực hóa. Vì vậy, “Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi” là những động lực quan trọng để chúng ta đi đến đích. Đó cũng là thông điệp quan trọng của Diễn đàn VCSF năm thứ 11 năm nay.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, Thành viên Hội đồng quốc gia về PTBV phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại Việt Nam, ông Vinh nhắc lại những hậu quả hết sức nặng nề mà siêu bão Yagi đã gây ra cho một loạt các tỉnh thành miền Bắc mới đây, trong đó có thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những thiệt hại nghiêm trọng về con người và cơ sở vật chất. Yagi được đánh giá là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên biển Đông – một hiện tượng hiếm gặp, và sẽ ngày càng có nhiều cơn bão khủng khiếp hơn nữa sẽ xảy ra khi các đại dương nóng lên bởi biến đổi khí hậu do chính con người gây ra. Nếu không có đại dương, hành tinh này sẽ nóng hơn nhiều do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong 40 năm qua, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại do khí thải nhà kính. Nếu chúng ta không hành động để giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, Trái đất sẽ tiếp tục nóng lên và chính chúng ta sẽ gánh chịu mọi tổn thất nặng nề hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng trong một tương lai không xa.
Theo Chủ tịch VBCSD, trên hành trình hướng tới Net Zero 2050 hay xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả nhân loại, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững đã được khẳng định là đặc biệt quan trọng. Và ngược lại, thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ đảm bảo được giấy phép kinh doanh (business license), kế hoạch kinh doanh liên tục (business continuity plan), nâng cao uy tín thương hiệu, từ đó đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho chính doanh nghiệp. Việc xây dựng chiến lược, thực hành, đánh giá theo khung Môi trường – Quản trị – Xã hội (ESG) trong phát triển bền vững doanh nghiệp đã, đang nhận được nhiều sự quan tâm và tích cực triển khai từ nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Vai trò quan trọng của con người và quản trị trong phát triển bền vững
“Từ khía cạnh doanh nghiệp, khi nhắc đến Net Zero, giảm phát thải khí nhà kính, chắc hẳn sẽ có nhiều doanh nghiệp nghĩ điều này chủ yếu liên quan đến khía cạnh môi trường, đến những hoạt động sản xuất-kinh doanh tạo ra khí thải, chỉ cần tập trung vào thay đổi công nghệ sản xuất, dây chuyền máy móc, tiêu hao bớt lượng năng lượng và khí thải tạo ra… Thế nhưng, khi nhìn vào “chiếc kiềng ba chân” ESG, chúng ta sẽ thấy rõ để phát triển bền vững doanh nghiệp, từ đó đóng góp cho mục tiêu Net Zero, doanh nghiệp không thể bỏ qua hai thành tố: “quản trị công ty” (G) và nguồn vốn con người (S).
Nhắc đến quản trị công ty, sự cam kết và tham gia tích cực của Hội đồng quản trị, lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp từ khâu xây dựng chiến lược đến lan tỏa và thực hành là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp. Hay nhắc đến nguồn vốn con người, ở khía cạnh nội bộ doanh nghiệp – đó sẽ là những yếu tố về lãnh đạo, đội ngũ, văn hóa doanh nghiệp; ở khía cạnh bên ngoài doanh nghiệp – chúng ta cần quan tâm đến việc tạo tác động xã hội tích cực bền vững như đóng góp xây dựng lực lượng lao động xanh, tạo sinh kế bền vững cho nhóm yếu thế, hay thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đặt con người vào trung tâm của chiến lược phát triển bền vững là điều mà mọi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần ghi nhớ”, ông Vinh nhấn mạnh.
Các đại biểu trao đổi tại phiên tọa đàm |
Chủ tịch VBCSD cho biết, để hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn lực hơn, VCCI, với hạt nhân là VBCSD, đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu xây dựng và giới thiệu Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Bộ chỉ số CSI cũng được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam do VCCI tổ chức thường niên từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bước sang năm thứ 9, Chương trình CSI năm nay tiếp tục có sự phối hợp của Ban Kinh tế trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Dự kiến cuối tháng 11 tới đây, VCCI sẽ tiếp tục vinh danh Top 100 doanh nghiệp bền vững để tôn vinh các doanh nghiệp dẫn đầu trong xu thế này.
Doanh nghiệp tiên phong thực hành quản trị và gắn kết con người với chuyển đổi xanh
Tại phiên tọa đàm, các doanh nghiệp đã trao đổi về vai trò quan trọng của quản trị bền vững tới xu thế phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững và những mô hình thành công về quản trị ESG và tạo tác động xã hội tích đã được thực hiện và chứng hiệu quả thực tiễn tại các doanh nghiệp. Đại diện cho Nestle Việt Nam, doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông cho rằng vai trò của con người trong quá trình chuyển đổi xanh là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc gắn kết nhân viên vào các nỗ lực chuyển đổi xanh luôn là những ưu tiên trong chiến lược tăng trưởng bền vững và phát triển nhân sự của Tập đoàn.
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestle Việt Nam nhấn mạnh vai trò của con người trong quá trình chuyển đổi xanh là rất quan trọng |
“Tại Nestle Việt Nam, chúng tôi tin rằng nhân viên là nguồn lực lớn nhất trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Chúng tôi gắn kết nhân viên thông qua các sáng kiến khác nhau như chiến dịch nâng cao nhận thức, chương trình đào tạo và các dự án bền vững do nhân viên dẫn dắt. Chúng tôi khuyến khích họ chia sẻ ý tưởng và đề xuất các thực hành bền vững, thúc đẩy văn hóa đổi mới và hợp tác. Bằng cách gắn kết nhân viên, chúng tôi đảm bảo rằng tính bền vững trở thành một trách nhiệm chung và là một phần đặc điểm định dạng của tổ chức cũng như định vị giá trị nhân viên của chúng tôi trong việc tuyển dụng. Có thể nói tư duy chuyển đổi xanh gắn kết với tư duy phát triển con người là công cụ hữu hiệu giúp Nestle đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Khuất Quang Hưng cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong chiến lược gắn kết con người làm yếu tố cốt lõi mang lại thành công cho quá trình chuyển đổi xanh, ông Khuất Quang Hưng cho biết, việc đo lường tác động của sự gắn kết của nhân viên là điều cần thiết để hiểu được hiệu quả của các sáng kiến của doanh nghiệp. “Chúng tôi theo dõi các KPI liên quan đến tính bền vững bao gồm sự tham gia của nhân viên trong các chương trình bền vững. Chúng tôi cũng thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát và phiên góp ý để đánh giá nhận thức, sự hài lòng của nhân viên và đề xuất cải tiến. Bằng cách phân tích các chỉ số này, chúng tôi có thể đánh giá tác động của sự gắn kết của nhân viên và xác định các lĩnh vực cần cải thiện”, đại diện Nestle cho biết.
Tương tự, đại diện Heineken nhấn mạnh cách tiếp cận 4R (reduce, replace, remove, report) gắn với việc thúc đẩy thực thi nâng cao năng lực, áp dụng đổi mới sáng tạo kết hợp cùng chính sách nội bộ và thưởng trong chiến lược gắn kết con người/nhân viên với thực hiện mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tập trung vào chiến lược xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển bền vững, đại diện tập đoàn bán lẻ Aeon cho biết một trong những giải pháp được chú trọng là nâng cao năng lực cho nhân viên về phát triển bền vững thông qua đào tạo chuyên môn, tập huấn, cập nhật kiến thức về các chủ đề phát triển bền vững trọng yếu gắn với lĩnh vực kinh doanh của công ty (kiểm kê khí nhà kính, tài chính xanh…) thông qua các buổi hội thảo, tập huấn từ các tổ chức uy tín (VBCSD, JICA,…). Đồng thời, thúc đẩy các dự án phát triển bền vững với sự tham gia của nhân viên dưới vai trò cố vấn, đối tác để nâng cao nhận thức và gắn kết của nhân viên với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp./.