Gói kích thích kinh tế năm 2022 có gì?

Thực thi hiệu quả gói kích thích kinh tế, tăng trưởng GDP  năm 2022 có thể vượt 7%
Ngay ngày đi làm đầu tiên của năm 2022, Quốc hội đã họp để xem xét Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023 dự kiến chính thức được thông qua vào ngày 11/1/2022. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế. Bên cạnh việc miễn/giảm thuế, hỗ trợ trực tiếp người dân bằng tiền mặt, gia hạn phân loại nợ xấu, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng các lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ Covid-19, hỗ trợ xây nhà cho người lao động (như nhà ở xã hội…) hoặc hỗ trợ lãi suất, thì đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một trọng tâm của gói kích thích kinh tế lần này.

Tại tờ trình Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chương trình có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 – 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Thứ hai là phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Thứ ba là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 gồm: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Thực thi hiệu quả gói kích thích kinh tế, tăng trưởng GDP  năm 2022 có thể vượt 7%
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sáng ngày 04/01/2022

Về giải pháp tài khóa, Bộ trưởng cho biết, tổng quy mô của chính sách là 291 nghìn tỷ đồng, gồm: tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240 nghìn tỷ đồng và chi trực tiếp từ NSNN là 176 nghìn tỷ đồng sử dụng để chi đầu tư phát triển.

Về giải pháp tiền tệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải pháp cho năm 2022 là điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 02 năm. Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các giải pháp khác để phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế năm 2022. Cụ thể, Bộ trưởng đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh…

GDP năm 2022 có thể đạt trên 7% khi gói kích thích triển khai hiệu quả

Thực thi hiệu quả gói kích thích kinh tế, tăng trưởng GDP  năm 2022 có thể vượt 7%

Tại Báo cáo triển vọng thị trường năm 2022 công bố ngày 4/1/2022, SSI nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ nằm trong khoảng 6%-6,5% (CPI tăng khoảng 4%), nhưng trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả và với mức so sánh thấp giai đoạn 2020-2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022. Trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý III 2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số).

SSI cho rằng, các động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam (xuất khẩu/sản xuất khối FDI) đã hồi phục trong quý IV/2021 và ước tính tăng trưởng tốt trong năm 2022 khi rủi ro giãn cách xã hội toàn diện giảm bớt và tăng trưởng kinh tế toàn cầu cải thiện. Bên cạnh động lực đến từ các hiệp định thương mại tự do bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP – có hiệu lực từ tháng 1/2022 – hay nhiều quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tăng trưởng tiêu dùng có thể mất thêm thời gian để phục hồi, khi mà sản xuất/xuất khẩu sẽ phục hồi trước. Tiêu dùng có thể hồi phục rõ ràng hơn khi mà số lượng khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng và việc trường học mở cửa trở lại. Việc phục hồi này cần xem xét trong bối cảnh “bình thường mới” sau khi nền kinh tế suy giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2021.

Bên cạnh những nhận định tích cực, SSI cũng chia sẻ dự cảm về một số rủi ro liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong những rủi ro đáng chú ý liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô 2022 là lạm phát. Trong quá khứ, Chính phủ đã thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát (qua việc quản lý giá đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu) hơn là theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu. Lương thực và thực phẩm có thể là yếu tố chính tác động đến lạm phát trong 2022 nhưng đây có thể không phải rủi ro lớn đối với một trong những quốc gia sản xuất lương thực lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu ước tính cao hơn nhiều và chi tiêu công lớn (nếu không được lên kế hoạch kỹ càng và thực hiện không hiệu quả) có thể lại góp phần làm tăng lạm phát nhiều hơn là kích thích tăng trưởng.

Rủi ro khác có thể đến từ ngành bất động sản. Đầu tư bất động sản luôn được coi là biện pháp tốt để phòng ngừa lạm phát và SSI cho rằng, Chính phủ hiện nay khá quan ngại việc giá BĐS tăng nóng và sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (chủ yếu là các DN bất động sản) trong thời gian vừa qua. Tuy không quá lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản, nhưng việc Chính phủ can thiệp để bình ổn thị trường bất động sản có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung.

Nhà đầu tư có cơ hội gặt thành quả năm 2022

SSI đánh giá, năm 2022 vẫn là thời kỳ đầy thách thức, nhưng không có nhiều lý do để hoảng loạn. Nếu năm 2020 giải pháp là giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, năm 2021 là triển khai tiêm vaccine, thì năm 2022 có thể là câu chuyện của việc điều trị chống virus một cách có hiệu quả.

Liên quan đến TTCK, SSI đánh giá, năm Nhâm Dần 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với thị trường, nhưng khi nền kinh tế vĩ mô chuyển động tốt, các nhà đầu tư vẫn có thể gặt hái được thành quả trong năm 2022. SSI đưa ra dự báo về triển vọng các ngành trong nền kinh tế, trong đó đánh giá khả quan khả năng tăng trưởng trong các ngành, như ngành ngân hàng, ngành bất động sản khu công nghiệp, ngành tiêu dùng thiết yếu…

Trên bình diện quốc tế, SSI đánh giá, đại dịch Covid-19 vẫn là mối rủi ro thường trực đối với kinh tế toàn cầu. Mặc dù thế giới đã bước sang năm thứ 3 của đại dịch Covid-19, nhưng với việc hầu hết các quốc gia đã có sự chuẩn bị tốt hơn, khả năng năm 2022 sẽ không có tiếp những đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Điều chờ đợi nhất là thế giới có thể tìm ra giải pháp tối ưu để đối phó với vấn đề đại dịch. SSI đánh giá, năm 2022 vẫn là thời kỳ đầy thách thức, nhưng không có nhiều lý do để hoảng loạn. Nếu năm 2020 giải pháp là giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, năm 2021 là triển khai tiêm vaccine, thì năm 2022 có thể là câu chuyện của việc điều trị chống virus một cách có hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn năm 2021, nhưng tăng trưởng Việt Nam ước tính sẽ vượt trội so với các quốc gia khác trên thế giới.

Dự báo triển vọng các ngành kinh tế năm 2022

Thực thi hiệu quả gói kích thích kinh tế, tăng trưởng GDP  năm 2022 có thể vượt 7%
Nguồn: báo cáo của SSI

Báo cáo đầy đủ của SSI tại đây: