THỰC TRẠNG

Thực trạng thu hút vốn FDI vào Đồng Nai

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh và bổ sung một số chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa liên thông” nhằm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nhờ đó, kết quả thu hút FDI của Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng và chất lượng các dự án ngày càng tăng.

Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai
Đồng Nai là một trong những địa phương thành công nhất của cả nước trong lĩnh vực thu hút FDI.

Giai đoạn 2017-2020, với sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới cũng như dòng vốn đầu tư toàn cầu, tình hình thu hút FDI của tỉnh Đồng Nai tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc. Trong giai đoạn này, Đồng Nai đã thu hút được thêm nhiều dự án mới với số vốn đầu tư tăng qua các năm. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai (Bảng 1), từ 88 dự án mới với tổng vốn đầu từ 1,025 tỷ USD năm 2017, số dự án FDI vào tỉnh Đồng Nai năm 2018 đã tăng lên 92 dự án mới với tổng số vốn đầu tư đạt 1,234 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 114 dự án mới vào năm 2019 với số vốn đầu tư lên tới 1,375 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2020, do tác động bởi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới thu hút dòng vốn FDI toàn cầu, nên thu hút FDI vào tỉnh Đồng Nam cũng có xu hướng giảm, theo đó, số dự án FDI vào tỉnh Đồng Nam năm 2020 đạt 73 dự án mới với số vốn đầu tư trên 241,7 triệu USD, thấp hơn so với các năm trước (Hình 1). Mặc dù vậy, số vốn điều chỉnh của các dự án vẫn có xu hướng tăng; điều này cho thấy, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này.

Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai
Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai

​ Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn tính đến ngày 20/5/2021 là 738,86 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020 (498,87 triệu USD), đạt 67% kế hoạch năm (1.100 triệu USD). Trong đó, cấp mới 24 dự án với tổng vốn đăng ký 274,98 triệu USD; 47 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 463,89 triệu USD. Lũy kế đến ngày 20/5/2021, trên địa bàn tỉnh có 2.109 dự án với tổng vốn đầu tư 37,83 tỷ USD, trong đó, số dự án còn hiệu lực là 1.542 dự án với tổng vốn đầu tư là 32,04 tỷ USD; 567 dự án thu hồi với tổng vốn đầu tư là 5,78 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Thực tế này cho thấy, trong bối cảnh làn sóng đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nhất định tới việc thu hút vốn FDI, tỉnh Đồng Nai vẫn đạt mục tiêu thu hút vốn FDI gần 100% kế hoạch đề ra từ đầu năm 2021.

Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai

Hình 2 cho thấy, số vốn đầu tư các dự án không ngừng tăng từ năm 2017 đến năm 2019, thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh, góp phần tăng thu hút vốn đầu tư từ 1,025 tỷ USD năm 2017 lên 1,375 tỷ USD năm 2019. Tuy đến hết năm 2020, số vốn đầu tư vào Tỉnh có giảm xuống, chỉ đạt trên 241,7 triệu USD, nhưng đây là yếu tố tác động toàn cầu bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, số lượng dự án mới vẫn có sự thay đổi theo xu hướng tăng lên.

Xét về cơ cấu lĩnh vực thu hút đầu tư, trong tổng số dự án FDI tại tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2017-2020, tỷ trọng các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp (sản xuất công nghiệp) và xây dựng (bất động sản) có xu hướng tăng lên, từ 78% năm 2017 lên 83,33% năm 2020 trong tổng số dự án.

Bảng 2 cho thấy, trong giai đoạn này, các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư chủ yếu vào Đồng Nai là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…, trong đó, có thể thấy, số dự án và số vốn của Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đến năm 2019 mới xuất hiện đầu tư của Trung Quốc, với số dự án mới khá ấn tượng là 26 dự án.

Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai

Bên cạnh gia tăng về số lượng, nhìn chung, trong giai đoạn 2017-2020, các dự án FDI cũng tăng lên cả về chất lượng, đưa Đồng Nai trở thành điểm đến thu hút FDI hiệu quả của khu vực các tỉnh phía Nam với lĩnh vực đầu tư khá đa dạng phong phú, gồm: xây dựng; bất động sản, công nghiệp – sản xuất công nghiệp; dịch vụ; nông nghiệp… Tuy vốn đầu tư FDI có sự sụt giảm vào năm 2020 theo xu hướng suy giảm của nền kinh tế Việt Nam, cũng như kinh tế thế giới do tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng thu hút FDI của Đồng Nai vẫn khả quan, khi vẫn tăng về số dự án mới, cũng như tăng vốn điều chỉnh.

Ngoài ra, Đồng Nai có vị trí thuận lợi, giáp TP. Hồ Chí Minh, tương lai Tỉnh sẽ có sân bay Long Thành cùng hệ thống giao thông đồng bộ với nhiều tuyến cao tốc, như: TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Dầu Giây – Liên Khương, Biên Hòa – Vũng Tàu. Đây cũng là điểm mạnh mà rất nhiều nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của các quốc gia chọn Đồng Nai là nơi đặt chân của mình.

Những khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thu hút FDI tại Đồng Nai vẫn còn một số bất cập tồn tại, như: môi trường đầu tư tuy đã được cải thiện đáng ghi nhận, song vẫn còn một số bất cập về thủ tục hành chính; Cơ sở hạ tầng vẫn trong tình trạng đang hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư; Khả năng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa tương xứng…

Cùng với đó, vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 có thể gây tác động kéo dài tới hoạt động phát triển kinh tế – xã hội nói chung, cũng như sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động thu hút đầu tư. Với đặc thù là địa phương có dân số đông, thường xuyên di chuyển biến động, có 32 khu công nghiệp với khoảng 620.000 lao động, là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Nam, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Tỉnh rất cao. Nếu dịch bùng phát trong các khu công nghiệp, mà thiếu giải pháp kiểm soát kịp thời hữu hiệu, sẽ tác động rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới công tác thu hút FDI thời gian tới.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Đồng Nai xác định FDI vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong cơ cấu tổng thể kinh tế của Tỉnh, do vậy cần thiết phải tăng cường các giải pháp nhằm thu hút FDI trong trung và dài hạn, cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian cấp phép. Nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để giúp các doanh nghiệp triển khai dự án nhanh chóng. Nâng cao ý thức tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ quan công quyền và dịch vụ công.

Hai là, nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Hoàn thiện các quy hoạch ngành, xây dựng, sử dụng đất để các cơ quan xúc tiến đầu tư chủ động hơn trong mời gọi đầu tư. Đối với các dự án có tính chất quan trọng, nhất là dự án có sử dụng đất, giao cho các ban ngành liên quan chủ trì cùng cơ quan xúc tiến đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.

Ba là, nhu cầu về nguồn lao động có chất lượng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất lớn. Vì vậy, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cần được nâng cao, như: chủ động mời các chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy và trao đổi chuyên môn, liên kết với các doanh nghiệp để tăng cơ hội thực hành, thực tập cho sinh viên tiếp cận thực tế.

Bốn là, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của Tỉnh, trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, các trang thông tin của sở, ngành, huyện….

Năm là, các cơ quan xúc tiến đầu tư chủ động làm việc với nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Tỉnh để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới tiến hành thủ tục. Về dài hạn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp.

Bên cạnh những giải pháp để tăng cường thu hút FDI, Tỉnh cũng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, cố tình sử dụng công nghệ lạc hậu, bắt tay với nhau để làm giá, chuyển giá… để góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn FDI có chất lượng. Để thực hiện được những yêu cầu này, Đồng Nai phải có chiến lược dài hạn về đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực, đạo đức; đồng thời, Tỉnh cần ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Trong ngắn hạn, một trong những giải pháp cấp bách đặt ra hiện nay là tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt chú ý phòng chống dịch trong các khu công nghiệp và cho công nhân, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư 2020, số 61/2020/QH14, ngày 17/06/2020

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai (2017-2020). Báo cáo tình hình thu hút FDI các năm, từ năm 2017-2020

3. PV (2021). Nhiều tập đoàn FDI đến Đồng Nai đầu tư, truy cập từ https://dangcongsan.vn/kinh-te/nhieu-tap-doan-fdi-den-dong-nai-dau-tu-577806.html

4. Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2021). Đồng Nai dứt khoát không để dịch lây lan vào khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, truy cập từ https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Dong-Nai-dut-khoat-khong-de-dich-lay-lan-vao-khu-cong-nghiep-lam-dut-gay-chuoi-cung-ung/436074.vgp

Ths. Phạm Thị Hoàn – Khoa Kế toán Tài chính – Đại học Hải Phòng

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)