Từ khóa: giảm nghèo, dân tộc thiểu số, Việt Nam
Summary
Achievements in poverty reduction in Vietnam during the period 2015-2020 create a remarkable bright spots in Vietnam’s sustainable development. However, the more achievements in poverty reduction, the slower the poverty reduction rate tends to be. This raises an important issue in the current period: it is necessary to impact the core of poverty that exists in the ethnic minorities in Vietnam. By describing the current situation of poverty, employment, and education levels of ethnic minorities in Vietnam, the article points out 3 main causes of poverty among ethnic minorities including: Limitation in the rights and outreach to poverty reduction resources; Poor infrastructure in remote areas – where exists ethnic minority poverty; Limitations in the enforcement effectiveness of poverty reduction policies for ethnic minority groups. On that basis, the study proposes a number of key groups of solutions to improve the poverty situation of ethnic minority groups.
Keywords: poverty reduction, ethnic minorities, Vietnam
GIỚI THIỆU
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra cho đến năm 2030, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện hệ thống các chính sách đồng bộ và gặt hái được nhiều thành tựu qua các giai đoạn phát triển kinh tế. Trong đó, các thành tựu về giảm nghèo đạt được là đã giảm từ khoảng 10% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2015 xuống còn khoảng dưới 3% trong năm 2020. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, nghèo được đo lường đa chiều, với các chiều cạnh toàn diện về thu nhập/chi tiêu và các cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản trong đời sống con người. Với cách đo lường thông qua nghèo đa chiều, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được những thành tựu khả quan đáng ghi nhận trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo ngày càng có xu hướng chậm lại khi tỷ hộ nghèo giảm. Đồng thời, Việt Nam cũng vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong công cuộc giảm nghèo như tỷ lệ tái nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững, giảm nghèo cho khu vực DTTS vẫn còn chậm chạp hơn các khu vực khác.
Chiến lược giảm nghèo càng được đẩy mạnh, thì Việt Nam càng phải đối mặt với thực tế là, cần những chính sách giảm nghèo hiệu quả để cải thiện khu vực lõi của nghèo đói. Qua các dữ liệu về nghèo, thực tế cho thấy rằng nhóm DTTS có tốc độ giảm nghèo chậm nhất trong các nhóm dân tộc. Nghèo càng đo lường qua nhiều chiều cạnh thì nhóm DTTS lại càng thể hiện rõ những điểm yếu thế trong công cuộc giảm nghèo so với các nhóm đối tượng khác trong xã hội. Ngược lại, giảm nghèo nhóm DTTS càng được đẩy mạnh, sẽ tháo gỡ được rất nhiều nút thắt trong nền kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với nhiều ý nghĩa to lớn kể trên, vai trò của giảm nghèo nhóm DTTS ngày càng trở nên cấp thiết trong chiến lược giảm nghèo nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế bền vững nói chung ở Việt Nam.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GIẢM NGHÈO CHO NHÓM DTTS
Một trong số những điểm chính thể hiện tầm quan trọng của việc giảm nghèo cho nhóm DTTS là:
Một là, cải thiện công bằng xã hội: Nghèo theo nhóm dân tộc thường xuất phát từ sự bất bình đẳng mang tính lịch sử. Do vậy, sự phân biệt đối xử và thiếu cơ hội cho một số nhóm dân tộc nhất định từ thế hệ trước có thể ảnh hưởng đến cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ và nâng cao thu nhập cho thế hệ sau. Giải quyết tình trạng nghèo đói giữa các dân tộc là rất quan trọng để thúc đẩy công bằng xã hội và đảm bảo rằng tất cả các cá nhân, bất kể nguồn gốc dân tộc của họ, đều có quyền tiếp cận các nguồn lực và cơ hội một cách công bằng.
Hai là, thúc đẩy phát triển kinh tế: Sự đa dạng sắc tộc có thể đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế. Khi yếu tố công bằng và bình đẳng được cải thiện ở mọi mặt, nền kinh tế mới có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế. Ngược lại, khi một số nhóm dân tộc nhất định phải đối mặt với tỷ lệ nghèo đói cao hơn, điều đó sẽ cản trở quá trình phát triển kinh tế chung. Giảm nghèo đối với nhóm DTTS có thể dẫn tới một nền kinh tế toàn diện và năng động hơn, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Ba là, ổn định chính trị: Tình trạng nghèo đói dai dẳng ở nhóm DTTS có thể góp phần gây ra bất ổn chính trị, vì các nhóm DTTS bị thiệt thòi có thể cảm thấy bị tước quyền công dân và bị loại trừ khỏi các hoạt động cộng đồng và không có tiếng nói. Giảm nghèo cho nhóm DTTS là điều cần thiết hàng đầu để xây dựng một môi trường chính trị ổn định và thúc đẩy ý thức hòa nhập và đại diện cho tất cả các cộng đồng dân tộc trong quốc gia.
Bốn là, tác động toàn cầu: Trong một thế giới kết nối toàn cầu và ngày càng năng động, giải quyết tình trạng nghèo ở nhóm DTTS góp phần vào sự ổn định toàn cầu. Giảm cho nhóm DTTS có thể dẫn đến quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn, cũng như tạo dựng hình ảnh tích cực cho các quốc gia hướng tới bình đẳng kinh tế và xã hội.
THỰC TRẠNG GIẢM NGHÈO CÁC NHÓM DTTS Ở VIỆT NAM
Với thành tựu giảm nghèo chung của Việt Nam giai đoạn 2012-2020 có thể thấy, xu hướng giảm nghèo được duy trì cho dù chuẩn nghèo có thay đổi từ nghèo thu nhập/chi tiêu sang nghèo đa chiều vào năm 2016 trở lại đây. Hình 1 cho biết, tỷ lệ nghèo theo các thước đo khác nhau trong giai đoạn 2012-2020. Theo đó, xét theo tiêu chí nghèo đa chiều ở Việt Nam, tỷ lệ nghèo vào năm 2012 là cao nhất (khoảng 18,1%) và tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế vào năm 2012 là thấp nhất (4,8%). Xét theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2012-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng gần 14%, trong khi đó theo chuẩn nghèo đa chiều quốc tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1% trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ nghèo thu nhập hoặc chi tiêu tương đối cao vào năm 2012 (tương ứng 12,6% và 17,2%), nhưng đều gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể trong năm 2020 (giảm tương ứng khoảng 9% và 12%).
Hình 1: Tỷ lệ nghèo theo các thước đo khác nhau giai đoạn 2012-2020
Nguồn: UNDP (2022) |
Với thành tựu giảm nghèo chung đáng ghi nhận như trên, sự khác biệt về thu nhập tuyệt đối giữa nhóm DTTS và nhóm dân tộc Kinh theo cơ cấu thu nhập được thể hiện trong Hình 2. Trong cơ cấu các nguồn thu của nhóm DTTS và dân tộc Kinh, chủ yếu nguồn thu của nhóm DTTS đến từ hoạt động nông nghiệp, tuy rằng sự khác biệt cũng không quá lớn (nhóm DTTS có nguồn thu từ hoạt động nông nghiệp trung bình lớn hơn khoảng 5 triệu đồng/năm trong năm 2020). Trong khi đó, hai nhóm thu nhập nhóm DTTS có xu hướng bị gia tăng khoảng cách trong giai đoạn 2010-2020 là nhóm “lương, thưởng, trợ cấp” và nhóm “kinh doanh gia đình”. Nếu như năm 2010, khoảng cách này là khoảng 26 triệu đồng mỗi năm cho “lương, thưởng, trợ cấp”, thì đến năm 2020, khoảng cách này bị nới rộng đến hơn 70 triệu đồng mỗi năm. Mức khoảng cách tuyệt đối về thu nhập cho nhóm “kinh doanh gia đình” cũng cho mức giãn cách tương tự trong cùng khoảng thời gian.
Hình 2: Khoảng cách thu nhập tuyệt đối giữa nhóm dân tộc Kinh và nhóm DTTS chia theo các nhóm chính
Nguồn: World Bank (2022) |
Sự khác biệt của hai nhóm kể trên cho thấy, những công việc tạo ra nguồn thu nhập có tiềm năng và dựa vào những kỹ năng lao động cao, nhóm DTTS đang có xu hướng bị bỏ lại so với nhóm dân tộc Kinh. Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động nông nghiệp sẽ càng trở nên ít hơn tương đối trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp và xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu cản trở hiệu suất hoạt động nông nghiệp. Tương tự, mức chênh lệch và lương hưu cũng giãn cách xa hơn (khoảng gần 20 triệu đồng/năm trong năm 2020) và mục “tiền gửi về” và “bảo trợ xã hội” của nhóm DTTS cũng dần giãn cách nhẹ trong giai đoạn 2010-2020. Thiếu các khoản thu nhập bền vững khiến nhóm DTTS dễ dàng rơi vào tình trạng nghèo hoặc tái nghèo. Cụ thể hơn nữa, tỷ lệ lao động có việc làm theo dân tộc và trong lĩnh vực chế biến được mô tả trong Hình 3.
Hình 3: Tỷ lệ lao động có việc làm theo dân tộc và trong lĩnh vực chế biến từ năm 2010 đến năm 201
Nguồn: World Bank (2022) |
Những khu vực có tỷ lệ nghèo cao đều cho thấy tỷ lệ lao động có việc làm của nhóm DTTS thấp hơn hẳn và có xu hướng cải thiện chậm chạp. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhóm dân tộc Kinh cho thấy tỷ lệ lao động có việc làm được cải thiện đều đặn và đạt giá trị khá cao trong năm 2020 (khoảng 35%); trong khi đó nhóm DTTS chỉ đạt khoảng 21% và không ổn định, năm 2014 tỷ lệ này giảm xuống rất thấp (chỉ khoảng 6%). Tương tự với khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ lao động có việc làm của nhóm DTTS không được cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2010-2018. Cho đến năm 2020, tỷ lệ này của nhóm DTTS bắt đầu có dấu hiệu được cải thiện rõ rệt (đạt khoảng 13%), trong khi đó nhóm dân tộc Kinh vươn lên khoảng 23%.
Tính cho đến năm 2020-2021, tỷ lệ hoàn thành trình độ học vấn của nhóm DTTS và nhóm dân tộc Kinh được thể hiện trong Hình 4.
Hình 4: Tỷ lệ hoàn thành trình độ học vấn
Nguồn: Điều tra “Các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021” của Tổng cục Thống kê và UNICEF |
Hình 4 cho thấy, khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam về tỷ lệ hoàn thành trình độ học vấn giữa nhóm DTTS và nhóm dân tộc Kinh có sự khác biệt đáng kể. Nhóm dân tộc Kinh/Hoa đạt được khoảng 90% thì nhóm dân tộc Mông có tỷ lệ hoàn thành thấp nhất (khoảng 54,9%). Sự khác biệt về trình độ học vấn sẽ tạo ra những rào cản đáng kể cho nhóm DTTS có thể hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng để tham gia thị trường lao động. Bên cạnh đó, với tỷ lệ hoàn thành trình độ học vấn các cấp ở mức thấp, năng lực nhận biết và tiếp cận cơ hội cũng như các dịch vụ trong nền kinh tế của nhóm DTTS cũng sẽ bị hạn chế hơn so với nhóm dân tộc Kinh/Hoa. Điều này có thể dẫn đến một hệ quả tiêu cực theo thế hệ trong công cuộc giảm nghèo của nhóm DTTS.
NGUYÊN NHÂN NGHÈO CỦA NHÓM DTTS Ở VIỆT NAM
Với mô tả thực trạng về giảm nghèo, lao động – việc làm và trình độ học vấn của nhóm DTTS ở Việt Nam trong giai đoạn 2012-2020, thực tế cho thấy nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghèo trong nhóm DTTS ở Việt Nam rất phức tạp và nhiều mặt, liên quan đến các yếu tố lịch sử, xã hội, kinh tế và chính trị. Xem xét dưới góc độ các yếu tố kinh tế, có thể tổng kết qua một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, quyền và khả năng tiếp cận các nguồn lực của nhóm DTTS tương đối hạn chế. Người DTTS thường phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo quyền về đất đai, hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên nông nghiệp. Trong khi đó, nhóm DTTS thường chỉ tham gia hoạt động chính là hoạt động nông nghiệp truyền thống và tự cung tự cấp. Các hoạt động này chưa được ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai, các nguồn lực khác, như: vốn hay tiếp cận giáo dục cũng vô cùng hạn chế. Với nhiều chính sách hỗ trợ và phát triển thị trường tài chính vi mô, hiện nay nhóm đối tượng DTTS cũng đã tiếp cận được nguồn vốn và phương thức sản xuất tốt hơn, nhưng cũng vẫn chưa thực sự hiệu quả trong giảm nghèo.
Thứ hai, do điều kiện địa lý, nhóm DTTS gặp khó khăn trong vấn đề cơ sở hạ tầng và kết nối. Về cơ bản, các vùng, các khu vực có tỷ lệ nhóm DTTS vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản trong đời sống như đường, điện, nước sạch. Những hạn chế này ảnh hướng lớn đến khả năng tiếp cận thông tin và tiếp cận thị trường. Đồng thời, với đời sống thiếu thốn các dịch vụ cơ bản, sức khỏe của nhóm DTTS không được bảo đảm, gây ra nhiều rủi ro và hạn chế trong đời sống.
Thứ ba, những thách thức trong triển khai chính sách cho nhóm DTTS cũng hạn chế hiệu quả giảm nghèo cho nhóm này. Mặc dù Việt Nam đã thực hiện các chính sách nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói của người DTTS, nhưng những thách thức trong việc thực hiện chính sách, tham nhũng và quản lý thiếu hiệu quả đã cản trở tác động tích cực đối với cộng đồng DTTS. Hiệu quả của các chính sách phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: năng lực quản lý của Chính phủ và các cơ quan chính quyền, năng lực nhận thức của nhóm DTTS trong quá trình nhận thức, tiếp cận và tham gia vào các nhóm chính sách hỗ trợ. Trong nhiều dự án, thực trạng tham nhũng và hạn chế năng lực nhận thức của nhóm DTTS khiến hiệu quả của chính sách giảm nghèo không đạt được như kỳ vọng. Hơn nữa, tình trạng tái nghèo của nhóm này là khá phổ biến, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM TRONG GIẢM NGHÈO NHÓM DTTS
Quan phân tích thực trạng và nguyên nhân của tình trạng nghèo trong nhóm DTTS, tác giả đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược giảm nghèo cho nhóm người này, cụ thể như sau:
Một là, cải thiện cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội cho nhóm DTTS. Cụ thể là tăng cường các chính sách hỗ trợ đất đai, các phương thức canh tác và công nghệ kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất cho nhóm DTTS. Hỗ trợ về y tế cho người nghèo, cận nghèo nhóm DTTS, đồng thời giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh hỗ trợ nhóm người nghèo DTTS tiếp cận được dịch vụ công về khám chữa bệnh thường xuyên. Miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí, khuyến khích nhóm DTTS tiếp cận và tham gia tích cực vào hoạt động giáo dục và đào tạo. Thực hiện hiệu quả hơn chính sách vay vốn tín dụng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ nhóm nghèo DTTS.
Hai là, cải thiện cơ sở hạ tầng cho nhóm DTTS vùng sâu, vùng xa. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, đặc biệt nhóm hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cần tập trung vào các dự án xây dựng, nâng cao hạ tầng cơ sở thiết yếu, giúp nhóm hộ nghèo có động lực và điều kiện phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí và giải quyết khó khăn trong khâu nguồn vốn và giải ngân triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho các khu vực xã, thôn, bản vùng sâu vùng xa, những khu vực hay hộ gia đình DTTS đặc biệt khó khăn. Tăng cường các giải pháp và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực này.
Ba là, tăng cường hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo nhóm DTTS. Để thực hiện được điều này, cần nâng cao năng lực nhận thức của nhóm nghèo DTTS để chủ động tham gia vào các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Đồng thời, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giảm nghèo ở các cấp. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh nhóm nghèo DTTS có những đặc điểm văn hóa – xã hội đặc thù. Muốn tiếp cận và thực hiện chính sách giảm nghèo hiệu quả cho nhóm này, cần có sự tiếp cận phù hợp dựa trên những đặc tính về văn hóa – xã hội riêng có của họ. Cuối cùng, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá một cách khách quan và hiệu quả các chính sách giảm nghèo cho nhóm DTTS đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giảm nghèo trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2021), Nghị quyết số 16/2021/QH15, ngày 27/7/2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
2. Tổng cục Thống kê Việt Nam và UNICEF (2021), Các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021, Báo cáo kết quả điều tra.
3. UNDP (2022), Annual Report 2022.
4. World Bank (2022), Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp: Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022, Washington DC.
TS. Phạm Thu Hằng – Học viện Ngân hàng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)