Từ khóa: mua bán và sáp nhập, doanh nghiệp, Việt Nam

Summary

In order to evaluate the current status of mergers and acquisitions (M&A) in Vietnam, the study collected data from 292 M&A deals in the period from 2010 to 2021. Research results show that some M&A transactions bring positive impacts to business performance and investor benefits. On the contrary, some deals have negative impacts. Research results also point out some limitations that lead to the underdevelopment of M&A activities in Vietnam, and small scale of the deals which are not attractive to the investors. From the analysis and assessment of the current situation of this activity, the study proposes a number of policy solutions in the future.

Keywords: mergers and acquisitions, businesses, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hoạt động M&A ngày càng diễn ra một cách sôi động và thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, từ khi các rào cản đối với các nhà đầu tư và các công ty đa quốc gia được nới lỏng, hoạt động M&A tại Việt Nam mới thực sự gia tăng đột phá về số lượng và khối lượng giao dịch.

Góp phần vào sự thành công của các thương vụ M&A tại Việt Nam không thể không kể đến vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hoạt động trên thị trường. Năm 2021, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó SMEs chiếm 97% số lượng các doanh nghiệp hiện đang hoạt động, đóng góp tới 45% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 31% tổng thu ngân quỹ của cả nước và thu hút hơn 5 triệu lao động (Thúy Quyên, 2021). Vì vậy, SMEs đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế nội địa, tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho nguồn nhân lực đầy triển vọng tại Việt Nam, góp phần đa dạng hóa nền sản xuất và phát triển cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, SMEs tại Việt Nam phải đối mặt với một số hạn chế, đó là khả năng tiếp cận và huy động vốn còn khó khăn, nguồn khách hàng ít đa dạng, chi phí thuê mặt bằng và vận hành tốn kém, không có ưu thế cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp lớn. Do đó, để có thể nâng cao vị thế của họ trên thương trường, mở rộng quy mô doanh nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh, SMEs đã lựa chọn giải pháp M&A.

Sự tái cấu trúc của các doanh nghiệp đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, mỗi khi thông tin M&A được công bố dù chính thức hay chưa chính thức đều tạo ra kỳ vọng về lợi nhuận cho các nhà đầu tư và gần như ảnh hưởng trực tiếp lên thị giá chứng khoán.

Nghiên cứu này nhằm làm rõ vai trò của các sự kiện thực hiện M&A đối với SMEs, tác động của các sự kiện này tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và lợi ích nhà đầu tư thông qua công bố thông tin M&A trên thị trường tại Việt Nam. Việc tác động của các sự kiện này tới doanh nghiệp và nhà đầu tư góp phần thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo giỡ rào cản nhằm thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Dữ liệu nghiên cứu từ 292 các thương vụ giai đoạn 2010-2021, được phân loại theo các lĩnh vực hoạt động kinh doanh (Bảng).

Bảng: Thống kê số lượng các thương vụ M&A mà SMEs thực hiện theo các lĩnh vực

từ giai đoạn 20102021

STT

Lĩnh vực

Số lượng thương vụ M&A

1

Nông – lâm – ngư nghiệp

7

2

Hóa chất

5

3

Buôn bán hàng hóa bền vững

6

4

Xây dựng

50

5

Dược

6

6

Điện – khí đốt – nước

16

7

Thực phẩm

25

8

Phái sinh và đầu tư

58

9

Kim loại và sản xuất kim loại

11

10

Khai khoáng

4

11

Dầu khí và lọc dầu

60

12

Bất động sản

18

13

Giao thông vận tải

17

14

Buôn bán hàng hóa không bền vững

11

15

Đồ gỗ và nội thất

3

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và dữ liệu được sử dụng là dữ liệu quá khứ nhằm thống kê mô tả và phân tích thực trạng các thương vụ M&A tại Việt Nam giai đoạn 2010-2021. Trên cơ sở đó, phương pháp nghiên cứu sự kiện (Event study) được sử dụng nhằm đánh giá tác động của mỗi thương vụ M&A tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và lợi ích của các nhà đầu tư. Từ đó cho thấy, muốn thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam, cần thiết làm rõ lợi ích thu được của doanh nghiệp và các nhà đầu tư sau mỗi thương vụ được thực hiện.

Phương pháp nghiên cứu sự kiện là một trong những phương pháp định lượng dùng để kiểm tra mức độ cũng như chiều hướng tác động của một sự kiện đến thị trường và được phát triển từ các nghiên cứu của Fama (1970) và Ball và Brown (2019). Mục tiêu của phương pháp nghiên cứu này là áp dụng những mô hình ước lượng và phổ biến như mô hình thị trường (market model) để tính toán lợi nhuận bất thường rồi đưa ra kết luận về mức độ tác động của sự kiện được xem xét lên tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thị trường.

THỰC TRẠNG M&A DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Tổng quan chung

Mặc dù thị trường M&A được hình thành tại Việt Nam từ năm 1999, nhưng thị trường này chỉ thực sự phát triển và thể hiện rõ nét xu hướng phát triển kể từ năm 2007. Theo Hình 1, làn sóng M&A tại thị trường Việt Nam trải qua nhiều đợt sóng khác nhau và nhìn chung những đợt sóng sau thường cao hơn những đợt sóng trước. Điểm đặc biệt có thể kể đến là có 3 đợt sóng chính xuất hiện, gồm: đợt 1 kéo dài từ năm 2008 đến năm 2013, đợt 2 từ năm 2014 đến năm 2017 và đợt 3 từ năm 2018 cho đến nay.

Từ năm 2008 trở về trước, hoạt động M&A cũng xuất hiện những đợt sóng nhưng chỉ dao động ở mức rất nhỏ về cả số lượng và khối lượng giao dịch do M&A chủ yếu diễn ra xoay quanh các doanh nghiệp nội địa nhằm tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2008-2013, làn sóng M&A đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn với tốc độ tăng trưởng thấp, sự bất ổn định của kinh tế vi mô, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Chính vì sự suy thoái này, các doanh nghiệp đã tiến hành tái cấu trúc để tồn tại và vượt qua trở ngại. Từ năm 2014 đến năm 2017, Việt Nam chứng kiến làn sóng M&A lần thứ hai, nhưng với một bối cảnh hoàn toàn khác. Vào thời điểm này, thị trường M&A tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoạt động sôi nổi hơn về cả giá trị và số lượng thương vụ M&A với tình hình kinh tế đang hồi phục, tái cơ cấu doanh nghiệp được chú trọng và các văn bản pháp luật, quy định khác được thông qua giúp nới lỏng các quy định về M&A làm thu hút dòng vốn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đợt sóng thứ hai đã đạt tới 20 tỷ USD tổng giá trị quy mô.

Đợt sóng thứ ba mà thị trường M&A tại Việt Nam phải trải qua diễn ra từ năm 2018 đến năm 2021. Điều đáng chú ý là ở đợt sóng này, nền kinh tế Việt Nam chứng kiện một sự suy thoái do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 gây ra. Bởi sự tác động tiêu cực này, tổng giá trị giao dịch M&A đã giảm đến 13% và đến năm 2020, thị trường M&A được dự đoán giá trị giao dịch chỉ còn 5,2 tỷ USD. Mặc dù vậy, thị trường M&A Việt Nam vẫn chống chọi được với điều kiện khách quan của môi trường và trở thành một trong những thị trường M&A tại ASEAN ít chịu ảnh hưởng nhất; trong đó vào năm 2021, tổng giá trị các thương vụ đã dần phục hồi theo đợt sóng thứ hai, với tổng giá trị các thương vụ M&A là 8,77 tỷ USD.

Đặc biệt, do tác động của đại dịch Covid-19, bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, quy mô bán lẻ truyền thống giảm, chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất tiềm ẩn rủi ro đứt gãy, thì với sự bùng nổ của Cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp đã dần hình thành và tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây trong sản xuất kinh doanh. Cách thức vận hành của các doanh nghiệp có thể thay đổi để tối ưu chi phí và mang lại sự tiện lợi hơn, như: làm việc hình thức trực tuyến, làm việc tại nhà, thương mại điện tử… Nhờ đó, công tác chuyển đổi số sẽ có một bước tiến lớn trong thời gian sắp tới và tổ chức, doanh nghiệp nào kịp thời nắm bắt một cách chủ động sẽ chiếm được ưu thế so với đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ cũng được dự báo tăng trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu của tác giả

Dữ liệu nghiên cứu thu thập được trải dài từ năm 2010 cho đến hết năm 2021, gồm tổng cộng 292 SMEs trong các lĩnh vực khác nhau, gồm: Nông – lâm – ngư nghiệp; Hóa chất; Buôn bán hàng hóa bền vững; Xây dựng; Dược; Điện – Khí đốt – Nước; Thực phẩm; Phái sinh và đầu tư; Kim loại và sản xuất kim loại; Khai khoáng; Dầu khí và lọc dầu; Bất động sản; Giao thông vận tải; Buôn bán hàng hóa không bền vững; Đồ gỗ và nội thất, đã thực hiện M&A được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Nghiên cứu cho thấy, SMEs hoạt động trong lĩnh vực Phái sinh và đầu tư, Dầu khí và lọc dầu chiếm số lượng các thương vụ nhiều nhất với khoảng 20% tổng các thương vụ. Tiếp đến là lĩnh vực xây dựng chiếm 17% tổng số lượng các thương vụ M&A giữa SMEs. Những lĩnh vực còn lại có tỷ lệ phân bổ đều cho nhau dao động từ 2% đến 6%. Tỷ lệ ít nhất thuộc về ngành Khai khoáng với khoảng 1% các thương vụ M&A thuộc về SMEs hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhóm các doanh nghiệp được đưa vào nghiên cứu đều hội tụ đầy đủ các đặc trưng ngành nghề và chủ yếu là các doanh nghiệp từ các lĩnh vực trọng điểm trong thời gian 12 năm từ ngày 27/05/2010 đến 25/8/2021 với 292 thương vụ M&A giữa SMEs được công khai. Như vậy, M&A được coi là công cụ thiết yếu trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự suy thoái kinh tế sau Covid-19.

Số liệu các thương vụ M&A mà SMEs tham gia vào thị trường M&A giảm mạnh từ năm 2018 đến năm 2021 (Hình 1). Trong đợt sóng M&A đầu tiên, số lượng các thương vụ giữa SMEs tăng dần đều qua các năm từ con số chỉ 18 thương vụ, số lượng đã tăng gần gấp đôi và đạt mức 32 thương vụ vào năm 2013. Đợt sóng thứ hai chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về số lượng của thương vụ này. Tuy có sự giảm nhẹ vào năm 2014 là 25 thượng vụ M&A giữa SMEs, con số này đã tăng vọt và đạt đỉnh trong toàn bộ giai đoạn nghiên cứu với số lượng 55 thương vụ M&A giữa SMEs vào năm 2015. Quãng thời gian sau tiếp theo, số lượng thương vụ M&A giảm dần và tổng số giao dịch cũng thấp nhất so với toàn bộ giai đoạn nghiên cứu. Trong đó, năm 2021 đạt mức thấp nhất, chỉ vỏn vẹn 4 giao dịch M&A xảy ra giữa SMEs tại Việt Nam.

Hình 1: Số SMEs tham gia M&A theo năm, giai đoạn 2010 2021

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bên cạnh đó, để có thể có cái nhìn tổng quan về xu hướng biến động của lợi nhuận bất thường. Hình 2 miêu tả lợi nhuận trung bình bất thường cho cửa sổ sự kiện (t-5; t+10). Theo đó, thời điểm 5 ngày trước khi công bố thông tin M&A, lợi nhuận bất thường trung bình giảm nhẹ từ 0,08% xuống còn 0,03% vào 2 ngày trước khi sự kiện diễn ra. Tuy nhiên sau đó, chỉ số này lại giảm đột ngột xuống -0,09 vào chính ngày công bố thông tin M&A và đồng thời ngày công bố thông tin chứng kiến lợi nhuận bất thường trung bình thấp nhất trong tổng cộng 15 ngày quan sát. Sau ngày công bố thông tin, lợi nhuận bất thường trung bình tăng trong những ngày còn lại và đạt mức cao nhất vào 10 ngày sau thông tin công bố M&A với giá trị là gần 2%.

Đối với thông tin công bố M&A, dựa theo kết quả nghiên cứu nhận được, những nhà đầu tư ngắn hạn, nên mua cổ phiếu vào ngày công bố thông tin M&A và bán ra vào ngày t+5 và t+10 đối với các lĩnh vực lần lượt là: Nông – lâm – ngư nghiệp và Buôn bán hàng hóa không bền vững hoặc trong trường hợp nhà đầu tư đã sở hữu cổ phiếu ngành Thực phẩm trước đó, mà chỉ muốn kiếm lợi nhuận lướt sóng, nên bán cổ phiếu lĩnh vực này ngay ngày công bố thông tin M&A. Còn những nhà đầu tư dài hạn nên mua cổ phiếu các ngành: Hóa chất, Khai khoáng, Dầu khí và lọc dầu, Bất động sản vào ngày công bố thông tin M&A.

Hình 2: Biều đồ lợi nhuận bất thường trung bình (%) cho cửa sổ sự kiện (t-5; t+10)

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
Nguồn: Tác giả tổng hợp

Một số đánh giá

Nhìn chung, số lượng các thương vụ M&A có tăng lên về quy mô và giá trị giao dịch. Các thương vụ M&A cũng bao phủ trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Kết quả đánh giá tác động của lợi nhuận bất thường từ các thương vụ M&A công bố cho thấy, thông tin của các thương vụ M&A đã được bảo mật trước khi sự kiện diễn ra tránh những lợi ích bất thường của một nhóm nhà đầu tư có thông tin sớm. Vì vậy, kết quả cho thấy chưa có những biến động đáng kể về lợi nhuận bất thường từ các sự kiện M&A diễn ra đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thực trạng hoạt động M&A giữa các SMEs vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:

Thứ nhất, M&A không không còn là khái niệm mới tại Việt Nam, tuy nhiên đối với các SMEs, những sự kiện liên quan đến M&A giữa SMEs vẫn chưa được chuẩn bị kỹ càng. Những doanh nghiệp này chưa chuẩn bị chu đáo trong việc lập kế hoạch cụ thể, cũng như chưa đưa ra thông báo và triển khai kế hoạch. Do vậy, tâm lý nhà đầu tư chưa chịu nhiều tác động từ thông tin của các doanh nghiệp này vào ngày công bố M&A.

Thứ hai, tâm lý các nhà đầu tư vẫn quan tâm tới các thương vụ M&A mang tính nhỏ lẻ, manh mún giữa SMEs, vì kỳ vọng vào những cổ phiếu này không mang lại lợi nhuận cao. Thay vào đó, những thương vụ mang yếu tố nước ngoài hoặc sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn hoặc siêu lớn sẽ dễ dàng gây sức hút đối với các nhà đầu tư hơn. Vì vậy, những thông tin công bố M&A giữa SMEs vẫn chưa thực sự gây ấn tượng cho các nhà đầu tư, cũng như các doanh nghiệp khác, những thông tin này phần nào sẽ lép vế hơn so với những thông tin được công bố bởi các công ty lớn và các công ty FDI.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH NHẰM THÚC ĐẨY M&A DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Đối với doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt, cẩn thận các thông tin liên quan đến hoạt động M&A. Bên cạnh đó, các hình thức xử phạt cũng như chế tài cũng cần được đặt ra đối với những đối tượng gây ra sự rò rỉ thông tin làm ảnh hưởng nặng nề tới doannh nghiệp và tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Hơn thế, để có thể đạt được hiệu quả lợi nhuận, thu được nguồn lợi và giá trị cộng hưởng từ M&A, các doanh nghiệp đi mua cần cân nhắc kỹ lưỡng khi công ty chấp nhận hợp nhất không phải trở thành công ty con. Bên cạnh đó, trước mỗi thương vụ M&A, SMEs cần chuẩn bị một cách kỹ lưỡng về kế hoạch đề ra, cách thức phát tán và lan tỏa thông tin công bố vào ngày sự kiện diễn ra, nhấn mạnh tầm quan trong của giao dịch này nhằm thu hút lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với nhà đầu tư

Nhà đầu tư cần mang tâm thế chủ động nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất để kịp thời đưa ra quyết định liệu thời điểm nào nên mua và nên bán cổ phiếu trong khoảng thời gian xảy ra sự kiện. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần quan tâm tới chi phí giao dịch bởi hiệu quả của thị trường ở mức trung bình nếu điều chỉnh không quá nhanh hoặc mang lại lợi ích quá nhỏ sẽ không thể bù đắp lại phần chi phí giao dịch quá lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức lợi nhuận mà nhà đầu tư đạt được.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, giá trị chứng khoán của hầu hết các lĩnh vực mà SMEs tham gia M&A đều cho giá trị âm (trừ hai lĩnh vực Nông – lâm – ngư nghiệp và Buôn bán hàng hóa không bền vững) trong ngắn hạn. Điều này cho thấy, chủ yếu SMEs trong các lĩnh vực không nhận được lợi nhuận cao trên trung bình ngoại trừ hai lĩnh vực: Nông – lâm – ngư nghiệp và Buôn bán hàng hóa không bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian ngắn hạn, các doanh nghiệp thuộc 2 lĩnh vực này nếu thực hiện M&A có thể đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mình. Trên giác độ đầu tư, các nhà đầu tư cần sự nhạy bén trong việc nắm bắt lợi nhuận bất thường ở các lĩnh vực khác nhau để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Đối với các cơ quan quản lý

Để có thể nâng cao hiệu quả của các thương vụ M&A, đem lại lợi nhuận và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, các cơ quan quản lý nên bảo vệ các công ty trong nước dưới tác động của các tập đoàn nước ngoài và cải thiện luật pháp kinh doanh tại Việt Nam. Một trong những giải pháp thực tiễn là ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện M&A, bằng cách này khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước sẽ ngày càng được nâng cao./.

Đỗ Hồng Nhung – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Ball, R. and Brown, P. (2019), Ball and Brown (1968) after fifty years. Pacific-Basin Finance Journal, 53, 410-431, https://doi.org/10.1016/j.pacfin.2018.12.008.

2. Fama, E. (1970), Efficient Capital Markets: A Review of Theory and Empirical Work, Journal of Finance, 25, 383-417.

3. Nguyễn Như Ý (2022), Tác động của việc mua bán và sáp nhập đối với hiệu quả của các doanh nghiệp ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

4. Thúy Quyên (2021). Hội nghị bàn tròn: Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA, truy cập từ https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2021/Hoi-nghi-ban-tron-Khu-vuc-doanh-nghiep-nho-va-vua–127111.aspx.