Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro
Tọa đàm “Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em – Những lưu ý quan trọng”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, trẻ em là tương lai của đất nước, do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm hết sức to lớn cho trẻ em. Vừa qua, Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng theo định hướng đó. Tiêm chủng vaccine COVID-19 lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Do vậy, “các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho các cháu. Bởi, xét từ góc độ thương con, thì phải bảo vệ con tốt hơn, thương con, thì phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của con mình. Nhìn từ góc độ quyền của trẻ em, thì đây là quyền được tiêm chủng, quyền không bị lây nhiễm bệnh tật. Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.

Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro
TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ, các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm vaccine COVID-19 cho các cháu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi ở các nước trên thế giới, PGS, TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2/2022 mới đây, chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Đây là những vaccine đã được sử dụng tại My và các quốc gia châu Âu với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đối với các quốc gia châu Á, như: Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia là những nước gần Việt Nam cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của WHO và của nhà sản xuất, thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam chúng ta đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Cần có những quan tâm đặc biệt đối với nhóm tuổi chưa được tiêm chủng

Cũng tại buổi tọa đàm, thông tin về tình hình điều trị cho trẻ em mắc COVID-19, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỷ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%. Tuy nhiên, nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi chiếm tỷ lên đến 8% (trong tổng số 19,3%), đây là nhóm mà chúng ta hết sức lưu ý.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, với những kinh nghiệm thu nhận được từ các đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh hay của một số chuyên gia khác, thì chúng tôi cũng đã lên kế hoạch rất cẩn thận cho khu vực Hà Nội. Chúng tôi triển khai pháp đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành dành cho trẻ em, sau đó, đưa vào triển khai trong thực tế tại khu vực Hà Nội. Ở Hà Nội, do phủ được vaccine tốt ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu. Nhưng với nhóm tuổi chưa được tiêm chủng, nhóm trẻ bị bệnh nền, chúng ta cần có những quan tâm đặc biệt.

Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi mắc COVID-19 chiếm tỷ lên đến 8%. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương có tiếp nhận 200 em bé đến khám bệnh. Sau khi sàng lọc có hàng trăm em bị COVID-19, các em chủ yếu ở các nhóm tuổi chưa được tiêm chủng dưới 12 tuổi và đặc biệt là những hậu quả của hậu COVID-19 ở trẻ em. Trong TP. Hồ Chí Minh, PGS. Hùng cũng gặp rất nhiều trường hợp mắc chứng viêm đa hệ thống các cơ quan. Với tình trạng này sẽ gây ra các tổn thương đối với hệ thống tuần hoàn, gây ra suy đa cơ quan.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, hiện tại ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi thống kê con số khoảng 16 bệnh nhân tất cả, đều ở nhóm dưới 11 tuổi chưa được tiêm phòng. Chúng ta đang nói về các trường hợp mắc trong thời gian vừa qua, ở độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn.

Vấn đề nữa là tình trạng bệnh lý hiện tại cần phải nhập viện và những tình trạng hậu COVID, thì chúng ta cũng nhắc nhiều đến nhóm tuổi dưới 11 tuổi. Dù chưa có số liệu thống kê một cách chắc chắn và cụ thể, nhưng chúng ta đều có thể nhìn thấy được qua thực tế công việc là nhóm tuổi từ 12 đến 18 tuổi có mắc thì cũng ở thể nhẹ, không đến mức độ chuyển nặng phải nhập viện hoặc có thể tử vong. Đây là vấn đề chúng ta hết sức lưu ý những con số và thực tế như vậy.

Từ những số liệu thực tế về trẻ mắc COVID-19, PGS.TS. Trần Minh Điển cho rằng, đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, các bậc phụ huynh đều lo lắng. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã tiêm vaccine cho người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi an toàn. Vaccine Pfizer được dùng để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, FDA đã cấp phép khẩn cấp vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

“Bản chất của vaccine Pfizer là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng”, PGS.TS. Trần Minh Điển cho hay.

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy, trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vaccine nếu mắc COVID-19. Cùng với đó là những di chứng hậu COVID-19 cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ mà chưa được nghiên cứu hết.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trước việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em, phụ huynh vẫn thường hay có những lo lắng. Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ và châu Âu cũng đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ trước khi cấp phép vaccine để đưa vào sử dụng. Dẫn chứng là, đối với vaccine Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer, thì không có trường hợp nào sốc phản vệ.

Vì vậy, “việc tiêm vaccine cho trẻ ở lứa tuổi từ 5-11 tuổi sẽ tạo được những “mảnh ghép” cuối cùng, rất quan trọng trong bức tranh phòng, chống COVID-19 ở nước ta. Khi đó, học sinh sẽ được yên tâm đi học trở lại và phát triển bình thường”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng khẳng định./.