Mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh
“Về điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, do NHNN vừa tổ chức.
Cũng theo ông Tú, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay. Trên cơ sở chỉ đạo điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh, qua đó góp phần hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Ông Đào Minh Tú cho biết, công tác xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh được NHNN quan tâm chỉ đạo và TCTD tập trung triển khai thực hiện. Nguồn: SBV |
Tỷ giá được điều hành linh hoạt, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài cùng với việc triển khai thực hiện tốt công tác truyền thông, nhờ đó, tâm lý thị trường đã bình ổn trở lại, thanh khoản ngoại tệ ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tỷ giá giao dịch trên thị trường về cơ bản ổn định và có xu hướng giảm trong một số giai đoạn.
Cũng theo Phó Thống đốc, về điều hành tín dụng, tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Từ cuối tháng 3 đến nay, tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng phục hồi và cải thiện. Kết thúc quý II/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, hoàn thành mục tiêu “phấn đấu đến hết quý II/2024 đạt 5-6%” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều thách thức lớn, nhưng toàn ngành Ngân hàng với tinh thần trách nhiệm cao, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Về cơ bản trong 6 tháng, lạm phát được kiểm soát, nhiều dự báo cho thấy khả năng lạm phát đạt được trong vùng mục tiêu đã đề ra của năm 2024 là rất cao. Đồng thời, chính sách tiền tệ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, an toàn hệ thống được đảm bảo…”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá.
Theo ông Đào Minh Tú, về công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Đến nay, hầu hết các TCTD đã hoàn thành xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang tích cực triển khai thực hiện.
Ông Trần Minh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietinbank cho biết, đến ngày 22/7, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đạt 7%. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng dưới sự chỉ đạo sâu sát của NHNN. Vietinbank cũng quản trị rất chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và NHNN đưa ra. |
Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường và chú trọng đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nguồn lực hiện có và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình hoạt động của các TCTD được giám sát chặt chẽ và nhận diện, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn kịp thời để cảnh báo, chấn chỉnh.
Công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết, các văn bản hướng dẫn Luật các TCTD. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị định, 01 Quyết định và ban hành 42 Thông tư.
“Về cơ bản, các đơn vị triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024. Các mặt công tác khác tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực…”, ông Tú đánh giá.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt; từng bước quản lý hiệu quả thị trường vàng, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Luật các TCTD có hiệu lực từ 1/7/2024. Các cơ chế, chính sách được ban hành phù hợp, sát với thực tiễn và đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực. Những tháng cuối năm 2024, nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Thống đốc NHNN, cùng với sự nỗ lực của các TCTD…, ngành Ngân hàng sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Không lơ là, chủ quan trước những rủi ro, bất trắc
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, từ đó toàn Ngành nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra của năm 2024. Những điểm sáng, tín hiệu tích cực của kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm mặc dù là tiền đề, tạo đà bứt phá cho thời gian tới, tuy nhiên không thể lơ là, chủ quan trước những rủi ro, bất trắc, những áp lực, thách thức từ bên ngoài. Do đó, bám sát mục tiêu, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, quan điểm điều hành nhất quán của NHNN, đó là: Tiếp tục kiên định hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nguồn: SBV |
Thống đốc yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục bám sát Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 và Chương trình hành động của NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024, chỉ đạo của các Phó Thống đốc tại Hội nghị và các văn bản NHNN đã chỉ đạo để tập trung triển khai quyết liệt, nghiêm túc, có kết quả nhằm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của 6 tháng cuối năm, cũng như của cả năm 2024.
Theo Thống đốc, Ttrong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cần được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng…
Về hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, Thống đốc cho biết, NHNN đang tiến hành xây dựng, để trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD 2024, để đảm bảo thực hiện đồng bộ với các quy định của Luật Các TCTD 2024. Các đơn vị chức năng đã tham mưu cho NHNN ban hành nhiều thông tư quan trọng, vì thế các TCTD cần chú trọng phổ biến, quán triệt thông tư tới toàn hệ thống, đảm bảo thông tư đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
“Các TCTD chú trọng nâng cao quản trị, điều hành, dự báo từ sớm, từ xa các nguy cơ để đảm bảo an toàn hệ thống. Hoạt động quản trị rủi ro của các TCTD phải bao quát, toàn diện với tất cả các mặt hoạt động. Các TCTD phải thường xuyên rà soát, đối chiếu để kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả, phối hợp với sở, ban ngành địa phương để nắm bắt thông tin kịp thời. Cùng với đó là nâng cao vai trò của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ…”, bà Hồng lưu ý./.