Tín dụng tại Việt Nam cần nới lỏng hơn trước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế
Ông Nitin Kapoor cho biết, thanh khoản và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng của năm 2022

Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam mới đây, ông Nitin Kapoor cho biết, trong năm đầu tiên Hiệp định Thương mại Tự do giữa hai nước có hiệu lực, Hiệp định đã mang đến tăng trưởng hơn 16% trong thương mại giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu nhiều tác động từ đại dịch, nên khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi, BritCham nhận thấy triển vọng của cộng đồng doanh nghiệp Anh tại Việt Nam là khá lạc quan. BritCham cho rằng, với các chính sách tiền tệ đúng đắn và sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ Trung ương, các công ty và rộng hơn là nền kinh tế có thể nhanh chóng trở lại mức tăng trưởng và phát triển trước đây trước khi đại dịch bùng nổ.

Lãnh đạo BritCham lưu ý, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm và hành động của các nước khác để tối đa hóa hiệu quả và tốc độ phục hồi, cũng như đảm bảo đất nước không bị tụt hậu khi mở cửa lại nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Một trong những yếu tố quan trọng của sự phục hồi này sẽ là việc mở lại biên giới cùng với một bộ các quy tắc và quy định nhập cảnh quốc gia để cho phép các doanh nhân và khách du lịch quay trở lại một cách an toàn, một lần nữa đảm bảo rằng lợi thế cạnh tranh không bị từ chối và nhường lại cho các đối thủ trong khu vực.

Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam tin rằng, việc hạn chế và loại bỏ các yêu cầu kiểm dịch và nối lại các điều kiện nhập cảnh sẽ hỗ trợ không chỉ các doanh nhân quốc tế, mà còn các doanh nhân địa phương trong lĩnh vực du lịch và kinh doanh. Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, lạm phát sẽ là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Dữ liệu các năm trước đây cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường cao hơn các quốc gia khác, BritCham tin rằng, việc chú ý thường xuyên vào khía cạnh này trong chính sách kinh tế quốc gia để đảm bảo Việt Nam tránh không để tái diễn hiện tượng bong bóng tài sản làm đẩy cao lạm phát, từng diễn ra từ năm 2010 đến năm 2012. Do đó, sẽ giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

BritCham cũng tin rằng, thanh khoản và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng của năm 2022 và trong tương lai trung hạn. BritCham tin tưởng vào một quy định linh hoạt hơn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng có thể hỗ trợ các công ty với giới hạn cho vay lớn hơn mức họ đã đưa ra trước đây. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ chỉ thực sự được hiện thực hóa nếu các doanh nghiệp có khả năng thực hiện các kế hoạch của mình và không bị kìm hãm bởi tính thanh khoản hạn chế, do số lượng và thời hạn cho vay không linh hoạt.

Tín dụng tại Việt Nam cần nới lỏng hơn trước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế
Theo Britcham, chìa khóa để tối đa hóa thành công là chính sách của Việt Nam cần mạnh mẽ và nhất quán, cho phép các doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển.

Liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và các cam kết gần đây của Chính phủ nhằm đạt được vị thế trung lập carbon, đại diện BritCham nhận định, đây là bước khởi đầu của hành trình Việt Nam và rất mong muốn làm việc với Chính phủ về các chính sách và quy định mới sẽ được áp dụng để giúp đạt được những cam kết này. “Việt Nam cần có một lộ trình rõ ràng và minh bạch về thực thi phát triển bền vững. Làm rõ vai trò của khu vực tư nhân và việc tuân thủ các thông số là rất quan trọng”, ông Nitin Kapoor nói.

Cũng theo ông Nitin Kapoor, đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhu cầu lớn về trình độ giáo dục quốc tế ở mọi lứa tuổi để đảm bảo rằng, nhân tài của Việt Nam có thể đóng góp và đạt được mục tiêu quốc gia và doanh nghiệp cũng như Chính phủ Anh mong muốn mở rộng liên kết trong lĩnh vực này để giúp Việt Nam đạt được tham vọng của mình. Để tổng kết lại, triển vọng và đóng góp của các doanh nghiệp Anh vào quá trình tái tạo và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực.

Chìa khóa để tối đa hóa thành công là chính sách mạnh mẽ và nhất quán cho phép các doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển. Việt Nam cũng phải duy trì tập trung vào cải cách chính sách và tinh giản các quy trình hành chính. Ông Nitin Kapoor khẳng định, Hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ các bước tiếp theo để Việt Nam từ trạng thái “bình thường mới” trở lại trạng thái bình thường./.