Cái chết của Anna Sebastian Perayil (26 tuổi) – kế toán viên công chứng làm việc làm việc tại Ernst & Young (EY) ở Pune (Ấn Độ) đang nhận về sự quan tâm của dư luận Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung. Mẹ của Anna – bà Anita Augustine đã khẳng định con gái mình qua đời do làm việc quá sức và gửi bức thư dài 3 trang A4 cho ông Rajiv Memani – Chủ tịch EY.
Tại đây, bà kể về câu chuyện của con gái mình và nhấn mạnh chuyện làm việc quá mức bất kể ngày đêm trong bộ máy công ty. Từng lời lẽ của người mẹ khiến người đọc xót xa.
Dưới đây là toàn bộ bức thư của người mẹ đau khổ:
“Từ, Anita Augustine, mẹ của cô gái xấu số Anna Sebastian Perayil
Gửi, Rajiv Memani, Chủ tịch EY Ấn Độ.
Tôi viết lá thư này với tư cách một người mẹ đang đau buồn vì đã mất đi đứa con quý giá của mình, Anna Sebastian Perayil. Trong khi viết những dòng này, trái tim tôi nặng trĩu và linh hồn tôi tan vỡ nhưng tôi tin rằng mình việc chia sẻ câu chuyện của chúng tôi là cần thiết để không có gia đình nào khác phải chịu đựng nỗi đau mà chúng tôi đang trải qua.
Anna đã vượt qua kỳ thi kế toán viên công chứng (CA) vào tháng 11/2023 và gia nhập EY Pune vào ngày 19/3/2024. Con gái tôi là người tràn đầy sức sống, có nhiều hoài bão và mơ ước vào tương lai. EY là nơi làm việc đầu tiên của Anna và con bé rất vui mừng khi được trở thành một phần của công ty danh tiếng như vậy. Nhưng 4 tháng sau, vào ngày 20/7/2024, thể giới của tôi sụp đổ khi tôi nhận được tin Anna đã qua đời. Anna của tôi chỉ mới 26 tuổi.
Anna luôn là một chiến binh, từ thời thơ ấu cho đến những năm học đại, thể hiện sự xuất sắc trong mọi công việc. Con bé là một trong những học sinh giỏi nhất trường và cũng là sinh viên giỏi ở trường đại học, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa và vượt qua kỳ thi CA của mình với kết quả xuất sắc. Anna đã làm việc không biết mệt mỏi tại EY, cống hiến hết mình để đáp ứng những yêu cầu được đặt ra.
Tuy nhiên, khối lượng công việc, môi trường mới và thời gian làm việc kéo dài đã ảnh hưởng về mặt thể chất, cảm xúc và tinh thần. Anna bắt đầu cảm thấy lo lắng, mất ngủ và căng thẳng ngay sau khi đi làm ở EY nhưng vẫn tiếp tục cố gắng bản thân, tin rằng làm việc chăm chỉ và kiên trì là chìa khóa thành công.
Vào thứ bảy, ngày 6/7,vợ chồng tôi đã đến Pune để tham dự lễ tốt nghiệp CA của Anna. Vì con gái đã phàn nàn về tình trạng tức ngực vào đêm muộn (khoảng 1h sáng) trong suốt tuần qua nên chúng tôi đưa Anna đến bệnh viện để khám. Kết quả điện tâm đồ bình thường, bác sĩ tim mạch đã xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng tôi, ông cho rằng nguyên nhân là do Anna ngủ đủ giấc và ăn uống quá muộn. Ông cũng kê đơn thuốc nên chúng tôi cho rằng vấn đề không quá nghiêm trọng. Dù bố mẹ lặn lội từ Kochi đến và vừa khám bệnh xong nhưng Anna vẫn muốn đi làm, con bé bảo có rất nhiều việc phải làm và không được nghỉ phép. Đêm đó, Anna lại đi làm về muộn…
Chủ nhật, ngày 7/7, ngày nhận bằng tốt nghiệp, Anna đã ở cùng chúng tôi vào buổi sáng. Nhưng buổi chiều, con bé vẫn vẫn làm việc ở nhà cho đến tận chiều nên chúng tôi đến địa điểm làm lễ muộn.
Ước mơ lớn nhất của con gái tôi là đưa bố mẹ đến dự lễ tốt nghiệp bằng chính số tiền mà tự tay kiếm được. Anna đã đặt vé máy bay cho chúng tôi, đưa chúng tôi đến Pun. Tôi rất đau lòng khi phải nói với anh rằng ngay cả trong 2 ngày đó – những ngày cuối cùng chúng tôi được ở cạnh con gái, Anna cũng không thể tận hưởng trọn vẹn vì áp lực công việc.
Khi Anna gia nhập team, con bé được thông báo rằng nhiều nhân viên đã từ chức do khối lượng công việc quá lớn. Người quản lý nhóm nói với nó: “Anna, cô phải ở lại và thay đổi quan điểm của mọi người về nhóm của chúng ta”. Con tôi không nhận ra rằng nó sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Quản lý của Anna thường sắp xếp các cuộc họp trong thời gian diễn ra các trận đấu cricket và giao việc cho con gái tôi vào cuối ngày, khiến con bé thêm căng thẳng. Trong một bữa tiệc công ty, một lãnh đạo cấp cao thậm chí còn nói đùa rằng Anna sẽ gặp khó khăn khi làm việc dưới quyền quản lý của mình. Điều này, thật không may, đã trở thành hiện thực mà nó không thể thoát ra.
Anna từng tâm sự với chúng tôi về khối lượng công việc quá lớn, đặc biệt là các đầu việc bổ sung được giao thêm, ngoài công việc chính thức. Tôi đã bảo con bé không nên nhận những nhiệm vụ như vậy nhưng quản lý thì không ngừng đòi hỏi. Anna làm việc đến tận khuya, toàn bộ cuối tuần và không có thời gian để thở. Có lần trợ lý của quản lý đã gọi điện cho Anna vào ban đêm và giao nhiệm vụ cần hoàn thành vào sáng hôm sau nên không thể nghỉ ngơi hoặc hồi phục sức lực. Khi bày tỏ lo ngại của mình, con bé nhận được câu trả lời thờ ơ: “Ban đêm cũng có thể làm việc, đó là điều tất cả chúng tôi đều làm”.
Mỗi ngày, Anna trở về phòng trong tình trạng kiệt sức, đôi khi ngã gục trên giường mà không thay quần áo và tiếp tục nhận những tin nhắn yêu cầu thêm báo cáo. Con gái tôi đã nỗ lực hết mình, làm việc rất chăm chỉ để đáp ứng các deadline. Anna là một chiến binh thực thụ, không phải là người dễ dàng từ bỏ. Chúng tôi đã bảo con bé nghỉ việc nhưng nó muốn học hỏi và tiếp xúc với những điều mới. Tuy nhiên, áp lực quá lớn đã chứng tỏ là quá sức ngay cả với Anna.
Anna không bao giờ đổ lỗi cho quản lý của mình. Con bé quá tử tế khi làm vậy. Nhưng tôi không thể im lặng. Việc đè bẹp người mới bằng công việc nặng nhọc, bắt họ làm việc ngày đêm, thậm chí cả chủ nhật, là không thể biện minh được. Anna vừa rời gia đình và những người thân yêu. Mọi thứ đều mới mẻ – công việc, nơi ở, ngôn ngữ – và con bé đang cố gắng hết sức để thích nghi. Đáng lẽ nên thể hiện sự quan tâm đến nhân viên mới thì thay vào đó, quản lý đã lợi dụng việc con bé là người mới và giao cho nó cả những việc nằm ngoài nhiệm vụ chính thức.
Đây là một vấn đề mang tính hệ thống, vượt xa phạm vi của từng quản lý hoặc nhóm. Liên tục đòi hỏi, tạo áp lực phải đáp ứng những kỳ vọng không thực tế không phải là cách làm việc bền vững và chúng tước đi mạng sống của một cô gái trẻ với những tiềm năng lớn lao.
Anna là một chuyên viên trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp. Giống như nhiều người khác ở cùng vị trí, con bé không có kinh nghiệm hoặc khả năng để đặt ra ranh giới hoặc phản đối những yêu cầu vô lý. Anna không biết cách nói không. Anna cũng đang cố gắng chứng tỏ bản thân trong một môi trường mới và khi làm như vậy, con bé đã tự đẩy mình vượt quá giới hạn. Và giờ đây, Anna không còn nữa…
Ước gì tôi có thể bảo vệ con gái mình, nói với con bé rằng sức khỏe và hạnh phúc của nó quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Nhưng giờ thì đã quá muộn đối với Anna của tôi…
Rajiv, tôi viết thư cho anh vì tôi tin rằng EY có trách nhiệm sâu sắc trong việc đảm bảo hạnh phúc cho nhân viên của mình. Trải nghiệm của Anna đã phơi bày một nền văn hoá tôn vinh làm việc quá sức và bỏ bê những con người đứng phía sau công việc đó. Đây không chỉ là vấn đề của con gái tôn mà là vấn đề của mọi nhân viên trẻ gia nhập EY đầy hy vọng và ước mơ để rồi bị đè nặng dưới gánh nặng của những kỳ vọng không thực tế. Tôi đã dành thời gian để đọc “Tuyên bố về quyền con người” của EY, có chữ ký của anh. Tôi không thể nào dung hòa giữa những giá trị được bày tỏ trong bản tuyên bố đó với thực tế mà con gái tôi đã phải đối mặt. Làm thế nào EY có thể bắt đầu thực sự làm theo những giá trị mà mình tuyên bố?
Cái chết của Anna nên là lời cảnh tỉnh cho EY. Đã đến lúc phải suy ngẫm về văn hóa làm việc trong công ty của anh và thực hiện các bước có ý nghĩa để ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên. Điều này có nghĩa là tạo ra một môi trường mà nhân viên cảm thấy an toàn khi lên tiếng, nơi mà họ được hỗ trợ trong việc quản lý khối lượng công việc của mình và là nơi sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của họ không bị hy sinh vì hiệu suất công việc.
Không ai từ EY tham dự đám tang của Anna. Sự vắng mặt vào thời khắc quan trọng như vậy đối với một nhân viên đã cống hiến hết mình cho công ty đến hơi thở cuối cùng, là điều vô cùng đau đớn.
Anna xứng đáng được tốt hơn và tất cả nhân viên tiếp tục làm việc trong điều kiện như vậy cũng thế. Tôi đau lòng không chỉ vì mất con mà còn vì thiếu sự cảm thông và chia sẻ của những người đáng lẽ phải hướng dẫn, hỗ trợ con bé. Sau đám tang của Anna, tôi đã liên lạc với các quản lý của con bé, nhưng không nhận được hồi âm. Tại sao một công ty nói về các giá trị và quyền con người lại không thể hiện sự quan tâm đến nhân sự của mình trong những giây phút cuối đời?
Trở thành một kế toán viên công chứng đòi hỏi nhiều năm học tập gian khổ và hy sinh – không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với cả bậc cha mẹ. Bao nhiêu năm chăm chỉ và cố gắng của con tôi đã bị dập tắt chỉ vì thái độ vô cảm của EY trong 4 tháng.
Tôi hy vọng bức thư này đến được tay anh với sự nghiêm túc mà nó đáng có.
Tôi không biết liệu có ai có thể thực sự hiểu được cảm xúc của một người mẹ khi cô ấy chôn cất đứa con của mình – đứa trẻ mà cô ấy đã bồng bế trên tay, chứng kiến nó lớn lên, chơi đùa, khóc lóc và chia sẻ những giấc mơ với nó – trừ khi họ đã trải qua nỗi đau tương tự.
Tôi hy vọng trải nghiệm của con tôi sẽ dẫn đến sự thay đổi thực sự để không có gia đình nào khác phải chịu đựng nỗi đau và tổn thương mà chúng tôi đang trải qua. Anna của tôi không còn nữa, nhưng câu chuyện của cô ấy vẫn có thể tạo nên sự khác biệt.
Trân trọng, Anita Augustine”.
(Time of India)