“Làm thế nào để tạo thuận lợi tối đa, hiệu quả nhất cho công dân được kiến nghị, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của mình đúng pháp luật. Các cơ quan phải biết lắng nghe dân nói; tránh phiền hà, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, khi vừa làm việc với Ban Tiếp công dân Trung ương tại TP. Hà Nội.

Tránh phiền hà, sách nhiễu trong tiếp công dân
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân là rất quan trọng… Ảnh: Quốc hội

Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ, năm 2021, tuy chịu tác động phức tạp của đại dịch Covid-19, nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn coi tiếp công dân là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong năm qua, Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp thường xuyên hơn 4.872 lượt công dân đến trình bày 1.584 vụ việc; giảm 59,2% số lượt người, giảm 44,3% số vụ việc và giảm 56,8% số lượt đoàn đông người so với cùng kỳ năm 2020. Ban Tiếp công dân Trung ương đã phối hợp với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tiếp công dân tại trụ sở trong việc xử lý đơn thư của công dân, tổ chức gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, chúng ta lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của hoạch định chính sách. Vì vậy, khâu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân là việc rất quan trọng, nó vừa là việc “tiền” vừa là “hậu”, đồng thời phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tiếp công dân, quá trình thực hiện thì sơ tổng kết, đánh giá kịp thời để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân trong thời gian tới, Ban Tiếp công dân Trung ương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với thực tế. Ban cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát ở một số địa phương có vụ việc khiếu kiện bức xúc, đông người, phức tạp, kéo dài, có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Giải đáp kiến nghị trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đều đã đưa vào 137 nhiệm vụ pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ này để sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ cần xúc tiến sớm để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ và 7 cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân cần tiếp tục tăng cường phối hợp; mong muốn các cơ quan tham gia nhiều ý kiến giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”, để cuộc giám sát có chất lượng, hiệu quả, qua đó phát hiện những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, những tác động làm gia tăng khiếu nại, tố cáo; có những kiến nghị cụ thể, hoàn thiện các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn…/.