Dựa trên phân tích năm 2021 và dự báo về ngành, về sức bật của từng ngân hàng, SSI Research cho điểm cộng với triển vọng các doanh nghiệp gồm VCB, ACB, MBB, CTG, TCB.

Dấu ấn tăng trưởng năm 2021

SSI Research cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt +7,9% so với đầu năm. Điểm nổi bật trong bức tranh tín dụng là khoảng cách tăng trưởng tín dụng được thu hẹp giữa các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) và các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN).

Triển vọng ngành ngân hàng năm 2022: Điểm cộng cho VCB, MBB, CTG, TCB, ACB
Năm 2022, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và dự phòng rủi ro tín dụng mạnh như TCB, MBB và ACB sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Nguồn tin từ MBB cho biết, năm 2021, tỷ lệ nợ xấu toàn Tập đoàn duy trì ở mức 0,78%, nợ xấu riêng Ngân hàng ở mức 0,64%. Quỹ dự phòng của Ngân hàng bao phủ khoảng 400% nợ xấu – đây là mức cao nổi bật trong toàn ngành. Hệ số an toàn vốn CAR tại MBB ở mức 11%.

Động lực tăng trưởng chính là cho vay bán lẻ tại ACB, TCB, TPB, VIB và CTG. Trong khi đó, BID, VCB, VPB, SHB và STB có mức tăng trưởng cân bằng hơn ở cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Khoảng cách tăng trưởng tín dụng được thu hẹp giữa NHTMCP (10,5% so với đầu năm và 12,9% trong 9 tháng đầu năm 2020) và NHTMNN (8,9% so với đầu năm và 3,4% trong 9 tháng đầu năm 2020).

Dấu ấn tiếp theo của năm 2021 là môi trường lãi suất tương đối ổn định, duy trì ở mức thấp trong cả năm. Lãi suất cho vay và huy động bình quân tại các ngân hàng SSI Research nghiên cứu lần lượt là 8,1% và 3,69%. Trong năm, cũng không có thay đổi về lãi suất điều hành. Do dư địa cho việc tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động không còn, tăng trưởng thu nhập lãi ròng (NII) phụ thuộc vào khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ và tối ưu hóa cơ cấu tài sản (gia tăng hệ số LDR và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn).

Triển vọng ngành ngân hàng năm 2022: Điểm cộng cho VCB, MBB, CTG, TCB, ACB

Cuộc cạnh tranh giành thị phần tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn diễn ra căng thẳng, các ngân hàng chiếm ưu thế bao gồm TCB, VPB, MBB và TPB – đây là các ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số mạnh và có các chương trình miễn phí chuyển khoản. Trong khi đó, VCB, BID, STB, SHB và LPB đã mất một số thị phần CASA so với đầu năm do những động thái chậm hơn trong khi triển khai các gói miễn phí giao dịch.

Điểm đáng nhớ khác của năm 2021 là, tận dụng môi trường vốn rẻ, các ngân hàng đã phát hành trái phiếu trung hạn với lãi suất thấp hơn so với 2-3 năm trước đây (ACB, TPB, VPB), hoặc tìm cách huy động vốn dài hạn ở nước ngoài (TCB, VPB, MSB, OCB, HDB, VIB…) để tối đa hóa lợi ích huy động vốn. Các ngân hàng cũng đã công bố nhiều phương án tăng vốn điều lệ, có 9 trong số 14 ngân hàng SSI Research nghiên cứu công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu mới (chiếm khoảng 2,5% – 15% vốn điều lệ). Tuy nhiên, chỉ có TPB hoàn thành phát hành riêng lẻ trong năm 2021.

Các ngân hàng còn lại như BID, VCB, MBB, VPB, OCB, LPB và SHB có thể hoãn kế hoạch tăng vốn đến năm 2022, tăng dư địa thêm cho việc tối ưu hóa chi phí huy động vốn.

Tăng tốc kênh ngân hàng số cũng là cuộc đua chung của các ngân hàng trong năm qua. Việc tiếp cận khách hàng thông qua các kênh số đã trở nên phổ biến sau khi NHNN chính thức phê duyệt eKyc với Thông tư 16 – có hiệu lực từ ngày 5/3/2021. Số lượng khách hàng mới qua kênh số chiếm khoảng 40%-90% tổng số lượng khách hàng mới trong năm 2021. MBB đạt mức kỷ lục về khách hàng mới (khoảng 4,5 triệu khách trong 9 tháng đầu năm 2021) thông qua kênh ngân hàng số.

Tại các ngân hàng khác, lượng khách hàng mới tham gia kênh số dao động trong khoảng 300.000 đến 1,2 triệu khách. Khối lượng và giá trị giao dịch trực tuyến cũng tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Đối với các nguồn thu nhập ròng ngoài lãi khác, thu từ nợ xấu đã xóa tăng mạnh ở hầu hết các ngân hàng chúng tôi nghiên cứu, với mức tăng trưởng bình quân là +48% so với cùng kỳ chủ yếu do điều kiện thuận lợi trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, thu từ đầu tư chứng khoán tăng +29,7% so với cùng kỳ từ mức nền so sánh cao trong năm 2020. Điều này chủ yếu đạt được nhờ mức tăng cao của VPB, TPB, MBB, TCB và HDB.

Triển vọng ngành ngân hàng năm 2022: Điểm cộng cho VCB, MBB, CTG, TCB, ACB

Năm 2022: Điểm cộng cho VCB, ACB, MBB, CTG, TCB

Đi qua năm 2021 tăng trưởng mạnh, năm 2022, SSI Research cho rằng, điểm tạo nên sự khác biệt trong hiệu quả hoạt động của các ngân hàng chính là chất lượng tài sản.

Hệ lụy của đại dịch bùng phát mạnh năm 2021 là, đến hết quý III/2021, tỷ lệ nợ Nhóm 2 và nợ xấu tăng lần lượt là 52% và 29,7% so với đầu năm lên mức 1,4% và 1,6%. STB, MBB và TPB là những trường hợp ngoại lệ khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm so với đầu năm. Các khoản nợ tái cơ cấu tăng mạnh +95% so với quý trước trong quý III/2021 lên khoảng 1,39% tổng dư nợ sau khi giảm -55% trong nửa đầu năm 2021.

Triển vọng ngành ngân hàng năm 2022: Điểm cộng cho VCB, MBB, CTG, TCB, ACB
SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh hơn năm 2021, với ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước tính tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu được công bố, nợ xấu tồn đọng & VAMC, dư nợ tái cơ cấu) là khoảng 7,3% vào cuối năm 2021. Mức này gần tương đương với năm 2017. Song song đó, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện khung quy định về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu. Thông tư 11/2021 về phân loại dư nợ và trích lập dự phòng, Thông tư 23/2021 sửa đổi Thông tư 52/2018 về việc đánh giá các tổ chức tín dụng và Thông tư 16/2021 siết chặt hơn việc mua trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một động thái khác của Bộ Tài chính. Ngoài ra, việc giải quyết nợ xấu đang được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, vì Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực trong năm 2022, trong khi việc xử lý các ngân hàng “0 đồng” đang được đẩy mạnh hoàn thiện.

Dự báo cho năm 2022, SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu. ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%, cao hơn năm 2021. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng có thể được điều chỉnh do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể giảm với sự quản lý chặt chẽ hơn.

Về phía cung, các chỉ tiêu an toàn vốn tại TPB và VPB tăng lên sau đợt phát hành riêng lẻ và thoái vốn công ty con trong năm 2021. BID, VCB, MBB, VPB, OCB, LPB, SHB, MSB và HDB cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022.

SSI cũng dự báo, NIM kỳ vọng ổn định dù lãi suất huy động có nhích lên trong năm 2022. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, SSI ước tính NHNN sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022, với lãi suất có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ (CPI năm 2022 là 4%). Do lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng dưới 4% và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động trong khoảng 4,4% -5,0% tại NHTMNN (4,5% -5,2% tại NHTMCP), nên ước tính lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 20-25 bps trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn. Mức độ tăng lãi suất sẽ cao hơn tại các ngân hàng cấp 3 vốn có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn và tệp khách hàng gửi tiền yếu hơn nhiều.

Về chất lượng tín dụng, theo Thông tư 16/2021, kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng.

Do tác động mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và 2 thời hạn quan trọng này, SSI duy trì quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng. Tuy nhiên, SSI vẫn lạc quan về triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu (VCB, ACB, MBB, CTG, TCB).

Về định giá ngành, SSI cho rằng, cần phù hợp với xu hướng tăng trưởng lợi nhuận. Mức định giá đạt đỉnh vào đầu tháng 7, với hệ số P/B năm 2021 là 2,12x phản ánh mức tăng trưởng đáng kể của ngành trong 6 tháng đầu năm 2021. Giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã điều chỉnh trong giai đoạn sau đó, bắt đầu từ tháng 7/2021. Hệ số P/B bình quân năm 2021 và 2022 của ngành hiện tại lần lượt ở mức 1,94x và 1,64x.

Luận điểm đầu tư năm 2022

Triển vọng ngành ngân hàng năm 2022: Điểm cộng cho VCB, MBB, CTG, TCB, ACB
Nguồn: Báo cáo của SSI Research

Bản báo cáo đầy đủ tại link này: