Thực trạng và triển vọng khó khăn của ngành bia rượu
Tại công văn góp ý đối với Hồ sơ dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) gửi Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan mới đây, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) cho biết, đây là giai đoạn hết sức khó khăn khi ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng cửa. Riêng năm 2023, ngành đồ uống đã ghi nhận sự sụt giảm doanh số của các công ty sản xuất, kinh doanh phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp bia, thậm chí kết quả kinh doanh âm từ vài chục tỷ tới cả trăm tỷ đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lợi nhuận thuần của toàn ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống chỉ sau 1 năm kể từ khi đại dịch Covid đã giảm tới 67%. Đến nay, mặc dù đã có những bước phục hồi nhất định, nhưng công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80% so với năng lực. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn dẫn tới thu nhập bị giảm sút, khiến sức mua giảm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đang siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông khiến việc tiêu thụ cũng giảm theo. Các doanh nghiệp sản xuất bia cũng đang phải gồng mình trước tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng cao.
Ngành bia rượu, đồ uống đang đứng trước triển vọng tăng trưởng khó khăn chưa từng có cùng với nỗi lo “cú sốc” tăng thuế TTĐB lớn nhất từ trước tới nay |
Số liệu thống kê của Hiệp hội VBA cho thấy, hiện nay, gần 95% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam thuộc về 4 hãng bia lớn là Heineken, Sabeco, Habeco và Carlsberg, tuy nhiên các ông lớn này cũng đang lao đao. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng bia Heineken tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023; Sabeco có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành, từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của doanh nghiệp tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Habeco cũng cho biết, năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm 30% so với năm 2019, nộp ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Các doanh nghiệp khác như Halico liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay. Tính đến cuối năm 2023, Halico đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng, AB Inbev lỗ 170 tỷ đồng. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20-40%, trong khi giá bán không thể tăng, kéo theo sự sụt giảm doanh số của hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm.
Với kết quả kinh doanh suy sụt này, tổng doanh thu thuần năm 2023 của nhóm doanh nghiệp rượu bia niêm yết trên sàn chứng khoán giảm còn hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm 2022 (trong đó Sabeco chỉ đạt 30,7 nghìn tỷ đồng từ mức gần 35 nghìn tỷ đồng năm 2022, Habeco tụt xuống 7.757 tỷ đồng từ mức 8.398 tỷ đồng năm 2022).Các doanh nghiệp rượu nhập khẩu cũng không nằm ngoài xu hướng khó khăn sụt giảm chung của ngành, dẫn đến việc phải tái cấu trúc, cắt giảm nhân viên, thu hẹp văn phòng.
Nguồn: VBA |
Năm 2024, theo dự báo của VBA, toàn ngành tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có dấu hiệu suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp ngành đồ uống hiện nay chịu tác động kép từ tình hình thế giới và những chính sách liên quan. Theo đó, đồ uống có cồn là mặt hàng chịu nhiều hạn chế từ Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế TTĐB, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, thương mại điện tử… Các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn. Giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao từ 15%-30%, malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất tăng khoảng 30-40% so với mức giá bình quân năm 2022.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ bia, rượu giảm do thu nhập người dân giảm sút, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ lên thói quen sinh hoạt và tiêu thụ thực phẩm. Xu hướng tiêu dùng mới tập trung mạnh vào các sản phẩm cơ bản và ưu tiên các sản phẩm sức khỏe (thể chất & tinh thần). Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022. Quý 1/2024 cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 125%. Đặc biệt, những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia sụt giảm doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2023 và dự báo xu hướng này sẽ còn kéo dài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành đã và đang thực hiện một số chi phí về mua tem thuế (ngành rượu), đóng góp vào phí bảo vệ môi trường bắt đầu từ năm 2024 (ước tính doanh nghiệp ngành rượu phải trả tiền mua tem thuế khoảng 300-400 đồng/tem cho rượu sản xuất trong nước và hơn 700 đồng/tem cho rượu nhập khẩu. Đồng thời, việc thực hiện đóng góp bắt buộc vào phí bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2024 sẽ làm tăng gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất rượu còn phải đối mặt với khó khăn vấn nạn rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý chiếm tới gần 70% lượng rượu tiêu thụ, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.
Nỗi lo “cú sốc” tăng thuế
Trong bối cảnh này, việc dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi đang đưa ra các phương án sửa đổi điều chỉnh theo hướng tăng mức thuế suất thuế TTĐB và thu hẹp lộ trình tăng thuế khiến các doanh nghiệp trong ngành càng thêm lo lắng. Theo đánh giá của bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, nếu dự án Luật sửa đổi được thông qua theo phương án Ban soạn thảo đưa ra, thì đây là cú tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế TTĐB đối với ngành rượu bia trên cơ sở giải thích của Bộ Tài chính là để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA cho rằng, nếu dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi được thông qua theo phương án Ban soạn thảo đưa ra, thì đây là cú tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế TTĐB đối với ngành bia rượu |
“Với mức thuế suất tăng liên tục từ 2026 để có thể đạt tới 100% vào năm 2030, đây có thể coi là đợt tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế TTĐB đối với ngành bia rượu. Hiệp hội và các doanh nghiệp vô cùng bất ngờ với đề xuất tăng thuế TTĐB lần này trong bối cảnh các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với các khó khăn chồng chất. Hiện nay, các doanh nghiệp chưa thể đánh giá hết được các tác động “khủng” của đề xuất này, vì đòi hỏi thời gian, số liệu thống kê chính thống đầy đủ, mô hình tình toán tác động thuế khoa học và các yếu tố về độ co giãn, phản ứng người tiêu dùng và hành vi chuyển đổi các sản phẩm thay thế”, bà Vân Anh cho biết.
Đại diện VBA cũng cho hay, các doanh nghiệp chưa rõ về cơ sở luận cứ đề xuất, do Ban soạn thảo Luật chỉ để cập tới việc thuế suất tăng như vậy để đảm bảo giá bán sẽ tăng ít nhất 10% trong năm đầu tiên và khoảng 2-3% trong năm tiếp theo theo khuyến nghị của WHO và tăng đều các năm, mà chưa có đánh giá tác động toàn diện như: sự suy giảm tiêu dùng, hiệu quả của mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tác động tới ngân sách, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp… Theo bà Vân Anh, điều này là chưa thỏa đáng và mức đề xuất tăng như vậy nằm ngoài sức tưởng tượng của các doanh nghiệp trong ngành, bởi ngay cả vào mùa cao điểm, dịp lễ Tết, các doanh nghiệp cũng chỉ dám tăng giá 0,5 đến 1,5%.
Đại diện VBA cũng băn khoăn về các hệ lụy của việc tăng thuế tạo ra khi chưa có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện đối với đối tượng trực tiếp, gián tiếp, tính hiệu quả đối với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, ngân sách, an sinh xã hội, lao động, do các số liệu được Ban soạn thảo sử dụng để đánh giá tác động là quá cũ, không phù hợp trong tình hình hiện nay. Hậu quả là người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các loại hàng nhập lậu, rẻ tiền hơn, các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả.
Do người tiêu dùng trong nước luôn có nhu cầu, nên khi tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp hợp pháp, tạo dư địa cho hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu, ảnh hưởng tới doanh nghiệp chính thống, gây thất thu ngân sách và hàng loạt hệ lụy về việc làm, an sinh cho người lao động.
Cân nhắc hài hòa các lợi ích và có lộ trình tăng thuế phù hợp
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, diễn ra ngày 11/7, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế đối với rượu, bia ở giai đoạn này cần được xem xét một cách cẩn trọng và toàn diện, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và hài hòa các lợi ích nhằm ổn định kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo đạt được các mục tiêu bảo vệ sức khỏe theo chủ trương của Đảng và nhà nước.
Chia sẻ về vai trò của các nhà máy bia đối với sự phát triển kinh tế vùng, địa phương nơi đặt nhà máy, ông Phúc cho biết, hiện nay, các nhà máy sản xuất, kinh doanh bia phân bổ hầu khắp các tỉnh thành, đang đóng góp ngân sách lớn cho các địa phương. Ước tính tổng thể toàn ngành bia đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên toàn quốc. Do đó, việc tăng thuế cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ các tác động để đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế, xã hội và các chủ thể.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế đối với rượu, bia ở giai đoạn này cần được xem xét một cách cẩn trọng |
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Phúc đặc biệt lưu ý chính sách thuế TTĐB là khung pháp lý quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành đồ uống có cồn nói riêng, mà còn tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng trong hệ sinh thái bao gồm các ngành nông nghiệp, kho vận, cơ khí, sinh hóa, bao bì, dịch vụ, du lịch… Vì vậy, đại diện Heineken Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) hiện nay cần xem xét giải quyết được một số vấn đề bất cập như sau:
Thứ nhất, các mức thuế tại biểu thuế hiện tại chưa thể hiện sự nhất quán, chưa thống nhất với mục tiêu chung là giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Bản chất của thuế TTĐB là nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm không được khuyến khích. Cụ thể trong trường hợp này là điều tiết tiêu thụ các sản phẩm có cồn để điều chỉnh hành vi sử dụng các sản phẩm có cồn một cách có chừng mực, khuyến khích đổi mới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Như vậy, theo ông Phúc, thiết thực nhất là có quy định cụ thể về mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại đồ uống có nồng độ cồn khác nhau.
“Khi quan sát biểu thuế TTĐB hiện tại, có thể thấy sự bất hợp lý khi rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ chịu mức thuế TTĐB 35%, trong khi bia với nồng độ cồn dưới 12% lại phải nộp thuế TTĐB 65%. Sự chênh lệch này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp bia, mà còn thể hiện sự thiếu công bằng trong chính sách thuế. Việc quy định như trên là chưa đảm bảo tính nhất quán của biểu thuế”, ông Phúc phân tích. Theo đề xuất của đại diện Heineken, căn cứ Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Luật Quảng cáo, thì các văn bản pháp luật này đã tách bia thành các nhóm rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ và dưới 5,5 độ. Vì vậy, việc cải cách biểu thuế TTĐB đối với bia nên chia theo các mức nồng độ cồn, thống nhất với các mức trong 2 Luật trên, theo đó, áp dụng mức thuế 65% đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống, 70% đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 5,5% đến dưới 15% và 75% đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 15%.
“Trên cơ sở nghiên cứu phương thức đánh thuế theo nồng độ cồn đã và đang được áp dụng phổ biến trên thế giới và tham vấn kết quả của các báo cáo đánh giá, khi áp dụng mức thuế khác nhau theo nồng độ cồn sẽ giúp định hình hành vi tiêu dùng và khuyến khích các nhà sản xuất đổi mới, phát triển các sản phẩm có nồng độ cồn thấp. Điều này sẽ giúp đảm bảo mục tiêu sức khỏe cộng đồng và tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước, cũng như nhất quán với các quy định của luật có liên quan đến đồ uống có cồn”, ông Phúc lý giải.
Thứ hai, về mức tăng và lộ trình tăng thuế, đại diện doanh nghiệp kiến nghị giữ ổn định thuế suất đối với bia ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực, sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 3-5% mỗi lần. Trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ nhấn mạnh các giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, theo đánh giá của doanh nghiệp, việc giãn lộ trình tăng thuế, giảm mức tăng thuế là phù với kịch bản kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới khi dịch Covid-19 đã đẩy lùi sự phát triển kinh tế của Việt Nam và toàn cầu khoảng 5 năm.
“Việc giãn và giảm mức tăng thuế lúc này sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia nói riêng có thời gian phục hồi sau giai đoạn khó khăn, là sự thể hiện rõ nhất tinh thần “Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn, thách thức để phát triển. Ngược lại, nếu tăng thuế ở giai đoạn vô cùng khó khăn này chắc chắn sẽ tác động rất tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, chính sách thuế TTĐB sửa đổi cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế kỹ lưỡng, đồng thời đánh giá hiệu quả, toàn diện các mục tiêu của các lần tăng thuế gần nhất, không chỉ đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp, mà còn bao gồm cả các mục tiêu khác như: sức khỏe, ngân sách, kinh tế – xã hội và các đối tượng chịu tác động gián tiếp”, đại diện Heineken nhấn mạnh.
Đại diện VBA cũng đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) bắt đầu từ năm 2027 (thay vì 2025 như dự kiến). Đồng thời, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi. Cụ thể, đối với mặt hàng bia, áp dụng mức thuế 70% từ 1/1/2027 – 31/12/2028; 75% từ thời điểm 1/1/2029- 31/12/2030 và 80% từ thời điểm 1/1/2031 trở đi. Đối với rượu từ 20 độ trở lên, áp dụng mức thuế 70% từ 1/1/2027 – 31/12/2028; 75% từ 1/1/2029-31/12/2030 và 80% từ 1/1/2031 trở đi. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng mức thuế 40% từ 1/1/2027– 31/12/2028; 45% từ 1/1/2029- 31/12/2030 và 50% từ 1/1/2031 trở đi.
Đại diện VBA đề nghị điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) bắt đầu từ năm 2027 (thay vì 2025 như dự kiến), đồng thời, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, VBA cũng kiến nghị cần tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Bên cạnh giải pháp tăng thuế, cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo bà Chu Thị Vân Anh, cần dựa trên cơ sở khoa học thuyết phục, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện, không chỉ với đối tượng chịu tác động trực tiếp, mà còn các đối tượng chịu tác động gián tiếp, đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngân sách, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, đặc thù của Việt Nam. Đặc biêt, cần tôn trọng nguyên tắc đánh thuế, tránh tăng “sốc”, hài hòa lợi ích Nhà nước-người nộp thuế – người tiêu dùng.
Nhấn mạnh thực trạng khó khăn chồng chất hiện nay của doanh nghiệp khi đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí, như thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải (đang chuẩn bị bổ sung), ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia về thuế, Ủy viên Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đồng quan điểm cho rằng, các cơ quan cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng về lộ trình tăng thuế TTĐB, tránh tạo ra những rủi ro từ “sốc” chính sách khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhìn nhận trên góc độ hiệu quả và tác động tổng thể của chính sách thuế TTĐB, PGS. TS Vũ Sỹ Cường (Học Viện Tài chính) cho biết, thuế TTĐB có tác động lớn tới nền kinh tế – xã hội, thu ngân sách nhà nước, thu nhập người lao động. Do đó, nguyên tắc chung cho chính sách thuế cần được phân tích trên góc độ cân bằng tổng thể với nhiều bên, nhiều thị trường. Đồng thời, cần phân tích tác động tới thu ngân sách, doanh nghiệp, người lao động, tác động xã hội. Đặc biệt, cần tính tới bối cảnh áp dụng và tính khả thi, độ bền của chính sách. Về phương pháp tính thuế, theo ông Cường, cần nghiên cứu mở rộng áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp để đảm bảo đánh thuế công bằng, hợp lý. Hiện dự thảo mới áp dụng phương pháp này với thuốc lá. Đồng thời, Luật sửa đổi cũng nên quy định khung hoặc trần với thuế tuyệt đối.
TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cũng đặc biệt lưu ý tính phổ quát trong xác định phương pháp tính thuế TTĐB phải đảm bảo sự hài hòa với các quy định về phương pháp tính thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới. Lộ trình áp dụng tăng thuế cũng cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thuận tiện từ quá trình triển khai thực hiện, bởi các bên liên quan cho đến việc quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế. Luật thuế TTĐB phải thực sự điều tiết được tiêu dùng – mục tiêu cao nhất của sắc thuế này, hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, có hại cho sức khỏe hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội
Về mức thuế TTĐB áp dụng, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng, khoan sức doanh nghiệp, nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. “Mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách nhà nước hiệu quả, nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát. Luật thuế TTĐB cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế”, TS. Nguyễn Quốc Việt lưu ý./.
Theo Dự thảo Hồ sơ Luật Thuế TTĐB sửa đổi đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, đối với rượu từ 20 độ trở lên, lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030 với phương án 1 là từ 70%- 90%, phương án 2 là từ 80%- 100% (hiện tại là 65%). Với rượu dưới 20 độ, phương án 1 là từ 40%- 60%, phương án 2 là từ 50%- 70% (hiện tại là 35%); Đối với bia, phương án 1 từ 70%- 90%, phương án 2 là từ 80%- 100% (hiện tại là 65%). Với các mức thuế đề xuất này, Bộ Tài chính nghiêng về phuơng án 2.