Điều này được nêu trong Nghị quyết số 168/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa được Chính phủ ban hành. Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.

Trường hợp cấp bách, Bộ Y tế được cấp phép nhập khẩu vaccine mà không phải đợi phê duyệt
Đối với vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt.

Cụ thể, về cơ chế, chính sách đối với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch COVID-19, Chính phủ quy định: Đối với vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt.

Đối với vaccine do Chính phủ các nước viện trợ và đã được cấp phép nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép miễn Hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vaccine, Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng.

Về việc kê khai, công bố giá đối với vaccine mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân, Chính phủ nêu rõ doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu thực hiện việc kê khai giá theo mức giá ghi trong hợp đồng, thỏa thuận đã ký và không phải kê khai các yếu tố cấu thành giá theo quy định của pháp luật;

Bộ Y tế báo cáo Chính phủ thông tin về giá mà doanh nghiệp, đơn vị ký hợp đồng, thoả thuận mua vaccine và không phải thực hiện công bố giá theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 9629/VPCP-KGVX ngày 31/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Công văn nêu rõ, để tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm về số lượng vaccine và tiến độ tiêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vaccine đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

thủ tục nhập khẩu đối với thuốc điều trị COVID-19, vaccine phòng COVID-19 mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 hoặc được viện trợ, tài trợ, Chính phủ cho phép đơn vị nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan và đưa hàng về bảo quản tại các kho đạt Thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GSP) được Bộ Y tế công bố phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn đối với các lô hàng thuốc điều trị COVID-19 và vaccine phòng COVID-19 trong khi chờ Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc cấp Giấy phép nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế hoặc đơn vị nhập khẩu.

Cơ quan hải quan chỉ cho phép thông quan lô hàng thuốc điều trị COVID-19, vaccine phòng COVID-19 khi đơn vị nhập khẩu nộp Giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế cấp cho lô hàng.

Nghị quyết cũng quy định đơn vị nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19, vaccine phòng COVID-19 có trách nhiệm báo cáo Bộ Y tế về việc đã mở tờ khai hải quan trong vòng 2 ngày kể từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định; nộp giấy phép nhập khẩu cho cơ quan hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Trường hợp quá thời hạn nêu trên mà chưa thể cấp giấy phép nhập khẩu, Bộ Y tế có văn bản thông báo cho cơ quan hải quan để thực hiện quản lý, giám sát. Bảo quản nguyên trạng và chỉ được phép lưu hành sản phẩm sau khi được thông quan và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật về dược.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng vừa ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ra đời nhằm kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển – kinh tế xã hội năm 2022.

Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 là cơ sở pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa.

Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 gồm 9 điều, trong đó có các quy định cụ thể về điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19.

Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cũng quy định cụ thể về việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế; chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 30/12/2021./.