Ngày 28/1, Chính phủ đã ban hành Nghị định số số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Từ 1/2/2022 đến 31/12/2022, VAT các nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm 2%
Từ 1/2/2022 đến 31/12/2022, VAT các nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm 2%

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế…

Trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch COVID-19, cần phải có giải pháp, chính sách tổng thể để nhanh chóng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, nên Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15. Nghị định này đã quy định về: Giảm thuế giá trị gia tăng; chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, Chính phủ cũng quy định cụ thể về nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế VAT. Trong đó, các loại hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế lần này bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Về loại hàng hóa không được giảm thuế VAT là sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than). Nghị định của Chính phủ quy định rõ hơn đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thì được giảm thuế VAT. Còn lại, mặt hàng than tại các khâu khác thì không được giảm thuế. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định giảm thuế VAT mà không phân biệt đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Do vậy, việc áp dụng giảm thuế sẽ không phân biệt phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

Để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT, Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành chức năng và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế để giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế) từ ngày 1/2 đến hết năm 2022.

Tổng cục Thuế vừa có văn bản chỉ đạo các cục thuế tỉnh, thành phố và các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế chủ động tuyên tuyền, phổ biến cho người nộp thuế để kịp thời thực hiện chính sách giảm thuế VAT, theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ kể từ ngày 1/2/2022.

Theo đó, giảm 2% thuế VAT năm 2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm… Hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Về thuế TNDN, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022./.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm theo, giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do dịch COVID-19.

Từ 1/2/2022 đến 31/12/2022, VAT các nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm 2%

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Song để người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này cần phải có giải pháp đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có mức giảm bằng với mức giảm thuế giá trị gia tăng. Cùng với đó, khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay những đơn vị có xuất hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng.