Từ 1/6/2022: DNNN khi thành lập phải có vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng
Nghị định số 23/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

Từ 1/6: Doanh nghiệp nhà nước khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

Nghị định quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1- Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

2- Đảm bảo đủ vốn điều lệ theo quy định.

3- Có Hồ sơ hợp lệ theo quy định.

4- Việc thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.

Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ quy định về sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo quy định, hai hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất với nhau thành một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Một hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể chia các tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có (công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị chia.

Một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1- Việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp phải phù hợp với văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp chưa được quy định tại các văn bản này thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2- Các doanh nghiệp mới hình thành sau khi chia, tách phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập doanh nghiệp.

3- Việc hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Từ 1/6: liên kết đào tạo với nước ngoài sẽ theo Nghị định số 24/2022/NĐ-CP

Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài quy định tại Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019.

Theo đó, về các hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài, Nghị định 24/2022/NĐ-CP quy định: Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện theo các chương trình đào tạo sau đây:

a) Chương trình đào tạo do hai bên xây dựng; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam;

b) Chương trình đào tạo của nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài;

c) Chương trình đào tạo của nước ngoài chuyển giao; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam.

Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện toàn phần tại Việt Nam hoặc thực hiện một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài do các bên liên kết đào tạo quyết định.

Nghị định 24/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài. Cụ thể, về ngành, nghề và trình độ đào tạo: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài theo các hình thức liên kết đào tạo theo quy định trên được liên kết đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực theo quy định của nước ngoài và các ngành, nghề của Việt Nam, trừ ngành, nghề thuộc lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, tôn giáo.

Cơ sở giáo dục thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; pháp luật của nước cấp văn bằng, chứng chỉ và tương ứng với quy mô đào tạo. Có phòng học; phòng thí nghiệm; phòng, xưởng thực hành, thực tập; cơ sở sản xuất thử nghiệm đáp ứng yêu cầu theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

Về chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, Nghị định 24/2022/NĐ-CP yêu cầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải bảo đảm có đủ chương trình, giáo trình, tài liệu học tập, học liệu đào tạo phục vụ cho việc học tập của người học theo yêu cầu của từng chương trình liên kết đào tạo. Chương trình đào tạo không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Đồng thời, có đội ngũ nhà giáo đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đáp ứng cơ cấu chuyên môn theo yêu cầu của chương trình đào tạo và quy định pháp luật của nước cấp văn bằng, chứng chỉ. Nhà giáo là người nước ngoài giảng dạy ngoại ngữ tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có bằng cử nhân trở lên và có chứng chỉ giảng dạy ngoại ngữ phù hợp.

Cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do cơ quan kiểm định nước ngoài cấp hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Nghị định 24/2022/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 26a về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài. Theo đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định về tổ chức hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

c) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải thu hồi;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Một Nghị định khác cũng có hiệu lực từ 1/6/2022 là Nghị định số 26/2022/NĐ-CP. Theo đó, quy định, Cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép thực hiện các chức năng lãnh sự tại khu vực lãnh sự nhất định tại Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam. Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích về kinh tế mà nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Nước cử và Việt Nam./.