Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội nghị có Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. Tại các điểm cầu có đại diện các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và đại diện Cục Thống kê của 63 tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị.

Tuyên truyền để Luật Thống kê sửa đổi bước vào thời kỳ thực hiện quản lý hiệu quả nhất
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật đã được công bố theo Lệnh công bố số 03/2021/L-CTN ngày 25/11/2021 của Chủ tịch nước. Luật gồm 02 điều và 01 Phụ lục kèm theo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật đã được công bố theo Lệnh công bố số 03/2021/L-CTN ngày 25/11/2021 của Chủ tịch nước. Luật gồm 02 điều và 01 Phụ lục kèm theo.

So với Luật Thống kê năm 2015, Luật sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d khoản 2 Điều 48 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Thứ nhất, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ hai, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương định kỳ 05 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thứ tư, thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015.

Thứ tư, thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015. Phụ lục Danh mục gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.

“Đây là những chỉ tiêu ở tầm quốc gia, phản ánh bao quát những nội dung cơ bản, cốt lõi về kinh tế, xã hội và môi trường”, Thứ trưởng chỉ rõ. Trong đó, tập trung phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; quan hệ hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam…

Tuyên truyền để Luật Thống kê sửa đổi bước vào thời kỳ thực hiện quản lý hiệu quả nhất
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Trình bày một số nội dung cơ bản và kế hoạch triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, Luật là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp trong điều kiện mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Về nội dung, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d khoản 2 Điều 48 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13.

Về Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có một số thay đổi. Cụ thể:

Thứ nhất, về nhóm chỉ tiêu, tách 01 nhóm chỉ tiêu “19. Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” thành 02 nhóm riêng: “19. Trật tự, an toàn xã hội” và “20. Tư pháp”; sửa tên 03 nhóm chỉ tiêu: Nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán” do bổ sung các chỉ tiêu về chứng khoán; Nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá” vì nhóm này gồm các chỉ số giá; Nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông” để bảo đảm phản ánh đầy đủ phạm vi theo các lĩnh vực trong nhóm: Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông.

Thứ hai, về chỉ tiêu: Giữ nguyên 129 chỉ tiêu, sửa tên 43 chỉ tiêu, bổ sung 58 chỉ tiêu, bỏ 14 chỉ tiêu.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng – 19 chỉ tiêu; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 – 17 chỉ tiêu; Phát triển bền vững – 52 chỉ tiêu; Chuyển đổi số, kinh tế số – 22 chỉ tiêu; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics – 12 chỉ tiêu; Giới và bình đẳng giới – 26 chỉ tiêu.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đồng thời đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, cụ thể: 10 chỉ tiêu thống kê giới ở cấp độ toàn cầu; 33 chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu; 29 chỉ tiêu thống kê cấp độ ASEAN; 05 chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu; 03 chỉ tiêu đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng đã cập nhật các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm, cụ thể: 24 chỉ tiêu kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; 05 chỉ tiêu kinh tế tuần hoàn; 07 chỉ tiêu kinh tế bao trùm.

Ngoài ra, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế: 11 chỉ tiêu môi trường và biến đổi khí hậu; 132 chỉ tiêu vùng, liên kết vùng; 14 chỉ tiêu trẻ em.

Tuyên truyền để Luật Thống kê sửa đổi bước vào thời kỳ thực hiện quản lý hiệu quả nhất
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, Luật là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp trong điều kiện mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Bà Hương cũng cho biết, để triển khai thi hành Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê theo Công văn số 8663/BKHĐT-TCTK ngày 09/12/2021, gồm các nội dung công việc chủ yếu sau:

(1) Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành 02 nghị định, dự kiến ban hành trong quý II và quý IV năm 2022; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định trong quý II/2022; Các Bộ, ngành cập nhật, sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành (dự kiến ban hành trong quý III/2022) và chế độ báo cáo thống kê cấp Bộ, ngành (dự kiến ban hành trong quý IV/2022) phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới và triển khai thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công thực hiện.

(2) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Thống kê ở Trung ương và địa phương, dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.

(3) Tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ, UNICEF tự hào là tổ chức hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật đối với một số cuộc điều tra của Việt Nam và quá trình sửa đổi Luật Thống kê, trong đó có 14 chỉ tiêu liên quan đến trẻ em.

“Điều này cho phép Việt Nam chủ động giám sát, báo cáo quyền trẻ em và đưa ra những quyết định giải quyết những vấn đề về trẻ em cũng như có đầu tư phúc lợi đa chiều cho trẻ em”, bà Rana Flowers phát biểu.

Theo bà Rana Flowers, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã mở ra một trang mới, tạo ra quyết định dựa trên bằng chứng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong suốt quá trình gần 7 năm triển khai Luật Thống kê năm 2015, chúng ta có những kinh nghiệm về quy trình, thủ tục cũng như thẩm quyền thực hiện. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê của Luật Thống kê năm nay có những nội dung mới, chỉ tiêu mới.

Trên sơ cở kinh nghiệm đã có và cập nhật thêm kiến thức mới, để đưa nhanh quy định Luật Thống kê mới vào cuộc sống, Thứ trưởng yêu cầu, các công chức, viên chức ngành Thống kê cần bám sát quy định mới trong Luật, bắt tay vào triển khai ngay trong thời gian tới.

Đối với người làm công tác thống kê tại các bộ, ngành, cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về Thống kê. Từ đó, nâng cao công tác biên soạn chỉ tiêu thống kê ở cấp quốc gia và cơ sở, nâng cao chất lượng công tác thống kê, chất lượng số liệu thống kê, để cộng đồng, xã hội và các tổ chức quốc tế tin tưởng vào số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê nhanh chóng nghiên cứu, kịp thời trả lời những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Thống kê ở các cấp và các bộ, ngành.

“Bên cạnh đó, đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp phổ biến, tuyên truyền Luật theo quy định chung, để Luật sẵn sàng bước vào thời kỳ hiệu lực, thực hiện quản lý một cách hiệu quả nhất”, Thứ trưởng nói./.