Vài dự báo về giá nhiên liệu hóa thạch hậu xung đột Nga - Ukraine
Xung đột Nga Ukraine châm ngòi cho cuộc khủng hoảng năng lượng và tăng giá đối với nhiên liệu hóa thạch (Nguồn: ACT/ Lemonde)

Theo trang tin năng lượng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Aa.com.tr (ACT), giá khí đốt tự nhiên, dầu và than trên thị trường toàn cầu tiếp tục tăng do chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Kể từ khi chiến tranh, giá khí đốt tự nhiên tăng 160%, trong khi giá dầu và giá than lần lượt tăng 33% và 75%. Giá tăng do lo ngại xung đột sẽ dẫn đến thiệt hại cho cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên cùng với khả năng dòng khí đốt bị gián đoạn do bom đạn nhằm vào Ukraine.

Trong 12 ngày kể từ khi chiến tranh bắt đầu, dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã tăng 33,2% lên 130,71 USD/thùng từ khoảng 98 USD/thùng vào ngày 24 tháng 2, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ tháng 7 năm 2008. Việc tăng giá dầu được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt mới của các nước phương Tây đối với Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt đáp trả có thể xảy ra của Nga, làm gia tăng lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ngay sau khi diễn ra xung đột Nga-Ukraine, giá dầu thế giới đã vọt lên trên 100 USD/thùng, đến ngày 8/3 chạm mức 130 USD/thùng đối với dầu thô Brent. IEA dự đoán rằng “từ tháng 4/2022, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày” tức giảm một phần ba tổng sản lượng, tạo ra “cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ”.

Tuy nhiên, những dự báo như vậy hóa ra lại quá bi quan. Sau hơn 4 tháng chiến tranh, sản lượng khai thác dầu khí của Nga gần bằng mức khi chiến tranh bắt đầu. Vậy tại sao và chúng ta có thể mong đợi điều gì trong tương lai? Từ lâu người ta vẫn xem Nga là cường quốc năng lượng, nhưng “Nga không quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu ngoại trừ dầu khí”, như nhà kinh tế học Harvard và cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Obama, Jason Furman từng nói.

Nga chỉ là nền kinh tế lớn thứ 11 về tổng thể, mặc dù là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba sau Mỹ và Ả Rập Xê-út và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai sau Ả Rập Xê-út. Nga cũng có trữ lượng khí đốt lớn nhất đã được chứng minh trên thế giới, là nhà sản xuất khí lớn thứ hai sau Mỹ và là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU, chiếm 27% lượng dầu nhập khẩu và 41% lượng khí đốt, sau Nga là Na Uy lần lượt chiếm 7% và 16%.

Những sự thật đơn giản này giải thích lý do tại sao Nga quan trọng đối với thị trường dầu khí và tại sao EU không dễ dàng cấm nhập khẩu ngay khi chiến tranh bắt đầu. Một số quốc gia khác đã áp đặt các hạn chế: Canada trở thành quốc gia đầu tiên cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, và sau đó Mỹ đã làm theo, cấm tất cả dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và than của Nga từ tháng Tư. Vương quốc Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Nhiều người mua tư nhân, chủ yếu có trụ sở ở phương Tây, cũng ngừng mua vì sợ bị tổn hại danh tiếng và vướng vào bãi mìn trừng phạt.

Vài dự báo về giá nhiên liệu hóa thạch hậu xung đột Nga - Ukraine
Giá than giao cho các nhà máy phát điện của Mỹ bình quân đạt 1,98 USD/(MMBtu) năm 2021 và sẽ tăng lên 2,10 USD/MMBtu (6%) vào năm 2022 (Nguồn:WSI)

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những hạn chế này, giá dầu đã giảm từ mức cao nhất trong tháng 3, mặc cho chiến tranh dường như đã đặt mức sàn 100 USD/thùng. Điều này một phần là do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn gây ra bởi lạm phát hoành hành và lãi suất tăng, có khả năng làm giảm nhu cầu đối với dầu. Tuy nhiên, các quốc gia vội vã cấm dầu của Nga không nằm trong số những nước tiêu thụ nhiều nhất, đó là Trung Quốc, Đức và Hà Lan. Người mua châu Á cũng hoan nghênh “cơ hội” mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu: sản phẩm chính, được gọi là Urals, từng được bán với giá thấp hơn Brent khoảng 1 USD/thùng, nhưng mức chênh lệch hiện là hơn 30 USD.

IEA đã thu nhỏ lại các dự báo một cách hợp lý như trong báo cáo tháng 4, IEA dự kiến ​​nguồn cung dầu của Nga trong tháng 4 “sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày”, nhưng trong báo cáo hồi tháng 5, IEA ước tính rằng sản lượng dầu của Nga đã giảm gần 1mb (triệu thùng)/ngày trong tháng 4. Theo các nguồn tin của Nga, sản lượng dầu của nước này đã tăng 5% lên 10,7 mb/ngày trong tháng 6, so với khoảng 11 triệu thùng hồi tháng Giêng và Hai.

Sau nhiều tháng đàm phán, ngày 3/6 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ đường biển của Nga – có hiệu lực trong 6 tháng đối với dầu thô và tám tháng đối với xăng dầu. Cả Đức và Ba Lan cũng đã cam kết ngừng nhập khẩu đường ống, do đó 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga sang EU hoặc 2,5 triệu thùng/ngày sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, một lần nữa, một phần đáng kể sẽ được những người mua khác xử lý theo cách khác. Ví dụ, vào tháng 5, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đã đạt mức kỷ lục 2 mb/ngày và Nga đã xô đổ Ả Rập Xê Út trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc. Ấn Độ cũng tăng cường mua dầu của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhà nhập khẩu dầu ròng lớn nhất thế giới và Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai sau Mỹ.

Về than, theo EIA, tổng sản lượng than của Mỹ đạt 289 triệu tấn vào nửa đầu năm 2022, tăng 6 triệu tấn (2%) so với cùng kỳ 2021. Các nhà sản xuất than đã gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động và vốn, hạn chế nguồn cung than trong dự báo.

Tiêu thụ than của Mỹ giảm xuống 527 triệu tấn (3%) vào năm 2022 và xuống tiếp 506 triệu tấn (4%) vào năm 2023, so với mức 546 triệu tấn năm 2021. Giá than giao cho các nhà máy phát điện của Mỹ bình quân đạt 1,98 USD/triệu đơn vị nhiệt điện Anh (MMBtu) vào năm 2021. Ngành năng lượng Mỹ kỳ vọng giá than giao trung bình cho ngành điện sẽ tăng lên 2,10 USD/MMBtu (6%) vào năm 2022 sau đó giảm xuống 1,99 USD/MMBtu (5%) vào năm 2023.

Theo dự báo mang tên July Short-Term Energy Outlook (Triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 7) của EIA, dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả chiến diễn ra tại Ukraine, hoạt động kinh tế suy giảm, nên mức tiêu thụ năng lượng cũng giảm theo. Các yếu tố dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng bao gồm cách các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến sản lượng dầu của Nga, các quyết định sản xuất của OPEC + và tốc độ tăng sản lượng dầu và khí tự nhiên của Mỹ.

Vài dự báo về giá nhiên liệu hóa thạch hậu xung đột Nga - Ukraine
Giá dầu Brent tháng 8 năm 2022 là 106,09 USD/thùng, trong khi đó giá tháng 7-2022 là 111,93 USD/thùng (Nguồn:Reuters)

Giá dầu thô Brent giao ngay trung bình là 71 USD/thùng vào năm 2021, EIA báo giá dầu Brent trung bình là 104 USD/thùng trong năm 2022 và 94 USD/thùng vào năm 2023.

Sản lượng dầu thô của Mỹ, theo như dự báo của EIA, đạt trung bình 11,9 triệu thùng/ngày năm 2022 và 12,8 triệu thùng vào năm 2023. Kỷ lục hiện tại là 12,3 triệu thùng/ngày, được thiết lập vào năm 2019. Giá bán lẻ xăng thông thường của Mỹ đạt trung bình 4,11 USD/gallon (gal) trong nửa đầu năm 2022, tăng từ 2,78 USD/gal trong nửa cuối năm 2021. Giá dầu diesel của Mỹ đạt trung bình 4,91 USD/gal trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng từ 3,06 USD/ gal trong 6 tháng cuối năm 2021. EIA dự báo giá dầu diesel sẽ trung bình 4,73 USD/ gal vào năm 2022 và 4,07 USD/gal vào năm 2023.

EIA ước tính xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đạt trung bình 11,2 tỷ bộ khối mỗi ngày (Bcf/d) trong 6 tháng đầu năm 2022, so với 9,5 Bcf/ngày trong cùng kỳ năm 2021. Dự báo xuất khẩu LNG đạt trung bình 10,9 Bcf/ngày trong năm 2022 và 12,7 Bcf/ngày vào năm 2023. Dự báo xuất khẩu LNG trong 6 tháng cuối năm giảm do ngừng hoạt động tại cơ sở xuất khẩu LNG Freeport ở Texas. So với năm 2021, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Mỹ trong dự báo sẽ tăng 2,9 Bcf/ngày (3%) lên mức trung bình 85,9 Bcf/ngày vào năm 2022 và sau đó giảm xuống 85,4 Bcf/ngày vào năm 2023.

EIA dự báo mức tiêu thụ điện tăng 2,3% vào năm 2022, phần lớn là do hoạt động kinh tế gia tăng. Tăng trưởng tiêu thụ điện chậm lại còn 0,6% vào năm 2023. Mức tăng sản lượng điện lớn nhất của Mỹ đề cập trong dự báo của EIA đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời và gió. Kỳ vọng các nguồn tái tạo sẽ cung cấp 22% lượng điện năng của Mỹ vào năm 2022 và 24% vào năm 2023, tăng từ mức 20% vào năm 2021.

Vài dự báo về giá nhiên liệu hóa thạch hậu xung đột Nga - Ukraine
Khí đốt tự nhiên cho các máy phát điện của Mỹ sẽ tăng từ 4,97 USD năm 2021 lên 6,35 USD/MMBtu vào năm 2022 (Nguồn: Freepik).

Dự báo giá khí đốt tự nhiên cho các máy phát điện của Mỹ sẽ tăng từ 4,97 USD/MMBtu vào năm 2021 lên 6,35 USD/MMBtu vào năm 2022. Mặc dù tăng, EIA dự báo tỷ lệ khí tự nhiên trong sản xuất điện của Mỹ sẽ đạt mức trung bình 37% vào năm 2022, giống như năm ngoái. Tỷ trọng tương tự của sản xuất khí tự nhiên mặc dù giá cao hơn một phần do dự báo sản lượng điện từ than sẽ giảm từ 23% tổng sản lượng vào năm 2021 xuống còn 21% vào năm 2022 và xuống tiếp 20% vào năm 2023, điều này phản ánh sự tiếp tục “nghỉ hưu” của than trong sản xuất điện và các thị trường khác liên quan tới than.

Giá điện dân dụng của Mỹ sẽ đứng ở mức trung bình 14,4 cent Mỹ /kWh năm 2022, tăng 5,3% so với năm 2021. Giá điện bán lẻ cao hơn phần lớn phản ánh sự gia tăng giá điện bán buôn do giá khí đốt tự nhiên tăng. Giá bán buôn trung bình hàng năm ước tính cho năm 2022 dao động từ mức trung bình 50$ /MWh tại thị trường Southwest Power Pool đến $ 85/MWh tại thị trường ISO New England. Riêng khí thải carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng ở Mỹ, EIA dự báo tăng 1,5% vào năm 2022 và nhìn chung không thay đổi vào năm 2023.

Khắc Nam

Theo Báo chí nước ngoài – 7/2022

Link tham khảo:

1. https://www.aa.com.tr/en/energy/coal/energy-prices-in-global-markets-continue-to-rise-over-russia-ukraine-war/34794

2. https://home.kpmg/au/en/home/insights/2021/02/coal-price-fx-market-forecasts.html

3. https://www.thebalance.com/oil-price-forecast-3306219

4. https://www.eia.gov/outlooks/steo/report/coal.php

5. https://www.eia.gov/outlooks/steo/#:~:text=U.S.%20regular%20gasoline%20retail%20prices,and%20%243.57%2Fgal%20in%202023.

6. https://theconversation.com/russias-oil-is-in-long-term-decline-and-the-war-has-only-added-to-the-problem-186167