THỰC TRẠNG SẢN XUẤT BƯỞI Ở HUYỆN YÊN THỦY

Số liệu ở Bảng 1 cho thấy, diện tích và số hộ tham gia trồng bưởi ở huyện Yên Thủy tăng liên tục qua các năm. Tính đến năm 2020, tổng diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện Yên Thủy đạt 880 ha, với 1.914 hộ tham gia trồng bưởi.

Vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp - Nhìn từ mô hình phát triển cây bưởi ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình

Trong trồng, tiêu thụ bưởi ở Yên Thủy, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Huyện, còn có 4 hợp tác xã và 5 tổ hợp tác tham gia sản xuất và tiêu thụ bưởi (Bảng 2). Tuy vậy, các tổ hợp tác và hợp tác xã chủ yếu tham gia sản xuất, còn việc hỗ trợ tiêu thụ và cung ứng yếu tố đầu vào cho nông hộ chưa nhiều.

Vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp - Nhìn từ mô hình phát triển cây bưởi ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình
Vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp - Nhìn từ mô hình phát triển cây bưởi ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình

Thời gian qua, nhờ tích cực ứng dụng kỹ thuật vào các khâu chọn giống, chăm sóc, nên hiệu quả kinh tế của cây bưởi tại Yên Thủy ngày càng cải thiện (Bảng 3). Sản lượng bưởi tăng từ 16.710 tấn năm 2018 lên 28.160 tấn năm 2020, trong khi doanh thu bình quân tăng từ 208,875 triệu đồng/ha năm 2018 lên 352 triệu đồng/ha năm 2020.

THỰC TRẠNG LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT BƯỞI Ở HUYỆN YÊN THỦY

Hiện có 5 nhóm tác nhân chính tham gia vào việc sản xuất và tiêu thụ bưởi ở Yên Thủy (Hình 1). Trong đó:

Vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp - Nhìn từ mô hình phát triển cây bưởi ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình

(1) Hộ gia đình

Trong số 1.914 hộ trồng bưởi trên địa bàn Huyện, nhiều hộ gia đình đã tự xây dựng thương hiệu trong trồng, chăm sóc và tiêu thụ bưởi, thông qua thành lập nhà vườn, như: Nhà vườn Lực Hằng, Nhà vườn Huy Việt… Một số hộ cũng chủ động xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho bưởi của gia đình.

(2) Hợp tác xã

Không chỉ có các thành viên là xã viên tham gia trồng bưởi, các hợp tác xã còn cung ứng giống, vật tư kỹ thuật hỗ trợ xã viên trong trồng và chăm sóc bưởi. Chẳng hạn, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng đã tổ chức ươm cây giống và cung cấp giống cho bà con trong và ngoài Huyện.

Không dừng lại ở việc cung ứng giống, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng đã thực hiện trồng và mở rộng diện tích cây bưởi ra toàn xã. Hay Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Lương là đơn vị bao tiêu sản phẩm đầu ra cho quả bưởi, liên kết với chuỗi siêu thị với diện tích 22 ha trồng theo chuẩn quy trình VietGap, nên giá sản phẩm luôn ở mức cao hơn bình quân. Tuy nhiên, với diện tích 124 ha trồng bưởi đạt chuẩn VietGap của huyện Yên Thủy, thì số lượng đầu ra sản phẩm được bao tiêu như vậy vẫn tương đối ít.

(3) Tổ hợp tác

Trong vài năm trở lại đây, Hội Nông dân huyện Yên Thủy tập trung xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp để tạo sự gắn kết giữa các hội viên; tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ. Phát triển mô hình kinh tế hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa; giúp hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Huyện Yên Thủy đã phát triển được nhiều mô hình tổ hợp tác kiểu mẫu, đã và đang phát huy được vai trò và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh bưởi.

Việc thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác là nền tảng giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ hợp tác, hợp tác xã hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo đầu ra, giá cả ổn định. Một số mô hình phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho lao động. Thu nhập bình quân của lao động đạt từ 4-5 triệu đồng/tháng.

(4) Thương lái

Những người thương lái thu mua bưởi từ các hộ gia đình trồng trong Huyện, sau đó về bán cho các đại lý hoặc các chợ đầu mối. Hình 2 cho thấy, thương lái trong chuỗi giá trị sản phẩm bưởi huyện Yên Thủy chiếm tỷ trọng rất cao (70%), do số hộ trồng bưởi nhiều, mà chỉ có 1 hợp tác xã bao tiêu sản phẩm đầu ra, còn các hợp tác xã và tổ hợp tác khác chỉ đảm bảo được lượng tiêu thụ trong hợp tác xã và tổ hợp tác của mình.

Vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp - Nhìn từ mô hình phát triển cây bưởi ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình

Như vậy, phần lớn người dân trồng bưởi vẫn tiêu thụ thông qua thương lái, trung gian. Chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tiêu thụ. Điều này khiến giá cả thị trường và thị trường tiêu thụ ko ổn định.

NHỮNG HỖ TRỢ TỪ PHÍA CÁC CƠ QUAN VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Trong kỹ thuật phân tích chuỗi, một trong những nội dung quan trọng là phân tích các tổ chức hỗ trợ. Mặc dù đây không phải là các tác nhân tham gia trực tiếp trong chuỗi, song các tổ chức này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi.

Các tổ chức bên ngoài này có thể kể đến là chính quyền địa phương, các hiệp hội, tổ chức ở địa phương (hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…) và cơ quan quản lý chuyên môn trực tiếp trong nông nghiệp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thủy. Những hỗ trợ cho sản xuất bưởi ở Yên Thủy bao gồm:

(1) Chính sách hỗ trợ đầu tư trước và sau khi trồng bưởi

Người trồng bưởi trên địa bàn huyện Yên Thủy đang được hỗ trợ sau đầu tư theo chính sách hỗ trợ phát triển cây có múi, chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp, chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ tập huấn và cấp chứng nhận an toàn. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ hàng năm không ổn định, mà tùy theo diện tích được hỗ trợ và nguồn kinh phí phân bổ (Bảng 4).

Vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp - Nhìn từ mô hình phát triển cây bưởi ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình

(2) Hỗ trợ về đất đai

Ruộng đất phân tán, manh mún là hiện tượng phổ biến ở Yên Thủy. Từ năm 2013, Huyện đã chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa. Từ những hộ gia đình trồng bưởi manh mún, đến nay, bình quân mỗi hộ trồng bưởi Yên Thủy đạt diện tích 2,25 ha/hộ.

(3) Hỗ trợ xây dựng thương hiệu

Xác định cây bưởi là cây trồng mũi nhọn, năm 2019, UBND huyện Yên Thủy đã tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Yên Thủy”. Đây là bước đi phù hợp với các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, là thành quả bước đầu và cũng là đòn bẩy để các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm bưởi phát triển, tạo vị thế của sản phẩm bưởi trên thị trường.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Qua nghiên cứu của nhóm tác giả, liên kết trong phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện Yên Thủy bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt cho người trồng bưởi nói riêng và cho địa phương nói chung. Tuy nhiên, mô hình liên kết mới chỉ áp dụng được cho khoảng 20% sản lượng bưởi của địa phương. Diện tích trồng bưởi được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu theo tiêu chuẩn VietGap là 22 ha, còn quá nhỏ so với diện tích trồng bưởi của cả Huyện. Ngoài ra, việc bảo vệ và phát huy nhãn hiệu bảo hộ “ Bưởi Yên Thủy” cũng là vấn đề đặt ra với địa phương, bởi đây là một nhãn hiệu non trẻ và trên phạm vi cả nước đã có rất nhiều nhãn hiệu bưởi nổi tiếng khác được người tiêu dùng biết đến.

Từ những phân tích trên, nhóm tác giả đề xuất biện pháp nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất, kinh doanh cây bưởi nói riêng và các nông sản khác nói chung của huyện Yên Thủy, như sau:

Một là, làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng, đặc biệt chú trọng đến quy hoạch ngành để tránh tình trạng dư thừa nông sản.

Hai là, nâng cao nhận thức của hộ nông dân để tạo tính đồng bộ trong chọn giống, quy cách trồng và chăm sóc để tạo ra các sản phẩm có tính đồng nhất cao, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Ba là, phát huy tốt vai trò của chính quyền địa phương trong việc triển khai các chính sách thúc đẩy liên kết, tìm kiếm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tạo dựng các mô hình liên kết với nông dân.

Bốn là, chính quyền cần hỗ trợ các điều kiện cần thiết để xây dựng nhãn hiệu nông sản được chứng nhận và bảo hộ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thủy (2018-2020). Báo cáo tổng kết các năm 2018, 2019, 2020

2. Malcom Gillis (1983). Phát triển nông nghiệp bền vững, Đỗ Kim Chung dịch (2009), Nxb Nông nghiệp, Hà Nội

3. Nguyễn Công Tiệp (2011). Giải pháp phát triển bưởi Diễn theo hướng bền vững, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 15, 8-14

Bùi Tùng Mậu

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình

Bùi Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Xuân Hương

Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp

Nguyễn Văn Sáng

UBND huyện Văn Quan, Lạng Sơn

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 35 năm 2021)