Số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng
Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày.
Nguyên nhân là do, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.
Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước |
Đặc biệt, vào dịp chuẩn bị Tết Trung thu, nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, nhất là bánh trung thu… được đưa ra thị trường để tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi) nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại một số tỉnh, thành phố còn gặp khó khăn, giá cả một số mặt hàng tăng cao.
Các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Trong đó, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước; hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước có nhiều biến động, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo lược lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ địa bàn, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, như tại TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý mặt hàng vàng.
Đối với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật (như Temu, Shein, 1688), Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) và thông qua thực tiễn kiểm tra, rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong 10 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng quản lý thị trường phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023; các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Từ ngày 15/9/2024 đến 14/10/2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 6.396 vụ, phát hiện, xử lý 3.610 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 35 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 15/12/2023 đến 14/10/2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 404 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 186 tỷ đồng (tăng 69%), thu nộp ngân sách nhà nước 479 tỷ đồng (tăng 11%).
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
Theo nhận định của Bộ Công Thương, ở trong nước, sức cầu tiêu dùng phục hồi chậm, có xu hướng chậm dần tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng (nếu loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ, lần đầu tiên xuống dưới 5%, thấp nhất từ đầu năm đến nay và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019.
Vì vậy, trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, cần tập trung khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng.
Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng./.