Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu có thể bị phạt tối đa là 300 triệu đồng
Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu như: thông thầu hay gian lận trong đấu thầu có thể bị phạt đến mức tối đa là 300 triệu đồng

Nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm: Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (đầu tư công, đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu (bao gồm đấu thầu lựa chọn nhà thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất); Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch.

Như vậy, nếu so với Nghị định số 50/2016, Nghị định lần này bổ sung các hành vi trong các lĩnh vực: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quy hoạch.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:

a) Trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng;

b) Trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng;

c) Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng;

d) Trong lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.

Theo Nghị định này, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư khi chương trình, dự án trùng lặp với chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư;

Không tuân thủ trình tự lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi;

Không tuân thủ trình tự, thủ tục và điều kiện điều chỉnh chương trình, dự án.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác tình hình triển khai thực hiện chương trình, dự án;

Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chương trình, dự án không đầy đủ, không chính xác.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;

Không cập nhật Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư lên cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định.

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gửi cơ quan có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác về chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi thành lập Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt Văn phòng điều hành.

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Lập hồ sơ dự án đầu tư không hợp pháp, không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư;

Không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

Không thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư đối với các trường hợp phải điều chỉnh theo quy định pháp luật.

Nghị định cũng quy định cụ thể về thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm…

Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền xử phạt của các chức danh đảm bảo phù hợp với mức xử phạt tối đa của từng lĩnh vực; phân định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan đảm bảo khách quan, minh bạch.

Nghị định gồm 07 Chương 82 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư./.