Đây là những con số rất đáng chú ý về bức tranh các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam được đưa ra tại Hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNE500) do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia (NCIF – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Viện Konrad Andenauer Stiftung Việt Nam tổ chức sáng ngày 10/8/2022.

Vị thế 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong bản đồ kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, tích lũy ít, nền tảng năng suất, khoa học công nghệ còn yếu…
500 đại bàng tư nhân lớn nhất đứng đâu trong bản đồ kinh tế Việt Nam
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF

Các chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường, mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu…

Đánh giá cao vai trò và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF nhận định, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, hiện khu vực này chiếm khoảng gần 97% doanh nghiệp đang hoạt động và trở thành động lực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, một vấn đề hiện hữu là khu vực này vẫn đang gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, nền tảng công nghệ kém, đa số khu vực doanh nghiệp này là nhỏ và siêu nhỏ, do đó vẫn hạn chế những đóng góp của khu vực này tới nền kinh tế. Thực tế cho thấy, mặc dù đã được khẳng định là một khu vực kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, tích lũy ít, nền tảng năng suất, khoa học công nghệ cũng như môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhanh, nhưng tổng quy mô tăng không tương ứng.

“Ngay trong nội bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân, thị phần tập trung vào một số doanh nghiệp quy mô lớn, còn lại hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, phát triển khu vực khu vực tư nhân (KTTN) thời gian tới không chỉ là tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, mà phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, hùng mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để vươn ra bên ngoài” – TS. Lương Văn Khôi thông tin.

Đồng tình với nhận định này, ông Florian Constantin Feyerabend – Trưởng đại diện Viện Konrad Andenauer Stiftung Việt Nam cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được công nhận từ những năm 1990, và ngày càng trở thành một khu vực quan trọng của nền kinh tế. Với 97% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, khu vực tư nhân đang tuyển dụng 60% lao động đang làm việc và tạo ra khoảng 67% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp.

Đặc biệt theo ông Florian Constantin Feyerabend, đa số các doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tuy nhiên các doanh nghiệp nằm trong top 500 của khu vực tư nhân vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, giúp định hình kinh doanh và đóng góp quan trọng của Việt Nam trong tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, “sức khoẻ” của top 500 doanh nghiệp này đóng góp quan trọng vào khu vực kinh tế tư nhân cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

VPE500 hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp

Chia sẻ kết quả Báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500), ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF cho biết, doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

Cụ thể, theo báo cáo của NCIF, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 có mặt ở phần lớn các tỉnh thành nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, phân bố ở hầu hết các ngành kinh tế (18/21 ngành cấp 1). Trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT), thương mại (bán buôn và bán lẻ) và xây dựng. Đáng chú ý, VPE có sự biến động ra vào khá lớn, trong đó duy trì liên tục là khoảng gần 50%. VPE500 ngành dịch vụ biến động nhiều nhất. Sự biến động khá lớn của các VPE500 hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy sự không ổn định của thị trường ở Việt Nam và sự thiếu bền vững, ổn định của các doanh nghiệp.

Vị thế 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong bản đồ kinh tế Việt Nam

Nhóm VPE500 hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và liên kết doanh nghiệp. Trung bình giai đoạn 2016-2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, doanh thu thuần gấp khoảng 123 lần. Tỷ lệ doanh nghiệp có xuất khẩu lên tới 58,0% so với 7,73% của các doanh nghiệp tư nhân còn lại.

Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội nên VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng DN nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của DN tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số DN nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13,0% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

Vị thế 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong bản đồ kinh tế Việt Nam

“Theo đó, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường và kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực DN tư nhân trong nước”, ông Thắng nhận định.

Xem xét riêng cho danh mục VPE500 của năm 2019 trong giai đoạn 2016-2019 cho thấy quy mô của VPE500 tăng nhanh hơn các nhóm doanh nghiệp khác. Các VPE500 có tốc độ tăng tài sản khoảng 15,4%/năm so với khu vực DN tư nhân trong nước nói chung (5,6%/năm); doanh thu tăng 11,7%/năm so với 6,6%/năm.

Doanh nghiệp vẫn lớn mạnh dựa vào mở rộng quy mô

Một điểm rất đáng lưu ý được báo cáo của NCIF chỉ ra là năng suất lao động (NSLĐ) của VPE500 không tăng nhanh như quy mô. Điều này cho thấy nhóm doanh nghiệp lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. NSLĐ của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với mức 4,6% năm của doanh nghiệp tư nhân trong nước khác và thấp hơn tốc độ tăng trưởng NSLĐ của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước. Mặc dầu vậy, VPE500 có các chỉ số các chỉ số tài chính ngắn hạn như lợi nhuận/tài sản (ROA) hoặc lợi nhuận/vốn sở hữu (ROE) khá cao so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn lại.

Vị thế 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong bản đồ kinh tế Việt Nam

VPE500 có nền tảng về công nghệ, thiết bị, máy móc cao hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước khác, nguồn hình thành các tài sản đó cũng có sự khác biệt nhất định. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc VPE500 tự phát triển máy móc, công nghệ cao hơn so với doanh nghiệp tư nhân khác. Nhóm này cũng có tỷ lệ tự động hóa, số hóa cao hơn các doanh nghiệp còn lại. Điều này cho thấy, doanh nghiệp lớn đã và đang là lực lượng chủ đạo của khu vực tư nhân trong cải thiện năng suất dài hạn cũng như phát triển và ứng dụng công nghệ.

500 đại bàng tư nhân lớn nhất đứng đâu trong bản đồ kinh tế Việt Nam

Đặc biệt, VPE500 có mối liên kết khá tốt với các doanh nghiệp trong nước nói chung. Về cơ cấu nhà cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước thiên nhiều hơn vào các doanh nghiệp trong nước, trong khi tỷ lệ cung cấp từ các doanh nghiệp FDI ít hơn so với doanh nghiệp thuộc VPE500. Các doanh nghiệp tư nhân khác có phạm vi hẹp hơn, tập trung vào các nhà cung cấp trong tỉnh, trong vùng, trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp thuộc VPE500 có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cao hơn gấp gần 4 lần so với doanh nghiệp tư nhân khác.

Doanh nghiệp lớn vẫn có nhiều lợi thế

Cũng theo báo cáo của NCIF, tổng quan một số chính sách hiện hành cho thấy từ định hướng, chủ trương đến cơ chế, chính sách, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử hoặc chính sách riêng đặc thù cho doanh nghiệp lớn, thậm chí có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn vẫn có lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, cơ hội đầu tư, thị trường tài chính, và cơ hội cung ứng hàng hoá, dịch vụ thông qua các ưu đãi thu hút đầu tư hoặc quy định về điều kiện tham gia đấu thầu, cũng như tiềm lực với cá khách hàng xuất khẩu. Những lợi thế này sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp lớn phát triển mạnh hơn.

Vị thế 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong bản đồ kinh tế Việt Nam

Báo cáo của NCIF cũng chỉ ra rằng, VPE500 có tác động lan tỏa về năng suất và lương tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song có thể tạo ra tác động chèn lấn nhất định với doanh nghiệp tư nhân trong nước. VPE500 trong cùng ngành có tác động tiêu cực về NSLĐ tới các doanh nghiệp tư nhân khác. “Khi quy mô của khối VPE500 tăng khoảng 1% làm cho NSLĐ của doanh nghiệp tư nhân khác giảm đi 0,9%, cho thấy cạnh tranh giữa hai nhóm doanh nghiệp là khá gay gắt. Doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do cạnh tranh lao động, nguồn lực và thị trường với VPE500. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước và trong nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ ít tiếp cận được các hỗ trợ của Nhà nước’, ông Thắng nhận xét.

Bên cạnh đó, các VPE500 hạ nguồn (VPE500 là khách hàng của doanh nghiệp tư nhân, hoặc doanh nghiệp tư nhân là nhà cung cấp của VPE500) có tác động tích cực tới doanh nghiệp tư nhân trong nước. Mức độ tác động này nhỏ hơn so với cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và VPE500 cùng ngành (0,6%). Các VPE500 thượng nguồn (VPE500 là nhà cung cấp của các doanh nghiệp nhỏ hơn) có tác động âm tới các doanh nghiệp tư nhân khác, mặc dù mức tác động thấp, chỉ khoảng -0,3%. Điều này có thể do số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước là rất lớn nên tác động của VPE500 tới khách hàng là doanh nghiệp tư nhân trong nước không lớn, trong khi các doanh nghiệp tư nhân trong nước khác chịu tác động âm về tiếp cận nguồn lực.

Nhìn chung VPE500 có ảnh hưởng tới mức lương của các doanh nghiệp tư nhân trong nước khác, nhưng mức độ tác động không đáng kể. Thị phần của doanh nghiệp tư nhân tăng 1% sẽ dẫn đến mức lương của doanh nghiệp tư nhân trong nước khác tăng 0,15%. Mức tác động của doanh nghiệp FDI là khoảng 0,04%.

Chính sách cần xây dựng lực lượng DN tư nhân lớn dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa

Báo cáo của NCIF cũng cho rằng, mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam không ngừng lớn mạnh, nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển.”Do đó cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú shock lớn từ bên ngoài, và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế”, báo cáo của NCIF khuyến nghị.

Theo đó, TS Thắng cho rằng các chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các DNVVN trong nước; đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước./.

Báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm: Quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng trên 3 tiêu chí trên. Cách xếp hạng này khác với các xếp hạng của báo cáo hiện nay của Việt Nam (VNR500) hoặc Fortune50.