Đề nghị mở rộng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) quan tâm đến điểm h khoản 9 Điều 5 quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) là bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, mở rộng theo hướng quy định đối tượng không chịu VAT tại điểm này là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Bởi vì khi đã phải bán tài sản đảm bảo thì có nghĩa là khách hàng vay đã rất khó khăn. Trong trường hợp này, nếu có VAT nữa, thì lại thêm gánh nặng nợ cho họ. Nếu được miễn VAT, thì có khả năng họ còn để được một phần giá trị tài sản còn lại để phục vụ cho đời sống hoặc sản xuất kinh doanh trở lại.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), việc sửa đổi luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước. Bởi theo thống kê, tỷ lệ huy động từ VAT thuộc nhóm tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là năng suất thu và hiệu suất thu thuế VAT ở Việt Nam đều cao, thể hiện việc thu thuế VAT rất hiệu quả. VAT là thuế áp dụng đối với người tiêu dùng, không phải đối với người sản xuất. Tuy nhiên, khi giá hàng hóa tăng lên, mức tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến người sản xuất, ảnh hưởng đến người sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) đề nghị không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế VAThà nước |
“Để phục hồi kinh tế, trong 2 năm qua đã phải giảm thuế mới kích thích được sản xuất. Do đó, đề nghị không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế VAT. Để tăng thu ngân sách, có thể nghiên cứu thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường.”, ông Cường đề xuất.
Cùng mối quan tâm, Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phân tích, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội – tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024); tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, thì tốc độ tăng trưởng mới đảm bảo duy trì tốt. Việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, như vậy các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Việc thiết kế hai chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện.
“Vì vậy, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Trong dự thảo luật chưa thiết kế lộ trình áp dụng như thế nào; hơn nữa, từ nay đến cuối năm 2025, chúng ta cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế, nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.”, ông Tuấn đề xuất.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, về đối tượng chịu thuế, việc liệt kê như dự thảo Luật gồm 26 mục là rất cụ thể, đảm bảo việc triển khai thực hiện. Trong đó, bổ sung quy định một số trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải chịu thuế. Về vấn đề này, đề nghị cân nhắc vì hiện nay ở một số cửa khẩu, hằng ngày có từ 4-5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị mỗi loại hàng hóa có giá trị nhỏ. Nếu tính thuế thì mỗi gói hàng không đáng bao nhiêu tiền mà lại phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này cho phù hợp thực tế…
Theo Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), trong dự án Luật đề cập về người nộp thuế quy định tại khoản 1, Điều 4 là tổ chức, hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, dịch vụ. Do đó, đề nghị xác định rõ ràng tư cách pháp lý của người nộp thuế là cá nhân và pháp nhân để đảm bảo về tư cách, về chủ thể pháp lý. Vì tổ chức nộp thuế phải là pháp nhân như công ty, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân. Tổ chức không có tư cách pháp nhân hoặc là đơn vị phụ thuộc pháp nhân chịu trách nhiệm về tư cách cá nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình theo quy định tại Điều 101 về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân và điều khác của Bộ Luật Dân sự năm 2015, Điều 188 về doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các quy định liên quan của pháp luật. Còn đối tượng không chịu thuế quy định tại Điều 5 về 26 nhóm đối tượng không chịu VAT, đề nghị bổ sung dịch vụ pháp lý sẽ không chịu VAT.
Thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng, đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ, nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, quy định trong dự thảo cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng Chiến lược thuế theo nghị quyết của Đảng, nên ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm |
Theo Bộ trưởng, theo chiến lược đến năm 2030, phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành.
Ông Hồ Đức Phớc cũng giải trình một số vấn đề có nhiều ý kiến đại biểu nêu liên quan đến quy định giao Chính phủ quy định hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT. Quy định trong luật phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới và thuế thật sự là công cụ để bảo vệ nền kinh tế và phải thích ứng với quá trình lãnh đạo điều hành và quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng và đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành.
Bộ trưởng cho biết, cổ vật do nhà nước nhập khẩu không chịu thuế, nhưng tổ chức, cá nhân nhập về để kinh doanh thì phải chịu thuế. Đối với hàng hóa phân bón, cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay…/.