Thêm 124 dự án được cấp mới
Trong tiến trình phát triển, vươn ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh, chinh phục, tìm kiếm doanh thu là chiến lược phát triển mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt “hướng ngoại”, khi mà dòng vốn đầu tư ra nước ngoài liên tục tăng trưởng.
Theo báo cáo mới nhất của của Tổng cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2024 có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn là 429,9 triệu USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 43,2 triệu USD, giảm 75,1% so với cùng kỳ.
Tnh chung cả khoản đầu tư mới và tăng vốn trong 10 tháng năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 473,1 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 189,6 triệu USD, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ trong tháng 10/2024, vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã tăng lên 283,5 triệu USD.
Về lĩnh vực đầu tư, hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ dẫn đầu về vốn đạt 200,5 triệu USD, chiếm 42,4% tổng vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 70,8 triệu USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Theo sau đó là khai khoáng đạt 58,6 triệu USD, chiếm 12,4% vốn đầu tư; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 36,2 triệu USD, chiếm 7,6%; vận tải kho bãi đạt 33,2 triệu USD, chiếm 7,0%…
Về lãnh thổ đầu tư, 10 tháng đầu năm, có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, Indonesia là nước dẫn đầu với 127,7 triệu USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư. Ấn Độ nhận khoản đầu tư 90,1 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư.
Các quốc gia nhận vốn đầu tư tiếp theo lần lượt là: Lào 77,9 triệu USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư; Hà Lan 54,6 triệu USD, chiếm 11,5%; Mỹ 42,8 triệu USD, chiếm 9,0%; Girata 29,4 triệu USD, chiếm 6,2%; Campuchia 27,2 triệu USD, chiếm 5,8%; Anh 20,4 triệu USD, chiếm 4,3%.
Nhiều cơ hội rộng mở
Đánh giá về tình hình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, TS. Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đầu tư làm ăn ở nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tăng hội nhập sâu rộng. Đồng thời qua đó, các doanh nghiệp cũng trực tiếp tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến của nước ngoài… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới hội nhập.
Vươn mình ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt đón nhận nhiều cơ hội lớn, song cũng không ít thách thức và rủi ro, bởi mỗi nước đều có những thể chế chính trị, chính sách kinh tế, phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau. Đó là còn chưa kể đến những rủi ro đến từ vận tải, tỷ giá… và đặc biệt, năng lực đầu tư của đa số doanh nghiệp Việt chưa cao. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị tốt, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Nhà nước.
Trước đây, đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các dự án có quy mô vốn lớn. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đặt chân đầu tư và thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Vingroup, TH, FPT, Vinamilk…
Một số hoạt động mở rộng đầu tư nổi bật của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài trong 10 tháng qua có thể kể đến như: Tập đoàn TH đã khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trị giá 5.200 tỷ đồng tại Liên Bang Nga vào cuối tháng 5; Tập đoàn FPT mua 100% vốn một công ty dịch vụ công nghệ Next Advanced Communications (NAC) của Nhật Bản, đây cũng là thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại thị trường này…
Việt Nam xác định, khu vực Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường mà các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn đầu tư trong thời gian tới./.