Dự án Phát triển năng lực địa phương nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chung giữa USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng kinh phí lên tới 19 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2028 tại 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp. Mục tiêu dự án là hỗ trợ tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương và các tổ chức địa phương nhằm thúc đẩy quy trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách minh bạch hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam. Dự án mong muốn đưa ra mô hình chứng minh giá trị của việc gắn kết và tương tác giữa các bên liên quan ở địa phương một cách cởi mở, dựa trên bằng chứng, về lâu dài sẽ đưa đến sự hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và các tổ chức địa phương để giải quyết các vấn đề quan trọng của địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID tại Việt Nam |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh và đại diện phía dự án đã tập trung trao đổi, xác định các nội dung liên quan đến 4 lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ cho địa phương gồm: Phát triển kinh tế địa phương, chuyển đổi số và cải cách hành chính, bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển du lịch bền vững; thống nhất cơ chế phối hợp để làm cơ sở hoàn thiện văn kiện dự án. Đồng thời, lựa chọn triển khai tại 3 đơn vị cấp huyện, gồm: Vĩnh Tường, Yên Lạc và Tam Đảo. Ngoài ra, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đề nghị cơ quan chủ quản dự án tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Vĩnh Phúc trong quản lý, vận hành đô thị thông minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin; nâng cao năng lực tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân; nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân; phát triển hệ thống cấp nước an toàn khu vực nông thôn; dự kiến ngân sách thực hiện cho từng tỉnh để địa phương có cơ sở xếp thứ tự các hoạt động ưu tiên, lập kế hoạch thực hiện cụ thể và phù hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, USAID tại Việt Nam đã lựa chọn Vĩnh Phúc là một trong 4 địa phương của Việt Nam triển khai Dự án Phát triển năng lực địa phương. Việc triển khai dự án là rất cần thiết để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Nhất trí với nội dung 3 hợp phần của dự án, song ông Trần Duy Đông đề nghị cơ quan chủ quản dự án nghiên cứu thêm một số nội dung của hợp phần 2 và hợp phần 3; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối xác định các lĩnh vực ưu tiên, lộ trình thực hiện phù hợp với Quy hoạch Tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại buổi làm việc |
Đồng tình với các lĩnh vực ưu tiên trong dự án, ông Đông đề nghị nghiên cứu cụ thể hơn về phát triển phát triển kinh tế địa phương, trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; nghiên cứu thêm các giải pháp phát triển làng nghề cụ thể đối với từng địa phương; phát triển kinh tế tư nhân gắn với liên kết với các doanh nghiệp FDI, kinh tế tuần hoàn và cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; phát triển thương mại điện tử. Về lĩnh vực chuyển đổi số và cải cách hành chính, cần quan tâm nâng cao Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn, cần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch, tăng cường giải pháp xử lý rác thải. Đối với lĩnh vực phát triển du lịch bền vững, ông Đông nhấn mạnh quan tâm phát triển du lịch sinh thái, du lịch MICE kết hợp gắn với du lịch thể thao.
Ngoài ra, ông Trần Duy Đông cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục là đầu mối, thành lập Tổ công tác, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai dự án, cũng như tập huấn cán bộ tham gia dự án. Quá trình tham gia các lớp đào tạo tập huấn bảo đảm hiệu quả, nghiêm túc. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phê duyệt dự án để Tỉnh triển khai thực hiện; lựa chọn các chuyên gia có kinh nghiệm để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với dự thảo và các mục tiêu phát triển của đề án, đồng thời đề nghị ban soạn thảo dự án nghiên cứu, xem xét bổ sung vào dự án các nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải; quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị và phát triển nhà ở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Trọng Nguyên phát biểu tại buổi làm việc |
Hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; đầu tư xây dựng nhà máy rác thải tập trung, nâng cao hiệu quả quản lý và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải ở khu vực nông thôn, các làng nghề bằng các công nghệ mới, hiện đại.
Tăng cường đầu tư hệ thống cấp nước sạch và nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống cấp nước sạch tập trung cho người dân; nâng cao năng lực phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; quản lý, bảo vệ, vận hành hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều.
Nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm nội dung nâng cao năng lực phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, nhất là vùng ven chân núi Tam Đảo, vùng bãi sông Hồng, sông Phó Đáy. Bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch; nâng cao năng lực ngoại ngữ cho một số trường học làm điểm để từ đó nhân rộng trong toàn Tỉnh…/.