Cho biết số liệu này tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I/2023, diễn ra sáng nay (ngày 29/3), Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chia sẻ thêm, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm.

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 các năm 2019-2023

Vốn đăng ký cấp mới có 522 dự án được cấp phép, với số vốn đăng ký đạt 3,02 tỷ USD, tăng 62,1% về số dự án và giảm 5,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,35 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 362,1 triệu USD, chiếm 12%; các ngành còn lại đạt 314,4 triệu USD, chiếm 10,4%.

Vốn FDI quý I/2023 giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước
Vốn FDI quý I/2023 giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh họa)

Về nguyên nhân của sự sụt giảm số vốn đăng ký, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.

Trong số 44 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,35 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 414 triệu USD, chiếm 13,7%; Trung Quốc 334,6 triệu USD, chiếm 11,1%; Đài Loan 273,2 triệu USD, chiếm 9%; Nhật Bản 185,2 triệu USD, chiếm 6,1%.

Cũng giống như vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh của 234 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) giảm 70,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ tăng thêm 1,21 tỷ USD.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án, vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,43 tỷ USD, chiếm 81% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 363,7 triệu USD, chiếm 8,6%; các ngành còn lại đạt 441,9 triệu USD, chiếm 10,4%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 703 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,22 tỷ USD, giảm 25,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 298 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 777,5 triệu USD, 405 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 438,1 triệu USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 550,9 triệu USD, chiếm 45,3% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 402,1 triệu USD, chiếm 33,1%; ngành còn lại 262,7 triệu USD, chiếm 21,6%.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó. công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,42 tỷ USD, chiếm 79,2% tổng vốn FDI thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 361,2 triệu USD, chiếm 8,4%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 228,4 triệu USD, chiếm 5,3%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I năm các năm 2019-2023

Đánh giá chung về tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam trong quý đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo cách thức đầu tư vốn có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, tỷ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm đi (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh đó, tỷ trọng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng nhẹ lên mức 22,3% từ mức 18,3% trong 3 tháng đầu năm 2022./.