Sáng ngày 23/10/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố Báo cáo Cập nhật Tình trạng Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam năm 2024
Tại đây, TS. Judy Yang, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: :Trong bối cảnh mới, nhiều bất định, nhiều cú sốc và bẫy thu nhập trung bình, Chặng đường Kế tiếp cần có tầm nhìn mới và đặt ra cách tiếp cận hoàn toàn khác so với Chặng đường Cuối của công cuộc giảm nghèo thành công đã qua.
Quang cảnh Hội nghị |
3 giai đoạn nghèo và bình đẳng ở Việt Nam từ 2010 đến nay
Nhìn nhận cả quá trình từ năm 2010 đến nay, TS. Yang cho rằng, diễn biến nghèo và bình đẳng ở Việt Nam có thể được chia thành 3 giai đoạn riêng biệt.
Hình 1: Các giai đoạn diễn biến nghèo và bình đẳng ở Việt Nam, 2010-2022
Nguồn: Báo cáo Cập nhật tình trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam (Ngân hàng Thế giới, 2024) |
Đầu tiên, vào đầu thập kỷ, tình trạng nghèo đói đã giảm nhanh chóng kèm theo đó là bất bình đẳng cũng giảm xuống. Trong giai đoạn 2010-2014, cả tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đều giảm do sự dịch chuyển lớn về lao động từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ. Hầu hết các công việc phi nông nghiệp vẫn là công việc có kỹ năng thấp và lao động nông nghiệp có thể dễ dàng chuyển sang những công việc mới.
Tiếp theo là giai đoạn giảm nghèo nhưng kèm theo bất bình đẳng tăng nhẹ từ năm 2014-2020. Trong giai đoạn này, quá trình chuyển đổi cơ cấu vẫn tiếp tục, tiền công phi nông nghiệp tăng nhanh nhưng mức tăng thu nhập từ nông nghiệp lại không theo kịp và thậm chí còn giảm.
Vào năm 2022, sau những tác động tiêu cực kéo dài liên quan đến đại dịch Covid-19, tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình giảm so với năm 2020 và tăng trưởng thu nhập chậm lại.
Thập kỷ giảm nghèo thành công đã chững lại do Covid-19
TS. Yang nhấn mạnh, thành quả giảm nghèo của Việt Nam trong một thập kỷ đã chững lại do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng, ở Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2022 đã xuất hiện nhiều tác động tiêu cực tới công cuộc giảm nghèo. Sự đình trệ trong công cuộc giảm nghèo năm 2022 có liên quan đến những đợt bùng phát dịch Covid-19 ở giai đoạn sau, và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, cũng như việc các hộ gia đình áp dụng cơ chế ứng phó trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Trong giai đoạn 2020-2022, tỷ trọng tầng lướp trung lưu ở khu vực nông thôn không thay đổi, trong khi ở khu vực thành thị có mức giảm rõ rệt (từ 52% giảm xuống còn 43%). Tuy nhiên, người nghèo vẫn bị ảnh hưởng vì họ dễ bị tổn thương ngay cả trước những cú sốc nhỏ.
Đối với các hộ gia đình đã ở dưới chuẩn nghèo, điều kiện sống của họ trở nên tồi tệ hơn, nhưng có thể lại không được phản ánh nếu chỉ dựa trên tính toán theo tỷ lệ nghèo. Khoảng cách nghèo cho thấy mức độ sâu sắc của tỉnh trạng nghèo cũng tăng nhẹ vào năm 2022.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có những lo ngại về tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Các dự báo về tình trạng nghèo được đưa ra khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19 đã dự đoán rằng, tiến bộ giảm nghèo sẽ chững lại vào năm 2021 và tốc độ giảm nghèo sẽ chậm lại kể từ năm 2022 trở đi.
Tỷ lệ nghèo thực tế vào năm 2022 cao hơn so với dự đoán trước đó. Các chỉ số về thu nhập từ việc làm vào năm 2023 có sự phục hồi về mức trước Covid-19, nhưng vẫn thấp hơn mức dự kiến trong giả định không có Covid-19.
Cần tiếp tục theo dõi sự phát triển của các hộ gia đình
WB cho rằng, bài học từ giai đoạn đặc thù 2020-2022 đòi hỏi phải đẩy mạnh và tăng tính kịp thời của các chính sách thúc đẩy và bảo vệ an sinh xã hội. Khả năng xảy ra nhiều cú sốc hơn trong tương lai đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh và hệ thống an sinh xã hội hiệu quả.
Cơ cấu dân số đang thay đổi trong bối cảnh già hóa và đô thị hóa, ngày càng có nhiều hộ gia đình sống ở khu vực thành thị, cũng đòi hỏi phải cập nhật các chiến lược để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương.
Khi Việt Nam tiếp tục loại bỏ các yếu tố cơ cấu liên quan đến tình trạng nghèo cùng cực, sự thịnh vượng trong tương lai sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với sự phát triển kinh tế và tạo việc làm tốt.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, sự chuyển đổi cơ cấu lực lượng lao động từ nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ là kênh chính để các hộ gia đình chuyển dịch kinh tế theo hướng đi lên. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi chưa hoàn tất.
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến sự phát triển tràn lan, làm giảm mức độ và tính hiệu quả có được từ sự tập trung về không gian, năng suất lao động thấp hơn và tình trạng tắc nghẽn giao thông gia tăng ở các thành phố lớn. |
Hơn nữa, tính dễ bị tổn thương của một số công việc nhất định đã được bộc lộ rõ trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là những công việc phi chính thức và những công việc ở khu vực thành thị.
Trong trung và dài hạn, mặc dù tăng trưởng đã quay trở lại, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn nên tiếp tục theo dõi sự phát triển của các hộ gia đình. Khi các hộ gia đình phục hồi, điều quan trọng là phải theo dõi quá trình phục hồi để xác định nhóm nào chịu tác động tiêu cực với vết sẹo lâu dài hơn so với các nhóm khác.
Đặc biệt, có 3 nhóm và điều kiện cần theo dõi chặt chẽ: (1) Những người vốn đã nghèo và nếu họ trở nên nghèo hơn; (2) Những người bấp bênh về kinh tế lại tái nghèo, và (3) Những người an toàn về kinh tế có thể trở nên bấp bênh.
Những xáo trộn đứt gãy ở các thành phố đã dẫn đến những tác động tiêu cực lớn
Báo cáo cũng đề cập tới thực trạng nghèo và tình hình phát triển bao trùm tại các khu vực thành thị tại Việt Nam. Kinh nghiệm tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch đã cho thấy rõ những thách thức và sự cần thiết phải tăng cường tập trung vào điều kiện xã hội ở các khu vực thành thị và thành phố.
Những xáo trộn đứt gãy ở các thành phố đã dẫn đến những tác động kinh tế tổng hợp tiêu cực lớn hơn, vì nơi đó có mật độ dân số dày đặc, tập trung nhiều trung tâm thương mại và đồng thời là trung tâm của nhiều hoạt động kinh tế. Các cú sốc như thảm họa môi trường và ngập lụt cũng có thể dẫn đến thiệt hại lớn hơn tại các đô thị, do đây là nơi có nhiều tòa nhà và cơ sở hạ tầng hơn.
Trong giai đoạn 2020-2022, dân số thành thị ở Việt Nam đã tăng từ 30% lên gần 40%, đồng thời, tỷ lệ người nghèo (theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới) sống tại khu vực thành thị cũng tăng lên.
Hình 2: Tỷ lệ người nghèo và dân số thành thị
Nguồn: Báo cáo Cập nhật tình trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam (Ngân hàng Thế giới, 2024) |
Điều kiện nhà ở đông đúc, chi phí sinh hoạt cao hơn, giao thông tắc nghẽn, thiếu khả năng dịch chuyển và tiếp cận việc làm hoặc ô nhiễm không khí có nhiều khả năng là rủi ro và thách thức đối với người dân sinh sống ở khu vực thành thị hơn là tại khu vực nông thôn.
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến sự phát triển tràn lan, làm giảm mức độ và tính hiệu quả có được từ sự tập trung về không gian, năng suất lao động thấp hơn và tình trạng tắc nghẽn giao thông gia tăng ở các thành phố lớn. Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng và tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị thậm chí còn cao hơn khi sử dụng các kỹ thuật đo lường khác nhau.
Việc duy trì thành quả và phát triển các cơ hội ở các khu vực thành thị là rất quan trọng đối với mục tiêu chặng đường tiếp theo của Việt Nam hướng tới vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao và tiếp đó là quốc gia có thu nhập cao. Trong thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam mang tính bao trùm và sinh kế ở Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể theo hướng tiến bộ.
Với thành công đáng kể trong việc giảm nghèo, chương trình nghị sự về xóa đói giảm nghèo và công bằng ở Việt Nam hiện nay không chỉ tập trung vào việc nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo cùng cực, mà còn là tạo ra các lộ trình phát triển kinh tế mới và bền vững. Các cơ hội kinh tế và phát triển ở khu vực thành thị là chìa khóa để duy trì sự di chuyển kinh tế hướng lên cho hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo và hiện đang tìm kiếm những thành quả kinh tế cao hơn.
Giảm thiểu tiêu cực, phát huy các điểm tích cực
Trao đổi tại Hội nghị, PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, các tác động luôn có 2 chiều, cả tích cực và tiêu cực.
Khi xem xét tác động nhóm người nghèo tạo ra đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chung, vị chuyên gia này cho biết, về mặt tiêu cực, nhóm người nghèo tạo ra 5 tác động tiêu cực tới thịnh vượng chung, bao gồm: (i) Tăng lực lượng lao động dư thừa, lực lượng lao động không có kỹ năng. Hiện nay chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần nhất là có lao động có kỹ năng, có trình độ, trong khi đó, nhóm những người nghèo thường là lao động không có kỹ năng, lao động giá rẻ, do đó dễ dẫn tới giảm chất lượng tăng trưởng. (ii) Nghèo đói làm tăng khu vực kinh tế phi chính thức; (iii) Tăng sức ép lên hệ thống an sinh xã hội tại khu vực đô thị; (iv) Tăng thêm sức ép lên trật tự xã hội; (v) Tăng bất bình đẳng, tăng thách thức cho nền kinh tế.
PGS, TS. Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi tại Hội nghị |
3 tác động tích cực, bao gồm: (i) Tăng nguồn lao động cho quá trình công nghiệp hóa, chưa có kỹ năng thì có thể đào tạo; (ii) Đáp ứng được nhu cầu về lao động trong 1 số ngành thương mại, dịch vụ tại các vùng đô thị, ví dụ như: dịch vụ chăm sóc người già, dịch vụ số, dịch vụ xanh; (iii) Tạo sức ép lên quản trị đô thị hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề, PGS, TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định, về cơ bản, cần giảm thiểu các tác động tiêu cực, phát huy các điểm tích cực.
Thứ nhất, cần cải thiện tiếp cận dịch vụ cơ bản cho người nghèo, như: nước sạch, thông tin, sức khoẻ, giáo dục… do đó cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng để người nghèo có thể tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Nhà ở cũng là nhu cầu rất quan trọng.
Thứ hai là tạo việc làm, chú ý công tác tạo việc làm, tạo việc làm bền vững và chất lượng, việc này đòi hỏi nhiều các giải pháp nhỏ hơn, như: hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (đây là khu vực có khả năng tạo việc làm tốt), đào tạo kỹ năng cho người lao động, đầu tư hạ tầng để người dân có thể di chuyển tốt (di chuyển tốt sẽ linh hoạt trong sử dụng các nguồn lực).
“Cuối cùng là quan tâm tạo sinh kế bền vững cho nhóm người nghèo”, vị chuyên gia này nhấn mạnh./.