Từ khóa: thu hút đầu tư; Đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu

Summary

The article aims to identify factors affecting investment attraction into the Mekong Delta region in the landscape of green transformation and adaptation to climate change. The results of experimental study in the Mekong Delta region show that there are 5 factors affecting investment attraction in descending order as follows: Infrastructure in investment attraction areas; Mechanisms and policies on investment attraction; Planning and developing projects calling for investment; Investment promotion, and Effects of climate change on the project area.

Keywords: investment attraction; Mekong Delta, climate change

GIỚI THIỆU

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chịu tác động của BĐKH và nước biển dâng rõ rệt nhất tại Việt Nam. Do đó, việc THĐT phát triển kinh tế chuyển đổi xanh của vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH là ý tưởng của nghiên cứu này. Để mục tiêu THĐT đạt được hiệu quả cần thiết phải xác định các nhân tố ảnh hưởng, đặc biệt là vào ngành có lợi thề của Vùng trên cơ sở hệ sinh thái “kinh tế tuần hoàn” để đạt được mục tiêu “kép” là nâng cao đời sống người dân trong Vùng và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm về thu hút đầu tư

Đầu tư được hiểu là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt được các kết quả đó (OECD, 2015). Thu hút đầu tư được hiểu là tập hợp các hành động, chính sách của chính quyền địa phương trong việc chuyên môn hóa sản xuất kết hợp chặt chẽ với phát triển tổng hợp; nhằm hấp dẫn, kích thích nhà đầu tư nảy sinh ý định đầu tư và đưa ra quyết định bỏ vốn đầu tư vào địa phương, thực hiện trong một thời kỳ nhất định.

Chương trình Phát triển châu Á của Liên hiệp quốc (UNESCAP, 2003) trong Xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư đã đưa ra khái niệm thu hút nhà đầu tư: “Là một quá trình gồm nhiều bước, nhiệm vụ và quyết định liên quan kế tiếp nhau hoặc nối tiếp nhau được lặp lại khi cần thiết nhằm làm gia tăng sự chú ý và quan tâm của các nhà đầu tư qua sự phát triển và lặng lẽ xúc tiến các dự án đầu tư cụ thể có thể đem lại những lợi ích thương mại cho nhà đầu tư”.

Lý thuyết lợi thế so sánh của ngành, lĩnh vực

Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo (1772-1823) cho rằng, mỗi quốc gia chuyên môn hóa vào một số ngành hoặc một số lĩnh vực có lợi thế so sánh so với quốc gia khác thì các quốc gia đều có lợi. Lợi thế so sánh có được khi các quốc gia tập trung chuyên môn hóa sản xuất vào một số ngành (một số lĩnh vực hay mặt hàng) có lợi nhuận lớn nhất hay các có bất lợi nhỏ nhất. Mỗi quốc gia có thể có lợi thế tuyệt đối cao hơn hoặc thấp hơn so với nước khác, nhưng đều có lợi thế so sánh nhất định, do vậy, nên chuyên môn hóa sản xuất những ngành, lĩnh vực mình có lợi thế so sánh. Đối với vùng ĐBSCL, nên tận dụng lợi thế tự nhiên để quy hoạch, phát triển dự án và THĐT vào ngành nông nghiệp.

Lý thuyết về liên kết các địa phương trong vùng

Mattessich và Monsey (1992) khi tổng hợp 133 nghiên cứu về liên kết trong một số lĩnh vực đã chỉ ra 20 nhân tố “con” ảnh hưởng tới sự thành công của liên kết và nhóm thành 6 nhóm nhân tố, đó là: (i) Môi trường; (ii) Đặc điểm thành viên tham gia; (iii) Quá trình/cơ cấu; (iv) Trao đổi; (v) Mục tiêu; (vi) nguồn lực.

Hoàng Ngọc Phong và cộng sự (2015) đã chỉ ra 4 tồn tại cơ bản cản trở liên kết vùng tại các địa phương, đó là: (i) Liên kết chưa trở thành tư duy phát triển ở các cấp chính quyền; (ii) Thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư; (iii) Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng không được xây dựng, làm cơ sở khoa học cho lập quy hoạch vùng; và (iv) Trình tự các quy hoạch cũng khá lộn xộn giữa các cấp, các ngành.

Vũ Thành Tự Anh và cộng sự (2012) cũng đã tiến hành khảo sát thực tiễn tại 13 tỉnh vùng ĐBSCL để tìm hiểu nhu cầu liên kết giữa các tỉnh trong vùng, cũng như giữa tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Nhóm tác giả đã chỉ ra rằng, vấn đề liên kết giữa các địa phương còn thiếu và yếu là do: (i) Thiếu “nhạc trưởng” trong các hoạt động điều phối liên kết vùng; (ii) Thiếu cơ chế có hiệu quả và hiệu lực để triển khai các cam kết liên kết vùng; (iii) Thiếu cơ chế tài chính cho hoạt động 16 liên kết vùng; (iv) Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin giữa các chính quyền địa phương; (v) Chưa định hình một cách có hệ thống, có ưu tiên và có cơ sở khoa học cho các nội dung liên kết vùng; (vi) Tồn tại nhiều xung lực phá vỡ liên kết vùng, đặc biệt là lợi thế cạnh tranh của các tỉnh trong vùng tương tự nhau.

Tổng quan nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư

Lê Tuấn Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2013) đã chỉ ra 5 nhóm yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của nhà đầu tư: (i) Nhóm yếu tố về công tác quản lý và hỗ trợ của chính quyền địa phương; (ii) Nhóm yếu tố về chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương; (iii) Nhóm yếu tố về chất lượng nguồn nhân lực; (iv) Nhóm yếu tố về kết cấu hạ tầng; (v) Nhóm yếu tố về sự hình thành và phát triển cụm ngành.

Tổ chức UNCTAD, dựa trên cơ sở khung lý thuyết OLI của Dunning (1973), đã đưa ra 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của nước sở tại, trong đó bao gồm: nhóm yếu tố khung chính sách cho THĐT; nhóm yếu tố về kinh tế, nhóm yếu tố tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi (UNCTAD, 1998). Căn cứ vào 3 nhóm yếu tố này UNCTAD đã tổ chức các cuộc điều tra thường niên từ năm 1998 nhằm đánh giá, xếp điểm cạnh tranh giữa các quốc gia về THĐT. Đây là cơ sở quan trọng cho các nhà khoa học cũng như chính phủ các nước sử dụng đề đánh giá về hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường THĐT ở cấp độ quốc gia.

Cheng và Kwan (2000) chỉ ra các yếu tố quyết định đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 29 khu vực ở Trung Quốc, gồm: Quy mô thị trường, Cơ sở hạ tầng; Chính sách ưu đãi và Chi phí tiền lương.

Bên cạnh đó, Nguyễn Mạnh Toàn (2010) cho thấy, các nhân tố tác động đến việc THĐT vào một địa phương của Việt Nam gồm: Hạ tầng về kỹ thuật; Sự ưu đãi và hỗ trợ của chính quyền địa phương; Chi phí hoạt động thấp; Thị trường tiềm năng; Tài nguyên thiên nhiên; Nguồn nhân lực; Vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Lê Tấn Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2013) đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp FDI tại TP. Đà Nẵng, các nhóm nhân tố ảnh hưởng bao gồm: Cơ sở hạ tầng; Công tác quản lý và hỗ trợ của chính quyền địa phương; Sự hình thành và phát triển của cụm ngành; Chất lượng nguồn nhân lực; Vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên. Thực nghiệm từ kết quả nghiên cứu cho thấy, Tiềm năng thị trường, Chi phí nhân công, Chất lượng lao động, Cơ sở hạ tầng, Chính sách địa phương tác động đáng kể đến quy mô của các dự án đầu tư tại các địa phương ở Việt Nam.

Nhìn chung, các nghiên cứu trên đã tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về môi trường đầu tư tại các địa phương, khi hài lòng về môi trường đầu tư sẽ dẫn đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư cũng như việc phân bổ nguồn vốn vào một số địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là với xu hướng “xanh” trong điều kiện của BĐKH.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở các nghiên cứu trước đó, cộng với điều kiện thực tế tại vùng ĐBSCL, giả đã đề xuất thêm các nhân tố ảnh hưởng đến THĐT vùng ĐBSCL như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thái chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu
Nguồn: Tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Trong phương pháp nghiên cứu định tính tác giả sử sụng phương pháp phân tích, thống kê, so sánh, thảo luận nhóm, tham khảo ý kiến chuyên gia. Trong phương pháp nghiên cứu định lượng tác giả đã xây dựng bảng hỏi khảo sát các cá nhân đang làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và một số doanh nghiệp đang đầu tư tại các tỉnh ĐBSCL. Nghiên cứu thực hiện với 69 biến quan sát thuộc 11 thang đo về các nhân tố ảnh hưởng đến THĐT vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, thang đo “Mức độ THĐT” chung gồm 3 biến quan sát. Các biến quan sát được đo lường bằng thang đo Likert 5 điểm.

Số liệu nghiên cứu được thu thập qua khảo sát cán bộ quản lý và thực hiện công tác đầu tư từ cấp huyện và các doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng ĐBSCL, phân bổ đại diện một số tỉnh, như: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang… Với kích cỡ mẫu là 366 đảm bảo đại diện. Thời gian thực hiện khảo sát trong năm 2023.

Kiểm định bằng hệ số Cronbach’s Alpha để tìm ra các biến quan sát và các thang đo đủ điều kiện cho bước phân tích nhân tố khám phá (EFA). Đồng thời, phương pháp phân tích EFA được thực hiện nhằm tìm ra các thang đo đạt yêu cầu. Mô hình hồi qui tuyến tính được sử dụng để phân tích mối tương quan giữa các nhân tố ảnh hưởng đến THĐT vùng ĐBSCL. Hàm hồi quy tuyến tính có dạng như sau:

Y = β0 + β1F1 + β2F2 + β3F3 + β4F4 + β5F5 + β6F6 + β7F7 + ɛ (1)

Trong đó: Biến phụ thuộc Y: Thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL, khi đó, biến phụ thuộc Y được xác định dựa trên cách tính điểm trung bình của tất cả các biến quan sát thuộc thang đo THĐT. Các biến độc lập là các biến được hình thành từ các thang đo.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích EFA rút gọn 11 nhóm thang đo đề xuất ban đầu còn 5 nhóm nhân tố gồm: Cơ sở hạ tầng vùng THĐT; Cơ chế, chính sách về THĐT; Quy hoạch và phát triển dự án kêu gọi đầu tư; Công tác xúc tiến đầu tư và Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng dự án.

Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho ra phương trình hồi quy đa biến còn lại 5 biến có dạng (theo hệ số Beta chuẩn hóa), được biểu diễn bằng phương trình sau:

THĐT = 0,397*HT + 0,329*CS+ 0,186*QH + 0,113*XT + 0,081*KH + ε (2)

Trong đó, các nhân tố ảnh hưởng như Bảng.

Bảng 1: Các nhân tố ảnh hưởng đã chuẩn hóa

TT

Nhân tố

Các biến quan sát đặc trưng

1

Cơ sở hạ tầng

– Hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng;

– Hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu;

– Hệ thống ngành dịch vụ đa dạng (Tài chính, ngân hàng…);

– Hệ thống đường thuỷ đồng bộ và liên kết vùng;

– Hạ tầng Logistics đáp ứng nhu cầu các chuỗi cung ứng.

2

Hệ thống chính sách về THĐT

– Hệ thống pháp luật về đầu tư ổn định, rõ ràng, minh bạch;

– Chính sách đất đai, thuế, tài chính… hấp dẫn nhà đầu tư;

– Công tác cải cách thủ tục hành chính;

– Chính sách đột phá của địa phương THĐT;

– Chính sách chia sẻ rủi ro phù hợp với các bên liên quan.

3

Quy hoạch và phát triển dự án kêu gọi đầu tư

– Quy hoạch các ngành đảm bảo tính liên kết và bền vững;

– Quy hoạch dự án phù hợp với quy hoạch ngành/lĩnh vực;

– Dự án đảm bảo tính khả thi (mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật…);

– Có khả năng phát triển (quy mô, các vùng lân cận…);

– Thích ứng với biến đổi khí hậu.

4

Công tác xúc tiến đầu tư

– Mô hình tổ chức cơ qan xúc tiến đầu tư;

– Đơn vị xúc tiến đầu tư có năng lực, chuyên nghiệp và thẩm quyền;

– Sự phối hợp các ban, ngành, trên tinh thần cởi mở hỗ trợ NĐT;

– Các hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp;

– Sự liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

5

Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng dự án

– Tăng chi phí đầu tư (giải pháp kỹ thuật, bảo trì, vận hành…);

– Tạo sự thay đổi dự án đầu tư (công năng, quản lý, vận hành…);

– Tác động đến dự án đầu tư (sạt lở, nhiễm mặn…);

– Ảnh hưởng đến môi trường sống;

– Thu hẹp diện tích đất nông nghiệp (ảnh hưởng dự án nông nghiệp).

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

Kết quả Bảng 2 cho thấy, cả 5 nhân tố đều có mối tương quan thuận chiều với THĐT vào vùng ĐBSCL. Trong đó, các nhân tố tác động tương đồng với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Toàn (2010) và Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2015).

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại vùng ĐBSCL cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến THĐT, bao gồm 5 nhân tố có thứ tự tác động giảm dần là: Cơ sở hạ tầng vùng THĐT; Cơ chế, chính sách về THĐT; Quy hoạch và phát triển dự án kêu gọi đầu tư; Công tác xúc tiến đầu tư và Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng dự án.

Kết quả này là cơ sở cho nghiên cứu các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả THĐT vào các tỉnh ĐBSCL nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, trên cơ sở chuyển đổi kinh tế “xanh’ thích ứng với BĐKH, góp phần đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết tại COP26, Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050./.

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Thành Tự Anh và cộng sự (2012), Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, Báo cáo phục vụ mục đích thảo luận tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, Việt Nam.

2. Chính phủ (2022), Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày 26/7/2022, phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050.

3. Cheng, L.K., and Y.K. Kwan. (2000), “What are the Determinants of the Location of Foreign Direct Investment? The Chinese Experience, Journal of International Economics, 51(2), 379-400.

4. David Ricardo’s Discovery of Comparative Advantage (2002), History of Political Economy, Duke University Press, 34(4), 727-748.

5. Dunning J. H (1973), The determinants of international production, Oxford Economic, 31, 289-336.

6. Hà Nam Khánh Giao, Lê Quang Huy, Hà Kim Hồng & Huỳnh Diệp Trâm Anh (2015), Nghiên cứu các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư và tỉnh Cà Mau, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, số 5(44), 38-50.

7. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J., Anderson, R.E., and Tatham, R.L. (2006), Mutilvariate data analysis, 6th ed, Upper Saddle River NJ, Prentice – Hall.

8. Hoàng Ngọc Phong và cộng sự (2015), Thể chế kinh tế vùng ở Việt Nam – Hiện trạng và giải pháp, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu khoa học phát triển kinh tế và quản lý kinh tế ở Việt Nam đến năm 2020”, Mã số KX.01/11-15, Việt Nam.

IPCC- Intergovernmental Panel on Climate Change (2007), Climate Change 2007: Synthesis Report – Summary for Policymakers, Assessment of Working Groups I, II and III to the Third Assessment Report of the IPCC, Cambridge University Press.

9. Lê Tuấn Lộc, Nguyễn Thị Tuyết (2013), Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp nghiên cứu điển hình tại TP. Đà Nẵng, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 11(21), 73-78.

10. Nguyen, N.A., and Nguyen, T. (2007), Foreign Direct Investment in Vietnam: An overview and analysis the determinants of spatial distribution across provinces, MPRA Paper, No 1921.

11. Nguyễn Mạnh Toàn (2010), Các nhân tố tác động đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một địa phương của Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 5(40), 270-276, Việt Nam.

12. Nunnally, J. C., and Bernstein, I. H. (1994), Psychometric theory (3rd ed.), New York: McGraw Hill.

13. OECD (2015), Chính sách nông nghiệp Việt Nam 2015, Báo cáo rà soát nông nghiệp và lương thực của OECD.

14. OECD (2018), OECD Investment Policy Reviews: Viet Nam 2018, OECD Investment Policy Reviews, OECD Publishing, Paris.

15. Paul W. Mattessich and Barbara R.Monsey (1992), Collaboration: What makes it work. A review of research literature on factors influencing succesful collaboration, Amherst H. Wilder Foundation, St Paul, Minnesota.

16. UNCTAD (1998), World Investment Report, Geneva: United Nations.

17. UNESCAP (2003), Poverty Alleviation Through Subtainable Tourism Development, New York.

TS. Phạm Quốc Trường – Trường Đại học Phan Thiết

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)