Xem xét nhiều nội dung “nóng” về ngân hàng, tài chính

Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo Văn phòng Quốc hội.

“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận kỹ lưỡng, tập trung cho ý kiến đánh giá ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết số 42/2017/QH14; kết quả thực hiện thời gian qua, nhất là kết quả xử lý nợ xấu, tổng số nợ xấu được xử lý, làm rõ thêm nợ xấu phát sinh mới, xem xét trách nhiệm các cơ quan trong thực hiện Nghị quyết. Từ đó, xem xét các đề xuất, kiến nghị có kéo dài hay không và kéo dài bao lâu, thủ tục xem xét quyết định…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, khi phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 của UBTVQH diễn ra hôm nay (ngày 14/4). Dự kiến chương trình phiên họp kéo dài từ 14-26/4.

Xem xét nên hay không kéo dài thực hiện cơ chế xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 của UBTVQH. Ảnh: QH

Cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo tài chính nhà nước năm 2020; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH phân tích, làm rõ các vấn đề, để bảo đảm chất lượng nội dung trình Quốc hội, phản ánh đánh giá đúng tình hình, cung cấp đầy đủ thông tin và có đủ căn cứ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, có căn cứ trong nhận định đánh giá tình hình quản lý sử dụng tài chính, tài sản công…

Kiên trì khắc phục những yếu kém xây dựng pháp luật

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH cân nhắc kỹ lưỡng các dự án luật, nghị quyết dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đảm bảo tính khả thi cao nhất, sát hợp với yêu cầu thực tiễn, đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương với công tác xây dựng pháp luật, kiên trì khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập như: điều chỉnh nhiều lần Chương trình hay chậm gửi hồ sơ đến các cơ quan của Quốc hội.

Liên quan đến nội dung cho ý kiến về ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nội dung được các chủ thể chịu sự tác động rất quan tâm từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước. Đây là nội dung chưa có luật, có tính chất quan trọng, nhạy cảm, tác động đến quyền công dân, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, hết sức trách nhiệm…

“Đề nghị UBTVQH tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, chưa đủ điều kiện, chưa chín, thì để lại, không đưa các dự án luật vào Chương trình; đồng thời lưu ý về trách nhiệm của các cơ quan đề xuất, thẩm tra nội dung đưa vào Chương trình nhưng sau đó không thực hiện được…”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Các dự án luật dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH tập trung thảo luận, cho ý kiến một cách toàn diện về các dự án luật này gồm: sự cần thiết ban hành; các kết cấu cụ thể và nội dung của dự thảo luật; các nội dung trình xin ý kiến và các vấn đề lớn, quan trọng còn ý kiến khác nhau…

Đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên họp thứ 10 của UBTVQH xem xét, cho ý kiến về các nội dung quan trọng, trong đó phần lớn để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 23/5 tới.

Liên quan đến hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023. Để chương trình được triển khai hiệu quả, khả thi, tiếp tục tạo ra chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi và đối tượng giám sát của Quốc hội, UBTVQH, thì việc rà soát lựa chọn nội dung giám sát cần tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, cân nhắc hài hòa giữa các lĩnh vực, bám sát tình hình thực tiễn; các chuyên đề giám sát bảo đảm đúng, trúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng hoặc những vấn đề bức xúc nổi lên đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước và yêu cầu quản lý Nhà nước, hoạt động của Quốc hội.

Cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, ban hành Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát, các kế hoạch, đề cương giám sát huy động sự tham gia của tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 63 tỉnh/thành phố…/.