ThS. Phạm Hồng Văn

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Email: Phamhongvan23@gmail.com

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cao về số lượng công bố và sự đa dạng về chủ đề. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất ít các nghiên cứu phân tích chủ đề này theo phương pháp trc lượng thư mục. Trên cơ sở phân tích xu hướng nghiên cứu chuyển đổi số trong các NHTM tại Việt Nam thông qua phương pháp trắc lượng thư mục Biblioshiny và VOSviewer, bài viết đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo.

Từ khóa: chuyển đổi số, ngân hàng thương mại, hiệu suất ngân hàng, quản lý rủi ro tín dụng

Summary

In recent years, research on digital transformation in Vietnamese commercial banks has grown rapidly, reflected in the high growth rate in the number of publications and the diversity of topics. However, very few studies analyze this topic using the bibliometric method. Based on the analysis of research trends on digital transformation in commercial banks in Vietnam through the Biblioshiny and VOSviewer bibliometric methods, this article proposes some future research directions.

Keywords: digital transformation, commercial banks, bank performance, credit risk management

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng trên toàn cầu, chuyển đổi số đã trở thành một yếu tố then chốt giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) cải thiện hiệu quả công việc, thời gian vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh so với đối thủ. Trên cơ sở đó, nhiều ngân hàng trên thế giới đã áp dụng các công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big data) và ngân hàng di động (mobile banking), nhằm phát triển các dịch vụ tài chính số hiện đại. Xu hướng này không chỉ làm thay đổi quy trình kinh doanh, mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sự tiện lợi và cá nhân hóa.

Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là các NHTM, đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường thông qua việc triển khai các dịch vụ Fintech, ngân hàng số và ví điện tử. Những sáng kiến này góp phần tạo nên trải nghiệm người dùng liền mạch hơn. Chuyển đổi số đã và đang trở thành một xu hướng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, khi các NHTM tại Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang các dịch vụ số để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự tiện lợi và hiệu quả của khách hàng. Theo nghiên cứu của Quỳnh và Luân (2022), chuyển đổi số đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM tại Việt Nam. Tuy nhiên, các NHTM cũng đối mặt với vô vàn thách thức, như: sự chấp nhận công nghệ của khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng trên môi trường internet, tuân thủ các quy định pháp luật…

Mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực NHTM, nhưng vẫn còn rất ít các nghiên cứu phân tích chủ đề này theo phương pháp trắc lượng thư mục thông qua Rstudio tại Việt Nam. Trong phân tích mối quan hệ giữa các NHTM, các công cụ, như: CiteSpace và VOSviewer đã được sử dụng để thực hiện trắc lượng thư mục. Vì vậy, việc nghiên cứu về chuyển đổi số trong NHTM thông qua phân tích trắc lượng thư mục là điều cần thiết.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng công cụ phân tích gồm: Biblioshiny (một tiện ích của Bibliometrix trên nền tảng RStudio) và VOSviewer. Công cụ Biblioshiny được sử dụng để xử lý và phân tích dữ liệu thư mục, trong khi VOSviewer hỗ trợ xây dựng và trực quan hóa các mối quan hệ giữa các từ khóa. Áp dụng phương pháp trắc lượng thư mục (bibliometrics) để phân tích các xu hướng nghiên cứu về chuyển đổi số trong lĩnh vực NHTM tại Việt Nam. Các bước nghiên cứu được thực hiện, bao gồm: (i) Xác định mục tiêu và phạm vi nghiên cứu; (ii) Lựa chọn kỹ thuật phân tích; (iii) Thu thập dữ liệu và (iv) Phân tích dữ liệu và báo cáo kết quả (Donthu và cộng sự, 2021).

Dữ liệu được thu thập từ cơ sở dữ liệu Scopus với các từ khóa chính: “digital transformation” (chuyển đổi số), “commercial” (thương mại), “banks” (ngân hàng) và “Vietnam” (Việt Nam). Các từ khóa này được kết hợp bằng từ nối “AND” để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm. Phương pháp trắc lượng thư mục, một phương pháp định lượng được sử dụng để đo lường các thông tin khoa học, cho phép đánh giá các chỉ số quan trọng, như: số lượng công bố, tần suất từ khóa, mạng lưới đồng tác giả và các yếu tố khác liên quan đến nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ chọn các bài báo khoa học bằng tiếng Anh từ Scopus, từ năm 2021-2024. Tổng cộng có 13 bài báo phù hợp với tiêu chí tìm kiếm được đưa vào phân tích. Các bài báo này đã được kiểm tra kỹ lưỡng về tiêu đề và từ khóa nhằm phát hiện và loại bỏ những sai sót có thể ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Các công cụ Excel, Biblioshiny và VOSviewer đã được sử dụng để thực hiện phân tích trắc lượng thư mục, từ đó cung cấp cái nhìn tổng quan về xu hướng nghiên cứu chuyển đổi số trong ngành NHTM tại Việt Nam.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả nghiên cứu từ Bibliometrix

Kết quả tổng quan về chủ đề chuyển đổi số trong lĩnh vực NHTM Việt Nam

Hình 1: Bảng tổng quan thông qua phương pháp trắc lượng thư mục

Xu hướng nghiên cứu về chuyển đổi số trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Phân tích trắc lượng thư mục Biblioshiny và VOSViewer

Hình 1 cho thấy:

Thời gian nghiên cứu (2021-2024): Với từ khóa “digital AND transformation AND commercial AND banks AND Vietnam”, dữ liệu được thu thập từ năm 2021-2024 cho thấy, đây là một lĩnh vực đang phát triển khá mới mẻ, với các tài liệu được công bố trong khoảng thời gian ngắn. Điều này phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của chuyển đổi số trong ngành NHTM tại Việt Nam.

Số nguồn tài liệu (13 tài liệu): Nghiên cứu trong lĩnh vực này được xuất bản từ 13 tài liệu khác nhau. Tác giả chỉ lựa chọn các bài báo, không bao gồm các tạp chí, hội nghị khoa học… và các nguồn nghiên cứu liên quan đến công nghệ tài chính (Fintech), blockchain, AI, và ngân hàng số, vốn là những yếu tố chính của chuyển đổi số. Mặc dù số lượng 13 tài liệu có thể không lớn, nhưng điều này chỉ ra rằng, các nghiên cứu về chuyển đổi số trong NHTM vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Đây chính là là cơ hội cho các nhà nghiên cứu tại Việt Nam tiếp tục khai thác thêm trong lĩnh vực này.

Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (71%): Tỷ lệ tăng trưởng cao cho thấy, xu hướng nghiên cứu trong lĩnh vực này đang bùng nổ, đặc biệt là khi các công nghệ số ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong ngân hàng.

Số lượng tác giả (39 tác giả): Điều này phản ánh sự đóng góp tương đối đa dạng từ các nhà nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, chỉ 1 tài liệu có tác giả đơn lẻ cho thấy, nghiên cứu về chuyển đổi số trong ngân hàng chủ yếu được thực hiện theo hình thức hợp tác, với các nhóm tác giả để tận dụng chuyên môn khác nhau (công nghệ, tài chính, quản trị…).

Tỷ lệ hợp tác quốc tế (0%): Không có hợp tác quốc tế nào trong các nghiên cứu hiện tại, vì bối cảnh tác giả lựa chọn chỉ ở Việt Nam, rất sát với bối cảnh nghiên cứu mà tác giả muốn hướng đến.

Số lượng đồng tác giả trên mỗi tài liệu (3 tác giả): Trung bình, mỗi tài liệu có sự tham gia của 3 tác giả. Điều này cho thấy, các nghiên cứu đa ngành có xu hướng hợp tác để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến chuyển đổi số trong ngân hàng, đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết về tài chính và công nghệ.

Số từ khóa của tác giả (52 từ khóa): Đây là một số lượng từ khóa tương đối cao đối với chuỗi từ khóa rất ngách, đi vào ngành và lĩnh vực cụ thể tại một khu vực cụ thể. Điều này cho thấy, phạm vi nghiên cứu khá rộng và bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của chuyển đổi số, như: AI, Blockchain, ngân hàng số, Big data và quản lý rủi ro công nghệ.

Tài liệu tham khảo (442): Số lượng tài liệu tham khảo cao cho thấy, các nghiên cứu có sự tham khảo rộng rãi từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ những nghiên cứu trước đây trên thế giới về chuyển đổi số. Điều này giúp tăng độ tin cậy và tính nền tảng của các nghiên cứu.

Tuổi trung bình của tài liệu (0,923 năm): Độ tuổi trung bình của tài liệu dưới 1 năm cho thấy, hầu hết các tài liệu nghiên cứu đều rất mới và cập nhật, phản ánh một lĩnh vực đang thay đổi nhanh chóng và cần phải liên tục nghiên cứu thêm.

Số lượng trích dẫn trung bình trên mỗi tài liệu (5): Với trung bình 5 trích dẫn trên mỗi tài liệu cho thấy, các nghiên cứu trong lĩnh vực này đang bắt đầu có sức ảnh hưởng nhất định, nhưng vẫn còn cần thêm thời gian để tăng mức độ phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng nghiên cứu toàn cầu.

Các tác giả nổi bật nhất

Hình 2: Các tác giả nổi bật nhất

Xu hướng nghiên cứu về chuyển đổi số trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Phân tích trắc lượng thư mục Biblioshiny và VOSViewer

Hình 2 thể hiện sự đa dạng của các tác giả. Việc có nhiều tác giả khác nhau với chỉ 1 tài liệu được công bố cho thấy, nghiên cứu này đang được đóng góp bởi nhiều nhà nghiên cứu khác nhau, nhưng không có ai chiếm ưu thế về số lượng công bố. Giống như với các nguồn tài liệu, việc nghiên cứu được đóng góp bởi nhiều tác giả cho thấy, chủ đề này đang thu hút sự quan tâm từ nhiều góc độ khác nhau và không chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ các tác giả.

Các tổ chức nghiên cứu nổi bật nhất

Hình 3: Các tổ chức nghiên cứu nổi bật nhất

Xu hướng nghiên cứu về chuyển đổi số trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Phân tích trắc lượng thư mục Biblioshiny và VOSViewer

Với 5 bài nghiên cứu, Học viện Ngân hàng là cơ sở đóng góp nhiều nhất trong danh sách, chứng tỏ đây là cơ sở nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này và cho thấy vai trò quan trọng của trường trong việc thúc đẩy nghiên cứu về chủ đề này. Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Đà Nẵng đều đóng góp 3 bài nghiên cứu; tiếp theo là các cơ sở khác, như: Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Đại học Murdoch và Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội với mỗi cơ sở có 2 bài nghiên cứu. Điều này cho thấy sự quan tâm đến lĩnh vực này không chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể, mà còn trải rộng khắp các trường đại học trên cả nước, thậm chí bao gồm các tổ chức quốc tế như: Đại học Murdoch. Các trường còn lại, bao gồm: Đại học Bình Dương, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh và Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Phân tích trích dẫn

Hình 4: Phân tích trích dẫn

Xu hướng nghiên cứu về chuyển đổi số trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Phân tích trắc lượng thư mục Biblioshiny và VOSViewer

Sử dụng VOSviewer để phân tích cụm từ khóa

Hình 5: Mạng lưới trực quan hóa các từ khóa liên quan đến chủ đề “digital transformation” trong lĩnh vực NHTM Việt Nam

Xu hướng nghiên cứu về chuyển đổi số trong ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Phân tích trắc lượng thư mục Biblioshiny và VOSViewer

Hình 5 từ VOSviewer hiển thị mạng lưới từ khóa liên quan đến chủ đề “digital transformation” (chuyển đổi số) trong ngành NHTM Việt Nam từ năm 2021-2024. Các cụm từ khóa được phân thành các nhóm dựa trên mức độ liên quan và có màu sắc biểu thị thời gian xuất hiện của chúng: từ màu xanh dương (2021) đến màu vàng (2024), cho thấy:

Cụm màu vàng đậm liên quan đến các từ khóa, như: “credit risk”, “Vietnamese commercial banks”, “external environment” thể hiện các khía cạnh phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro tín dụng trong quá trình chuyển đổi số. Mối quan hệ của các từ khóa ngụ ý rằng, các ngân hàng Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra an toàn và hiệu quả.

Cụm màu vàng nhạt, tập trung chủ yếu vào các từ: “control system”, “design thinking”, “employee competence”, “manager’s perception” cho thấy, tư duy thiết kế và nâng cao năng lực nhân viên là quan trọng để hỗ trợ và kiểm soát quá trình chuyển đổi số trong môi trường ngân hàng. Cụm này liên quan đến các hệ thống kiểm soát, phương pháp thiết kế tư duy (design thinking) và năng lực của nhân viên. Điều đó phản ánh cách các nhà quản lý và nhân viên trong ngành ngân hàng đánh giá và triển khai chuyển đổi số.

Cụm màu xanh lá đậm, chủ yếu tập trung vào các từ: “Vietnam”, “commercial banks”, “developing”… Các từ khóa này chủ yếu tập trung vào mối liên hệ với các yếu tố, như: “customer loyalty” (lòng trung thành của khách hàng) và “employee competence” (năng lực của nhân viên), cho thấy chuyển đổi số được ứng dụng để thúc đẩy sự phát triển và duy trì khách hàng trung thành.

Cụm màu xanh lá nhạt, tập trung vào các từ: “digital transactions” và “commercial bank” cho thấy, các dịch vụ ngân hàng số và giao dịch kỹ thuật số là trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số tại các NHTM. Mối quan hệ giữa “digital banking” và “digital transformation” cho thấy tầm quan trọng của dịch vụ ngân hàng số trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Cuối cùng, thanh màu thời gian (2021-2024): Các từ khóa ở màu xanh tím (năm 2021) đại diện cho các khái niệm cốt lõi của chuyển đổi số, như: “digital banking” và “commercial banks”. Những từ khóa này xuất hiện sớm và đặt nền móng cho sự phát triển của quá trình chuyển đổi số tại các NHTM tại Việt Nam. Các từ khóa màu vàng nhạt (năm 2024), như: “employee competence”, “manager’s perception” và “design thinking” xuất hiện gần đây cho thấy, xu hướng chuyển đổi số đang tập trung vào yếu tố con người và tư duy thiết kế, cũng như điều chỉnh hệ thống kiểm soát trong bối cảnh rủi ro cao hơn (Feliciano-Cestero và cộng sự, 2023). Điều này cho thấy một bức tranh toàn diện về quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong các NHTM tại Việt Nam; trong đó, hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro là các ưu tiên hàng đầu (Cẩm Thư, 2022; Cấn Văn Lực và cộng sự, 2023).

HƯỚNG NGHIÊN CỨU

Dựa vào kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo như sau:

Nghiên cứu sâu về yếu tố con người trong chuyển đổi số: Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, các nghiên cứu tiếp theo có thể tập trung vào năng lực của nhân viên và nhận thức của nhà quản lý đối với chuyển đổi số. Đặc biệt, việc phát triển các kỹ năng số và tư duy sáng tạo có thể giúp nhân viên thích nghi tốt hơn với các thay đổi.

Quản lý rủi ro tín dụng trong môi trường số hóa: Với sự gia tăng của các giao dịch số và ngân hàng số, quản lý rủi ro tín dụng trở thành mối quan tâm lớn. Nghiên cứu tương lai có thể tập trung vào việc phát triển các phương pháp mới để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của NHTM.

Tích hợp công nghệ tiên tiến vào dịch vụ ngân hàng: AI, Blockchain và phân tích dữ liệu lớn tiếp tục là các công nghệ then chốt trong chuyển đổi số. Các nghiên cứu tiếp theo có thể tìm hiểu cách tích hợp và tối ưu hóa việc sử dụng các công nghệ này để nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu về chuyển đổi số trong các NHTM Việt Nam cho thấy, đây là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng cao về số lượng công bố và sự đa dạng về chủ đề. Phân tích trắc lượng thư mục đã giúp xác định các yếu tố chính trong chuyển đổi số, bao gồm: hiệu quả hoạt động, rủi ro tín dụng, lòng trung thành của khách hàng và năng lực nhân viên. Các công nghệ số, như: AI, Blockchain, dữ liệu lớn và ngân hàng số đã thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động của NHTM, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sự tiện lợi và bảo mật của khách hàng.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi số trong NHTM Việt Nam hiện nay gặp phải một số thách thức, như: sự chấp nhận công nghệ từ phía khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng trong bối cảnh số hóa và yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Basel III. Đồng thời, các yếu tố nội bộ, như: năng lực của nhân viên và tư duy thiết kế của người quản lý cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thành công các giải pháp chuyển đổi số (Vuong và Nguyen, 2024)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia (2023), Chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam: Cơ hội, thực trạng và giải pháp, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-viet-nam-co-hoi-thuc-trang-va-giai-phap-52299.html.

2. Cù Nguyễn Hà Trang, Trần Linh Anh, Lê Minh Anh và Nguyễn Thị Thu Huyền (2024), Chuyển đổi số: Tác động của ứng dụng công nghệ thông tin tới rủi ro của ngân hàng thương mại, VNU Journal of economics and business, 4(1), https://doi.org/10.57110/jebvn.v4i1.248.

3. Đoàn Thị Cẩm Thư (2022), Chuyển đổi số ngành Ngân hàng – Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm.

4. Donthu, N., Kumar, S., Mukherjee, D., Pandey, N., and Lim, W. M. (2021), How to conduct a bibliometric analysis: An overview and guidelines, Journal of Business Research, 133, https://doi.org/10.1016/j.jbusres.2021.04.070.

5. Feliciano-Cestero, M. M., Ameen, N., Kotabe, M., Paul, J., and Signoret, M. (2023), Is digital transformation threatened? A systematic literature review of the factors influencing firms’ digital transformation and internationalization, Journal of Business Research, 157, https://doi.org/10.1016/J.JBUSRES.2022.113546.

6. Patel, R. J., and Siddiqui, A. (2023), Banking service quality literature: a bibliometric review and future research agenda, In Qualitative Research in Financial Markets, 15(5), https://doi.org/10.1108/QRFM-01-2022-0008.

7. Phạm Tiến Dũng (2021), Chuyển đổi số – Xu hướng tất yếu trong hoạt động ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, 1.

8. Quỳnh, N. T. N., và Luân, L. Đ. (2022), Tác động của chuyển đổi số đến năng lực cạnh tranh của các NHTM tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh – Kinh tế và Quản trị kinh doanh, 18(2), 104-118, https://doi.org/10.46223/hcmcoujs.econ.vi.18.2.2098.2023.

9. Trịnh Đoàn Tuấn, L. (2024), Tác động của chuyển đổi số đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, https://doi.org/10.33301/jed.vi.1284.

10. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://books.google.com/books/about?id=vy4ZEQAAQBAJ

11. https://www.vosviewer.com/.

12. https://www.bibliometrix.org/home/index.php/layout/biblioshiny.

Ngày nhận bài: 26/10/2024; Ngày phản biện: 05/11/2024; Ngày duyệt đăng: 13/11/2024