Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023 diễn ra sáng 30/11, ông Arnaud Ginolin – Tổng giám đốc BCG Việt Nam cho biết, các cam kết về mục tiêu phát triển bền vững vẫn đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình toàn cầu, gần đây nhất là các cam kết được củng cố tại Hội nghị thượng đỉnh Mục tiêu Phát triển Bền vững tại New York 2023, Hội nghị thượng đỉnh Paris về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới và các cam kết khác, bao gồm phát triển bền vững về kinh tế và môi trường, cũng như hòa nhập xã hội…

5 khuyến nghị đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và toàn diện ở Việt Nam
Tổng giám đốc BCG Việt Nam Arnaud Ginolin đánh giá, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ hướng tới sự phát triển xanh

Hiện tại, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi xanh, chẳng hạn như Mỹ tạo ra 100.000 việc làm xanh từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, Hàn Quốc huy động được 92 tỷ USD làm quỹ chính phủ quốc gia để thực hiện trung hòa carbon trong 5 năm (2023 – 2028), hay Trung Quốc tăng 50% tổng công suất điện mặt trời lắp đặt năm 2023 so với năm 2022…

5 khuyến nghị đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và toàn diện ở Việt Nam
Các chuyên gia, tổ chức quốc tế dành nhiều sự quan tâm tới Diễn đàn

Theo đại diện BCG Việt Nam, những yếu tố dẫn đến thành công trong thực hiện tăng trưởng xanh của các quốc gia gồm:

(i) Khuôn khổ pháp lý: Các quốc gia xanh hàng đầu đều xây dựng khung chính sách rõ ràng, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế xanh. Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát được ban hành thành luật quy định về các khoản trợ cấp, khoản vay cho tất cả các ngành kinh tế xanh, hay Kế hoạch Good Neighbor ban hành để hạn chế lượng khí thải NOx…

(ii) Cơ chế ưu đãi/khuyến khích: Singapore đã xây dựng một số ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

(iii) Chương trình thí điểm: Chương trình thí điểm xanh được triển khai rộng rãi tại các quốc gia hàng đầu, để thử nghiệm các lĩnh vực xanh và cơ chế khuyến khích liên quan như: thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2; chương trình dự án thí điểm nhiên liệu hydrocarbon tổng hợp; cung cấp tài chính xanh…

(iv) Quản trị và truyền thông: Singapore đã thành lập đội ngũ liên bộ để thực hiện chương trình truyền thông và nâng cao nhận thức của các đơn vị và người dân về tăng trưởng xanh.

Với Việt Nam, ông Arnaud Ginolin đánh giá đã đạt được nhiều tiến bộ hướng tới sự phát triển xanh và bao trùm. Chính phủ đã đưa ra các cam kết để cải thiện tất cả các khía cạnh của sự phát triển xanh và toàn diện tại COP26 là: phát thải ròng bằng 0 trước 2050; loại bỏ dần sản xuất điện than trước năm 2040.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đưa ra là cường độ phát thải khí nhà kính/GDP giảm 30% so với năm 2014 vào năm 2050 và nền kinh tế số chiếm 50% GDP.

Để hiện thực hóa các cam kết trên, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cùng bối cảnh ở Việt Nam, ông Arnaud Ginolin đưa ra 5 khuyến nghị nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và toàn diện ở Việt Nam:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam.

Thứ hai, ra mắt cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh. Cần nhanh chóng triển khai đợt đầu tiên với các ưu đãi liên ngành, được phê duyệt ở cấp bộ và mở rộng quy mô với những đợt ưu đãi cụ thể theo ngành.

Thứ ba, hỗ trợ dự án thí điểm xanh. Cần có cơ chế ưu đãi dành riêng cho các dự án thí điểm xanh trong các lĩnh vực trọng tâm, tạo môi trường hấp dẫn cho doanh nghiệp kiểm thử, học hỏi và mở rộng quy mô đầu tư.

Thứ tư, thúc đẩy tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường carbon, tài chính hỗn hợp.

Thứ năm, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, triển khai truyền thông đa kênh với các chương trình toàn quốc và cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân, trong nước và quốc tế./.