Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, diễn ra hôm nay (4/7), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023.

6 tháng cuối năm: Khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Snhr: VGP

Kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng cơ bản ổn định

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng cơ bản ổn định. Nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước, cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng thông tin, nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cơ bản đã xác định được các khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế; có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Cùng với đó là chuẩn bị chu đáo, chất lượng, bảo đảm an toàn, đóng góp quan trọng vào sự thành công của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; quyết liệt triển khai công việc được giao, vừa tập trung xử lý vấn đề tồn đọng, kéo dài, vấn đề mới phát sinh, làm tốt công tác an sinh xã hội; vừa cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận rằng, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, lao động – việc làm, an sinh xã hội… Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023

Trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023.

Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, cần ý thức được nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra.

Những giải pháp điều hành trọng tâm trong 6 tháng cuối năm

Vì thế, trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng chỉ rõ, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm.

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 33/NQ-CP về thị trường bất động sản, Nghị quyết số 06/NQ-CP về thị trường lao động… Theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, tổ chức vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả./.