Golf là môn thể thao có lịch sử lâu đời với hơn 600 năm phát triển. Khởi nguồn từ Scotland, Golf ngày nay đã trở nên thịnh hành và phát triển mạnh mẽ tại Mỹ và các quốc gia châu Âu. Tại châu Á thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan là những nước có số lượng người chơi đông nhất và có số lượng sân golf lớn nhất.

Bài 1: Quy hoạch sân golf - Cơ hội nào cho sự phát triển? [1]
Sân golf Đại Lải Vĩnh Phúc

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1930 với sân golf đầu tiên là sân Đồi Cù (Đà Lạt), đến nay, phong trào chơi golf và đầu tư vào các dịch vụ golf đã và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người chơi cũng như các sân golf mới được xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác.

Một số thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có gần 150.000 người chơi golf và 80 sân golf đang trong quá trình khai thác, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc với 25 sân (rải rác tại các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình,… )

Nhìn từ thực tế hoạt động của các sân golf tại Việt Nam có thể thấy, golf đang có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, cùng với đó là những đóng góp đối với việc phát triển du lịch và văn hóa[2] . Theo thống kê từ Hiệp hội du lịch golf Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch golf trong số 6,6 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Ví dụ như tại tỉnh Vĩnh Phúc – địa phương có 4 sân golf nổi tiếng là Đầm Vạc, Tam Đảo, Đại Lải, Thanh Lanh và sở hữu cơ sở hạ tầng sân golf hiện đại nhất tại miền Bắc. Với tiềm năng, lợi thế vốn có, nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm du lịch kết hợp thể thao golf thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Sau khi bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, thời gian gần đây, cùng với phong trào golf, các sân golf tiếp tục được bổ sung vào các quy hoạch tỉnh đang được triển khai theo Luật Quy hoạch mới số 21/2017/QH14.

Số liệu thống kê cho hay, giai đoạn từ tháng 11/2022 – 3/2023, đã có gần 3.000 golfer (người chơi golf) từ Hàn Quốc đến Vĩnh Phúc trải nghiệm, sử dụng sản phẩm du lịch này và đóng góp không nhỏ vào ngân sách tỉnh, tạo ra việc làm cho số lượng lớn lao động.

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của golf, tuy nhiên khi mà golf từ trào lưu của một môn thể thao rèn luyện sức khoẻ của một bộ phận những người có thu nhập cao, nay trở thành lĩnh vực mà nhiều địa phương đang xác định sẽ là một trong những động lực phát triển kinh tế – xã hội của thời kỳ tới (thông qua việc việc hoạch hàng loạt sân golf trong quy hoạch tỉnh), thì rõ ràng cần xem xét một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng các vấn đề có liên quan, đặc biệt là những tác động của việc phát triển golf tới môi trường, tài nguyên, an ninh lương thực…

Vậy đâu là cơ hội và nguy cơ tiềm ẩn ra sao đối với việc quy hoạch và phát triển Golf tại Việt Nam trong thời gian tới?

Golf hiện được chơi ở 206 trên tổng số 251 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo thống kê của The R&A và Sports Marketing Surveys (SMS), đến cuối năm 2021, cả thế giới có 66,6 triệu người chơi golf, trong đó riêng châu Á có khoảng 23,3 triệu người chơi. Những quốc gia phát triển Golf nhất tại Châu Á là: Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Nhật Bản hiện có khoảng 14 triệu người, Hàn Quốc có hơn 5,6 triệu người chơi golf.

Các hoạt động từ du lịch golf được xác định là có những đóng góp nhất định vào kinh tế địa phương. Theo một điều tra của KPMG, khách du lịch golf tham gia các golf tour khoảng cách di chuyển đến điểm đến gần (short – haul) có chuyến đi kéo dài khoảng 3-4 ngày. Với các điểm đến xa (long – haul), chuyến đi có thể kéo dài từ 1-2 tuần. Đặc điểm này cho thấy, bên cạnh khả năng chi tiêu cao, khách du lịch golf còn là tệp khách hàng rất tiềm năng về dịch vụ lưu trú dài ngày.

Tổ chức du lịch golf thế giới (IAGTO) cũng đánh giá: Khách du lịch golf thường có mức chi tiêu nhiều gấp 2 lần so với khách du lịch thông thường, và du lịch golf hiện đang xếp thứ 3 về khuyến khích chi tiêu du lịch tại châu Á. Theo đó, trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do Covid-19, ngành kinh doanh du lịch golf tại Việt Nam từng mang lại doanh thu gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm[3] .

Trong tổng số 30 tỉnh được phê duyệt và 33 tỉnh đã trình thẩm định quy hoạch, đã xác định được khoảng 98 sân golf và 11 cụm sân golf nằm trong các quy hoạch được phê duyệt và 160 sân golf nằm trong các quy hoạch tỉnh đang trình thẩm định. Trong đó, các tỉnh quy hoạch nhiều sân golf nhất là Lâm Đồng với 25 sân, một số tỉnh như Quảng Ngãi, Cần Thơ… cũng có tối thiểu 1 sân golf.

Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển golf. Với cảnh quan đẹp và các chi phí dịch vụ phải chăng, các sân golf tại Việt Nam dần trở thành điểm đến ưa thích của các golfer trên khắp thế giới, đặc biệt là các khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong 2 năm 2019 và 2021, Việt Nam được Tổ chức Golf World Award bình chọn là điểm đến golf tốt nhất thế giới và 5 năm liên tục (kể từ năm 2017) là điểm đến golf tốt nhất châu Á.

Nắm bắt xu thế phát triển, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đưa các sân golf vào trong quy hoạch và xác định golf như là một trong những động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới. Trước khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực, cả nước vẫn còn các quy hoạch sản phẩm, trong đó có quy hoạch sân golf, Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam xác định, đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 sân golf.

Tuy vậy, sau khi bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, thời gian gần đây, cùng với phong trào golf, các sân golf tiếp tục được bổ sung vào các quy hoạch tỉnh đang được triển khai theo Luật Quy hoạch mới số 21/2017/QH14.

Theo đó, cho đến tháng 1/2024, trong tổng số 30 tỉnh được phê duyệt và 33 tỉnh đã trình thẩm định quy hoạch, đã xác định được khoảng 98 sân golf và 11 cụm sân golf nằm trong các quy hoạch được phê duyệt và 160 sân golf nằm trong các quy hoạch tỉnh đang trình thẩm định. Trong đó, các tỉnh quy hoạch nhiều sân golf nhất là Lâm Đồng với 25 sân, một số tỉnh như Quảng Ngãi, Cần Thơ… cũng có tối thiểu 1 sân golf.

Như vậy trong tương lai, đến năm 2050 Việt Nam sẽ có khoảng 269 sân golf quy hoạch mới và 104 sân golf hiện trạng. Nếu so sánh số sân golf này trên tổng dân số dự báo (khoảng 108,5 triệu dân vào năm 2049 theo kịch bản của Tổng cục thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc) với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, thì số lượng sân chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, nếu xem xét về ảnh hưởng của sân golf đến các vấn đề như: tác động môi trường, chiếm dụng tài nguyên đất, nước…, thì có lẽ lãnh đạo các địa phương đang muốn đẩy mạnh phát triển sân golf sẽ cần cân nhắc một cách cẩn trọng về số lượng, vị trí và quy mô phát triển của các sân golf./.


[1] Hiện trên thế giới có khoảng hơn 60 triệu người chơi golf, trong đó nhiều nhất là Mỹ, hơn 27 triệu, tiếp đến là Nhật Bản (hơn 14 triệu), các nước châu Âu (6), canada (5), UK (4). Độ tuổi chính của người tham gia môn thể thao golf là trung niên (40-55) và hưu trí (trên 55). Với việc đi lại giữa các điểm đến chơi golf trên thế giới, người chơi golf chính là những khách du lịch golf và đây là thị trường khách du lịch cao cấp, có khả năng chi tiêu cao và khả năng lưu trú khá dài. Theo đánh giá của Tổ chức du lịch golf thế giới (IAGTO), khách du lịch golf thường có mức chi tiêu nhiều gấp 2 lần so với khách du lịch thông thường và du lịch golf hiện đang xếp thứ 3 về khuyến khích chi tiêu du lịch tại châu Á. Trung bình hàng năm có khoảng 1,9 triệu “golf thủ” thường xuyên di chuyển tới chơi ở các sân golf khác nhau. Tùy thuộc vào điểm đến của chuyến đi du lịch golf mà có du lịch golf quốc tế và nội địa.

[2] Ví dụ như tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2022, các sân golf của tỉnh đã đóng góp vào ngân sách tỉnh … tỷ đồng, tạo ra … việc làm. Bên cạnh đó, với việc có 4 sân golf đang hoạt động, tỉnh đã đón tiếp … du khách quốc tế đến du lịch kết hợp chơi golf.

[3] https://nhipcaudautu.vn/phong-cach-song/khach-du-lich-choi-golf-dang-tro-lai-viet-nam-3356167/

TS. Hán Minh Cường

Chủ tịch HĐQT – Công ty Cổ phần Tập đoàn S-Group Việt Nam