200 trang thông tin điện tử không phép đăng tin giả, sai sự thật…

Theo Bộ Công an, tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, nên đặt ra yêu cầu chế tài xử phạt hành chính về an ninh mạng. Cụ thể, hệ thống mạng thông tin Việt Nam tiếp tục đối mặt với hoạt động tấn công mạng, một số vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, để lại hậu quả lớn. Đối với hành vi chưa tới mức xử lý hình sự, mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe vì lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần với mức xử phạt. Tình trạng lộ thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Mặc dù năm nào cũng tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng do không có chế tài đủ sức răn đe nên hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra.

Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Công an, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Chỉ tính riêng tình hình dịch Covid-19, cơ quan công an đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, có xử phạt vi phạm hành chính nhưng mức độ chưa đủ sức răn đe. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho 455 mạng xã hội trong nước. Một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật. Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”. Hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, Youtube…

Bộ Công an lấy ý kiến về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng
Theo Bộ Công an, hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật diễn ra thường xuyên trên Youtube

Bộ Công an cũng cho biết, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng chủ yếu do hàng chục “nhà cái” ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước (đại lý) xây dựng các đường dây, thiết lập hàng nghìn trang web, tên miền, số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày. Trong khi đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục hoạt động mạnh ở Việt Nam; gia tăng nhiều trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc hoặc có nội dung nhạy cảm về chính trị, chứa đựng yếu tố khiêu dâm, bạo lực; nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng. Hoạt động “tín dụng đen” trên mạng xuất hiện hình thức mới (cho vay ngang hàng – P2P Lending) có dấu hiệu cho vay nặng lãi, một số vụ có đối tượng người nước ngoài tham gia; đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để núp bóng hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho tổ chức khủng bố hoặc huy động tài chính đa cấp. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong Luật An ninh mạng và một số văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt…

Đề xuất nhiều chế tài xử lý

Trước tình trạng an ninh mạng diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ cho xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng. Ngày 20/9, sau khi hoàn thành hồ sơ dự thảo Nghị định, Bộ Công an đã công khai để lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đề xuất của Bộ Công an, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng là 1 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, cung cấp, khai thác, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.

Liên quan đến chế tài xử lý vi phạm, Bộ Công an đề xuất, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện, tài liệu vi phạm hành chính; cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc gỡ bỏ chương trình, phần mềm; buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, ngừng cung cấp dịch vụ gây hại về an ninh mạng; buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính…

Đáng chú ý, dự thảo quy định phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong những hành vi như: làm ra và phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; làm ra và phát tán thông tin có nội dung phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…/.