Xây dựng một đạo luật riêng, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu “Đến 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” và các mục tiêu cụ thể được đặt ra là “tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2025, tỷ trong công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.

Trước đó, ngày 22/3/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra các mục tiêu về phát triển công nghiệp.

Mới đây nhất, ngày 27/7/2021, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, lần đầu tiên mục tiêu về tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP lần đầu tiên được đặt ra là “đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và mức đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong giai đoạn tới phải duy trì ở mức trên 16%/năm, trong khi mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2011-2020 là trên 11%. Và để đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng, ngành chế biến chế tạo mỗi năm cần nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng từ 800 ngàn đến 1 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần khoảng từ 60-90 ngàn tỷ đồng.

Bộ Công Thương lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp
Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Về hệ thống pháp lý liên quan đến phát triển công nghiệp, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có Luật riêng để điều chỉnh, thì các hoạt động trong các ngành chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, và giữa các bộ, ngành liên quan, từ đó chưa thể chế hóa hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.

Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp (đặc biệt là trong bối cảnh khi các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng điều chỉnh), mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ (tiến hành trong giai đoạn 2021-2025) và Luật Phát triển công nghiệp (tiến hành trong giai đoạn 2023-2025).

Điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên

Theo dự thảo, phạm vi của Luật Phát triển công nghiệp là chỉ điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, gồm:

a) Công nghiệp hỗ trợ;

b) Công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm);

c) Công nghiệp cơ khí;

d) Công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng;

đ) Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp bao gồm 8 chương: Quy định chung, Định hướng phát triển công nghiệp, Năng lực cạnh tranh công nghiệp, Chính sách quản lý đầu tư cho phát triển công nghiệp, Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Cụm liên kết ngành công nghiệp, Phát triển bền vững trong công nghiệp, Điều khoản thi hành.

Các nội dung của Luật sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.

Việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.