Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (FTA Việt Nam – EFTA)

Theo Bộ Công Thương, hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn và cấp kỹ thuật. Hiện tại, hai bên đã xác định được các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quan trọng của Hiệp định như thương mại hàng hóa, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục thúc đẩy việc nối lại đàm phán và nỗ lực xử lý những vấn đề còn tồn tại để có thể sớm kết thúc đàm phán trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai phía, theo đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ (có thêm 1 nhóm đã kết thúc đàm phán).

Trên cơ sở lời mời của Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, vào ngày 10 -11/5/2023, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp cấp cao giữa Việt Nam với Bộ Kinh tế Thụy Sỹ (SECO) và Ban Thư ký EFTA tại Giơnevơ, Thụy Sỹ để trao đổi về định hướng đàm phán Hiệp định này trong thời gian tới.

Buổi làm việc đã đạt được kết quả tích cực với việc hai bên thống nhất được cách tiếp cận và định hướng lớn để giải quyết thỏa đáng tất cả các vấn đề, vướng mắc chính trong đàm phán hiện nay.

Các định hướng này bảo đảm sự cân bằng về lợi ích giữa hai bên, đáp ứng được các lợi ích thực chất của Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên sẽ nối lại các cuộc đàm phán để sớm kết thúc việc đàm phán FTA này.

Bộ Công Thương thông tin về tình hình đàm phán, ký kết các FTA của Việt Nam

FTA Việt Nam – EFTA đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Ixraen (VIFTA)

Với việc kết thúc thảo luận đối với tất cả các nội dung của Hiệp định, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2130/VPCP-QHQT, ngày 31/3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thăm và làm việc tại Ixraen từ ngày 2-4/4/2023.

Ngày 2/4/2024, Đoàn do Bộ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Ixraen Nir Barkat để thống nhất nội dung và chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định VIFTA.

Sau khi hai bên đã thống nhất toàn bộ nội dung FTA Việt Nam – Ixraen trên cơ sở phương án đàm phán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 4224/VPCP – QHQT, ngày 25/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Ixraen đã ký Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán, ghi nhận biên bản làm việc của Đoàn đàm phán hai bên về toàn bộ các nội dung của Hiệp định.

Sau khi Việt Nam và Ixraen đưa ra Tuyên bố chung về việc kết thúc đàm phán VIFTA vào ngày 2/4/2023, hai nước đã nỗ lực thúc đẩy các công tác nội bộ và rà soát pháp lý trong nước để sớm chính thức ký kết Hiệp định.

Được sự đồng ý của Chính phủ tại Nghị quyết số 110/NQ-CP, ngày 21/7/2023 và Giấy ủy quyền của Bộ Ngoại giao ngày 22/7/2023, ngày 25/7/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ixraen của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Ixraen Nir Barkat, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, đã ký Hiệp định VIFTA.

Bộ Công Thương đang tiến hành các thủ tục nội bộ theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 để trình Chính phủ phê duyệt Hiệp định VIFTA và sớm đưa Hiệp định vào thực thi dự kiến vào đầu năm 2024.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam (FTA) và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE)

Ngày 6/4/2023, trong khuôn khổ chương trình đoàn công tác thăm và làm việc tại UAE, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về ý định tiến tới đàm phán Hiệp định CEPA.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đoàn do Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã sang Việt Nam vào ngày 5/6/2023 để tham dự Phiên họp lần thứ nhất về Hiệp định CEPA giữa Việt Nam và UAE, trong đó đã thống nhất lời văn TOR và thảo luận về các lĩnh vực dự kiến của CEPA, bao gồm: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, thương mại điện tử, hợp tác hải quan, phòng vệ thương mại, pháp lý – thể chế…

Được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thảo luận với UAE từ ngày 5-7/6/2023 tại Hà Nội về một số nội dung chính của CEPA như: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, pháp lý và thể chế, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử/thương mại số, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hợp tác kinh tế, quyền sở hữu trí tuệ…

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ Phương án tổng thể về đàm phán CEPA giữa Việt Nam và UAE.

Theo yêu cầu của Việt Nam, UAE đã đồng ý tổ chức phiên đàm phán trực tuyến từ ngày 15-18/8/2023 về CEPA giữa Việt Nam và UAE về các nội dung: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, pháp lý và thể chế, phòng vệ thương mại, thương mại số, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hợp tác kinh tế, quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ. Phiên đàm phán đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp duy trì động lực đàm phán và tạo cơ sở quan trọng cho phiên đàm phán tiếp theo.

Việc đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh (UK)

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đến xây dựng phương án và tham gia đàm phán về việc gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh; chuẩn bị nội dung và tham dự 3 phiên họp chính thức cấp Trưởng đoàn đàm phán và 3 phiên họp cấp Bộ trưởng CPTPP để thảo luận về vấn đề này.

Tại phiên họp Hội đồng CPTPP diễn ra trực tiếp tại Niu Di-lân vào tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cùng đại diện được ủy quyền của các nước ký văn kiện gia nhập của Vương quốc Anh.

Bộ Công Thương đang xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên năm 2024.

Các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Ốt-xtrây-li-a – Niu Di-lân (AANZFTA). Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định AANZFTA hướng tới mục tiêu cùng các nước ASEAN và Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân cùng ký Nghị định thư trong năm 2023.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham dự 2 phiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada theo hình thức trực tuyến vào tháng 4 và tháng 6/2023;

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham gia 2 phiên đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc tại Thái Lan vào tháng 4 và tại Trung Quốc vào tháng 6/2023.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham dự 3 phiên đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tại In-đô-nê-xi-a vào tháng 2, tháng 5 và tháng 7/2023./.