Phát biểu tại phiên Tọa đàm đối thoại trong khuôn khổ Diễn đàn SRBF 2023 diễn ra sáng nay, ngày 7/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với nền tảng hợp tác tốt đẹp, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cùng chia sẻ tiềm năng, lợi thế, cơ hội mà hai bên có thể hợp tác tới đây, đặc biệt là cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực trụ cột quan trọng được cả hai bên cùng quan tâm như: tăng trưởng xanh, kinh tế số, đào tạo nhân lực, chuyển đổi năng lượng.

“Tôi và ngài Bộ trưởng Singapore đã có sự trao đổi với nhau xoay quanh 6 trụ cột trong hợp tác tới đây, thống nhất có thể mở rộng bổ sung thêm hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số và tăng trưởng xanh. Chúng tôi cũng nói với nhau nhiều về việc tận dụng cơ hội mới để phát triển năng lượng xanh, đào tạo nhân lực, kết nối hai nền kinh tế, hai khu vực doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp Singapore và Việt Nam, vốn là những vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước tại phiên Tọa đàm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và Singapore về tăng trưởng xanh, kinh tế số và đào tạo nhân lực
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại phiên Tọa đàm và đối thoại trong khuôn khổ Diễn đàn SRBF 2023

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện rất dồi dào, là lợi thế lớn của Việt Nam, tuy nhiên, nếu không đào tạo bài bản, thì sẽ không phát huy được thế mạnh này. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, song 10 năm nữa sẽ bước sang giai đoạn già hoá dân số. Do đó, hai bên cần tích cực đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ hiệu quả cho việc tăng cường hợp tác của hai nền kinh tế hiện nay và giai đoạn tới.

Bộ trưởng cũng nêu một vấn đề đang tồn tại hiện nay trong hoạt động hợp tác đầu tư, đó là doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đang bị tách rời giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khó có điều kiện vươn lên đảm bảo tiêu chuẩn và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, kết nối chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. “Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Do đó, chúng tôi mong muốn Singapore cùng hợp tác trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, bổ sung bổ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác trên tinh thần hai bên cùng thắng, để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên cùng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực toàn cầu. Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với Singapore và toàn cầu nói chung trong các ngành công nghiệp mới nổi, trong việc giải quyết các thách thức của Việt Nam hiện nay, cũng như trong hợp tác về tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, trong bối cảnh chung toàn cầu và khu vực đang có nhiều biến chuyển khó lường, bên cạnh hàng loạt các cơ hội lớn, thì cũng có nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Do đó, điều quan trọng là hai bên cùng nhận diện được các thách thức để cùng giải quyết các vấn đề, cùng nhận diện cơ hội để tăng hợp tác nội khối và trong khu vực để hai bên cùng có lợi và cùng thắng.

Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp Singapore về vấn đề tăng trưởng xanh tại phiên tọa đàm và đối thoái, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tăng trưởng xanh là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoài xu thế này. Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nên đã xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như kế hoạch thực thi chiến lược, đang triển khai 4 nhóm mục tiêu, giải pháp bao gồm: giảm cường độ phát thải, xanh hoá các ngành kinh tế, xanh hoá lối sống tiêu dùng, và các hoạt động đều dựa trên nguyên tắc bình đẳng bao trùm. Hiện Việt Nam dựa trên 4 mục tiêu này để triển khai rất quyết liệt các chương trình và dự án cụ thể.

Nhắc lại cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26): Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam vì hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, có nhu cầu đầu tư rất lớn về công nghệ, tài chính, do đó, với việc thực thi cam kết này Việt Nam sẽ khó khăn hơn các nước phát triển trong phát triển kinh tế.

“Điều này cho thấy, Việt Nam rất quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững. Do đó, chúng tôi rất mong các nước nói chung, Singapore nói riêng cùng hợp tác tích cực và cùng chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này. Chúng tôi cũng đã lập ra cơ quan chuyên trách thực thi, huy động các nguồn lực thực hiện, đồng thời mong muốn tiếp cận được các công nghệ, nguồn tài chính xanh để thực hiện mục tiêu này. Việt Nam đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp Singapore về tài chính, công nghệ, quản trị và về tăng trưởng xanh. Tuy là quốc gia không lớn về diện tích và đông về dân số, song có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới, do đó, doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao và mong đồng hành cùng doanh nghiệp Singapore trong tăng trưởng xanh, đi cùng xu thế chung của thế giới để chúng ta cùng đạt mục tiêu chung này”, Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định đồng tình cách tiếp cận kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững, bày tỏ Việt Nam cũng đồng nhất mục tiêu quan điểm phát triển này, bao gồm cả phát triển bền vững bao trùm cả về văn hoá, năng lượng, dân số, lương thực…, bởi tất cả các yếu tố này tạo nên mục tiêu chung phát triển bền vững.

Chia sẻ thêm về hợp tác đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam hiện là một trong 10 nước thu hút FDI tốt nhất thế giới. Đồng thời, năm nay Việt Nam kỷ niệm 35 năm thu hút FDI.

“Các doanh nghiệp Singapore hãy tìm đến Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Chính phủ 4 lĩnh vực ưu tiên cho phát triển trong giai đoạn tới, coi đó là động lực mới: Đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, chip bán dẫn, phát triển kinh tế xanh. Theo đó, Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu để tìm mô hình phù hợp, do vậy muốn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm hợp tác từ Singapore, không phải để cạnh tranh với Singapore mà để bổ sung cho nhau, làm đa dạng hóa hơn các nguồn đầu tư. Đặc biệt, tháng 10/2023 sẽ khánh thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia ở Hòa Lạc, phấn đấu là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Với 4 động lực này sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045, đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Gợi mở hướng đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị để tận dụng các cơ hội của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hai bên cần mở rộng không gian hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định kết nối hai nền kinh tế và quan hệ đối tác kinh tế số – kinh tế xanh, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực mà Việt Nam và Singapore có thế mạnh, có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau như: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, khoa học công nghệ. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại song phương vốn đã hết sức tốt đẹp, tạo hiệu ứng lan tỏa, hướng tới một tương lai bền vững cho cả khu vực. Việt Nam mong muốn Singapore và các đối tác nước ngoài tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc tham vấn, phản biện chính sách; chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới; thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính, và đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia./.