Từ khóa: thu hút đầu tư, FDI, tăng trưởng kinh tế

Summary

In 2023, the world economy, trade and investment situation has been affected by the Russia- Ukraine conflict and the Israel-Hamas war, and Vietnam’s economy faced many difficulties caused by fluctuation in commodity market prices. However, our country’s economy still achieved the growth rate of 5% and foreign direct investment (FDI) inflows recorded high value, which are bright spots in the socio-economic picture. With attractive advantages, Vietnam’s FDI attraction in 2024 is projected to continue its growth trend.

Keywords: investment attraction, FDI, economic growth

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH KINH TẾ VÀ FDI TOÀN CẦU NĂM 2023

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 3,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 5/2023; Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế toàn cầu tăng không quá 2,1%. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ tăng trưởng 0,7%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tăng trưởng 4%. Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNTACD) cho biết, tổng giao dịch thương mại toàn cầu năm nay đạt khoảng 30.700 tỷ USD, giảm khoảng 5% so với mức 32.200 tỷ USD của năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng và sản xuất giảm.

Năm 2023, nhiều nước phải ứng phó với cuộc chiến chống lạm phát. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng đã trải qua đợt tăng giá mạnh, nhất là từ khi nguồn nhập khẩu dầu khí từ Nga đứt gãy. Số liệu của chuyên trang tài chính Finance Times cho thấy, giá dầu đã tăng khoảng 25% do việc cắt giảm nguồn cung kéo dài từ các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+). Giá lương thực ở mức khá cao và thường xuyên đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung, gây khó khăn cho nhiều quốc gia thu nhập thấp và các nền kinh tế đang phát triển.

Bức tranh FDI năm 2023 và dự báo năm 2024
Hoạt động thu hút FDI đạt mức cao là điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội của Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 vẫn tiếp tục giữ xu thế tăng trưởng

Tuy nhiên, vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của kinh tế thế giới. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8%; thị trường lao động khởi sắc, chi tiêu toàn cầu bắt đầu tăng sau giai đoạn trì trệ hậu đại dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu đều ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch. Đó là một số dấu hiệu thuyết phục để giới chuyên gia tin tưởng kinh tế toàn cầu sẽ “hạ cánh mềm” trong năm sau. Kinh tế Mỹ không chỉ thoát khỏi vòng xoáy suy thoái, mà còn tăng trưởng ổn định trong năm 2023. Bộ Thương mại Mỹ thông báo, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý III/2023 là 4,9%, nhanh nhất trong 2 năm vừa qua, hơn gấp đôi mức 2,1% của quý II. Mỹ cũng là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2023. Từng có thời điểm nền kinh tế đầu tàu thế giới đứng bên bờ vực suy thoái, khi sự sụp đổ của các siêu ngân hàng, như: Signature Bank (SB) hay Silicon Valley Bank (SVB) kéo theo một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng làm choáng váng nền kinh tế. Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế khu vực châu Á dự kiến tăng trưởng 4,9% (tăng nhẹ so mức dự báo 4,7% hồi tháng 9). ADB nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 4,9% lên 5,2%. IMF nhận định, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng GDP khoảng 4%.

Trong bối cảnh đó, FDI thế giới chịu tác động của một số nhân tố mới. Xu hướng toàn cầu hóa có dấu hiệu chững lại từ sau cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 và sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn 2018-2022, với tổng vốn FDI chỉ chiếm trung bình 1,3% GDP toàn cầu. Xu hướng phi toàn cầu hóa được một số nền kinh tế lớn, như Hoa Kỳ và châu Âu áp dụng để bảo hộ doanh nghiệp trong nước, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Cùng với đó, xu hướng đáng chú ý là các quốc gia này đã đưa sản xuất của các ngành quan trọng, như: vật liệu bán dẫn và sản xuất pin xe điện về nước hoặc chuyển sang các quốc gia có chung hệ giá trị. Kết quả dẫn đến là hạn chế dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển, nơi phụ thuộc vào dòng vốn FDI để có vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và gia tăng xuất khẩu. Xu hướng phi toàn cầu hóa mở ra triển vọng cho Việt Nam trong việc thu hút nhiều dự án hơn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những quốc gia và vùng lãnh thổ này đang tích cực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, song song với nỗ lực mở rộng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á.

Hình: Tỷ lệ vốn FDI trong GDP toàn cầu

Bức tranh FDI năm 2023 và dự báo năm 2024
Nguồn: IMF

TÌNH HÌNH THU HÚT FDI CỦA VIỆT NAM NĂM 2023

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 20/12/2023, vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP-VG) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1%; Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm, thì vốn đầu tư mới và vốn góp mua cổ phần và phần vốn góp tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, có 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 56,6%; vốn đăng ký đạt gần 20,19 tỷ USD tăng 62,2%; 1.262 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 14%, vốn tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD, giảm 22,1%; có 3.451 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 3,2%, giá trị vốn góp đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ.

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% vốn đăng ký, tăng 39,9%; kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với gần 4,67 tỷ USD, chiếm 12,7% vốn đăng ký, tăng 4,8%; sản xuất, phân phối điện đạt hơn 2,37 tỷ USD, tăng 4,9% và tài chính ngân hàng xếp thứ 4 với 1,56 tỷ USD, gấp gần 27 lần.

Xét về quốc gia, có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6%; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9%; Hồng Kông đứng thứ 3 với hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8%; tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

Về phân bổ vốn, 56 tỉnh, thành phố đã có dự án FDI; trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với hơn 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16%; Hải Phòng xếp thứ hai với hơn 3,26 tỷ USD, chiếm 8,9% vốn đăng ký; tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình.

Khu vực FDI xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt gần 258,8 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, giảm 9,9% so cùng kỳ, chiếm 64,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Từ bức tranh thu hút FDI năm 2023 nói trên của Việt Nam, có thể thấy một số đặc điểm nổi bật như sau:

– Vốn đầu tư mới tăng nhanh, 62,2% tập trung vào các tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…

– Vốn điều chỉnh giảm do khó khăn của doanh nghiệp FDI.

– Các nhà đầu tư đến từ châu Á là: Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan chiếm hơn 81,4% tổng vốn đăng ký.

– Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tuy giảm, nhưng xuất siêu gần 48,8 tỷ USD đã bù đắp phần nhập siêu hơn 21,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo ra mức xuất siêu kỷ lục khoảng 26,9 tỷ USD.

Như vậy, tính tổng cộng từ năm 1988 đến năm 2023, cả nước đã có 39.140 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 468,92 tỷ USD; tổng vốn thực hiện đạt khoảng 297,2 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.

Các tổ chức quốc tế và nhà ĐTNN đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam do ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội; thị trường mở rộng nhờ thu nhập của người dân tăng nhanh, với khoảng 25-30 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu; chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của chuyển đối sang tăng trưởng xanh, kinh tế số, trong khi tiền công/lương chỉ bằng khoảng ½ một số nước ASEAN; Nhà nước kiên định cải cách nền hành chính quốc gia, do đó, nhiều doanh nghiệp FDI liên tục tăng vốn đầu tư, nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, như: Apple, Goertek, Foxconn, Luxshare đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, như: bán dẫn, năng lượng mặt trời, điện gió, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech). Đáng chú ý, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab đánh giá, Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.

Tuy vậy, môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta cần được cải thiện nhanh hơn và đồng bộ hơn, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa, minh bạch, công khai thủ tục thuế, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy; đánh giá tác động môi trường, xuất nhập khẩu; đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, đáp ứng đòi hỏi của kinh tế số và Chính phủ số. Tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cùng với việc đảm bảo nguồn cung lao động cũng là kỳ vọng từ phía các doanh nghiệp FDI đối với các địa phương.

DỰ BÁO THU HÚT FDI NĂM 2024

Bốn năm sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới vẫn chưa được hồi phục; GDP toàn cầu năm 2023 thấp hơn khoảng 3,4%, tương đương 3.700 tỷ USD so với trước khi có dịch. Sự giảm sút này được phân bố không đồng đều, trong đó, Mỹ là nước duy nhất đã hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch; Châu Âu chỉ tăng trưởng dưới 2,2% và Trung Quốc là 4,2%. IMF và WB đánh giá 73 nước nghèo có lợi tức thấp (low income countries) bị mất đến 6,5% GDP vì đại dịch Covid-19, chưa hồi phục được.

Cuộc tranh chấp chiến lược và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành 2 khối – nghiêng về Mỹ hay nghiêng về Trung Quốc. Đặc biệt, chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều mặt hàng chiến lược và quan trọng đã có sự phân biệt. Nghiên cứu của IMF cho thấy, trong mấy năm vừa qua, việc xuất nhập khẩu hàng hóa và sản phẩm cơ bản, giao lưu tài chính, như: đầu tư trực tiếp và cho vay ngân hàng đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn giữa các nước trong cùng khối so với mức tăng trưởng chung toàn thế giới. Những yếu tố đó đã góp phần làm mức tăng trưởng kinh tế thế giới giảm nhiều, chỉ còn 2,5%/năm giai đoạn 2020-2024. Bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm sẽ tác động đến khả năng tăng trưởng của các nước. Thương mại thế giới tăng chậm lại, chỉ còn tăng 0,8% năm 2023, dự kiến hồi phục ở mức xấp xỉ 3% vào năm 2024, do đó, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với các nền kinh tế mở như Việt Nam.

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2023 của UNCTAD, các yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các nước Đông Nam Á là: đầu tư công và chi tiêu tiêu dùng, nhất là chi tiêu của du khách quốc tế đến mỗi nước, cùng với sự phục hồi về xuất khẩu điện tử, công nghệ… sẽ giúp cải thiện hơn nữa triển vọng tăng trưởng của các nước trong khu vực. Lạm phát dự kiến tiếp tục giảm vào năm 2024 và vẫn nằm trong vùng an toàn; dự báo lạm phát nhóm ASEAN-6 gồm: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ giảm từ 3,6% vào năm 2023 xuống 3% vào năm 2024 và 2,8% vào năm 2025. ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% năm 2023 và duy trì ở mức 6% năm 2024. Chuyên gia của ADB và WB cho rằng, Việt Nam đã thể hiện sự vững vàng, sẵn sàng vượt sóng nhờ động lực cho sự phục hồi là xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng tư nhân. Theo ICAEW và Oxford Economics, các nước Đông Nam Á có cơ sở sản xuất và xuất khẩu lớn, cũng như lượng thu hút FDI nhiều có thể sẽ tăng lớn hơn. Sự phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ sẽ giúp mở rộng thặng dư thương mại, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tiền tệ vào năm 2024. Các ngân hàng trung ương Đông Nam Á sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm bớt vào năm 2024.

Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 đề ra mục tiêu chiến lược và các giải pháp đột phá của Việt Nam đối với khu vực FDI, các tiêu chí lựa chọn và đánh giá dự án FDI, để tạo “bộ lọc” giúp thu hút các dự án có chất lượng hơn; đồng thời, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế – xã hội của khu vực FDI. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, năm 2022, Chính phủ ban hành Chiến lược Hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021-2030. Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, theo đó, từ ngày 01/01/2024 áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024, để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Hiệu ứng chính sách là rõ rệt, Samsung, LG tiếp tục dốc vốn, Apple và hàng chục tập đoàn kinh tế lớn tìm đến Việt Nam.

Câu chuyện được kỳ vọng hiện nay về làn sóng mới FDI có chất lượng cao hơn giống như hơn 10 năm trước, khi các tỷ phú Bill Gates, Steve Ballmer, Lee Kun Hee tìm đến Việt Nam để thực hiện các dự án công nghệ cao nhiều tỷ USD. Tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) đã đến nước ta để thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Người được mệnh danh là “phù thủy” trí tuệ nhân tạo (AI), giàu thứ 34 thế giới chia sẻ về những cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực AI và bán dẫn: “Chúng tôi đã nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, sẽ cam kết hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam”. Ông nhấn mạnh: “AI chính là cơ hội phi thường cho Việt Nam, do đã chuẩn bị tốt và đây là thời điểm tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược”.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) John Neuffer nhận định: “Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu” và chia sẻ rằng, nhiều khoản đầu tư đã được các thành viên của SIA thực hiện tại Việt Nam; sắp tới, sẽ có những doanh nghiệp tăng gấp đôi các khoản đầu tư tại đây. Giám đốc quan hệ Chính phủ của Ampere Harry Clapsis cho biết, 5 năm qua, Ampere đã có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đầu tư, qua đó, đã đạt được những kết quả tích cực trong sản xuất chíp tại Việt Nam. Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm chia sẻ, sau 10 năm phát triển ở Việt Nam, mới đây Marvell đã công bố việc thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP. Hồ Chí Minh và cam kết trong vòng 3-5 năm tới, sẽ phát triển vượt bậc nguồn nhân lực tại Việt Nam. Ông nói: “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Mong mỏi của Marvell là có thể hợp tác để phát triển công nghiệp bán dẫn, thiết kế vi mạch của Việt Nam”.

Lợi thế của Việt Nam về đất hiếm với trữ lượng đã được thăm dò 22 triệu tấn, bằng ½ của Trung Quốc, nước có trữ lượng đất hiếm nhiều nhất thế giới, đang làm chủ thị trường nguyên liệu ngành bán dẫn toàn cầu. Việc hợp tác khai thác đất hiếm không những đưa lại nguồn thu mỗi năm hàng chục tỷ USD, mà quan trọng hơn là sẽ tạo nên lực hấp dẫn với các nhà đầu tư hàng đầu của ngành công nghiệp quan trọng này, tạo điều kiện để nước ta gia nhập các quốc gia có ngành bán dẫn phát triển.

Trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực để thu hút FDI đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta khi “miếng bánh” vốn đầu tư quốc tế nhỏ hơn trước, thì cơ hội mới Việt Nam có được là sức hấp dẫn của điểm đến đầy hứa hẹn, là nơi đáng sống của doanh nhân và nhà ĐTNN, lại có nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành bán dẫn. Để đón nhận được các cơ hội này, cần đẩy nhanh hơn việc chuyển sang kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cải cách có kết quả hơn nền hành chính quốc gia, bao gồm: cơ cấu lại bộ máy nhà nước theo hướng tính giản, giảm thiểu đầu mới; bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử; phân công, phân nhiệm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để thu hút không những các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn phần lớn đến từ châu Á, mà thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn các dự án quy mô lớn từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italia, Hà Lan và nhiều nước thuộc OECD; thực hiện được đích đến của dân tộc là trở thành nước có thu nhập trung bình cao, công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước có thu nhập cao, hiện đại hóa năm 2045./.

GS, TSKH., Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3, tháng 2/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023.